Hàng loạt sự cố thi cử và chuyện công bằng thí sinh
Zing -
08/07/2015, 08:21
Tặng 0,2 điểm cho người thi Vật lý, thí sinh quên buổi thi được thi môn khác, giám thị ký nhầm, thí sinh phải thi lại… Những chuyện này có công bằng với tất cả thí sinh?
Người được tặng, kẻ không
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, số thí sinh dự thi môn Vật lý trong kỳ thi THPT quốc gia là 463.182 người.
Với việc thừa nhận có sai sót trong đề thi Vật lý năm nay, tất cả thí sinh dự thi môn học này đều được “tặng” 0,2 điểm cho câu 44 mã đề thi 274 (tương ứng câu 43 mã 138; câu 50 mã 426; câu 41 mã 841; câu 43 mã 682, câu 43 mã 935).
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, việc làm này của Bộ GD&ĐT là đúng. Nếu so với các bạn dự thi môn khác, thậm chí các thí sinh dự thi môn Vật lý còn thiệt hơn.
|
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
|
Theo lý giải của PGS Văn Như Cương, do dữ kiện đề bài đưa ra không hợp lý, thí sinh vẫn phải mất thời gian để làm mà có thể không còn thời gian để hoàn thành câu khác.
Nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, GS.TS Hà Huy Bằng cho biết, việc Bộ GD&ĐT ra đề thi hướng đến thực hành trong những năm gần đây nhằm điều chỉnh quá trình dạy và học là đúng, nhưng nếu không cẩn thận, xem xét, sẽ phạm sai lầm vì đôi khi, phiến diện theo một khía cạnh này nhưng lại không đầy đủ theo phương diện khác, dẫn đến sai sót như năm nay.
Đứng ở góc độ thí sinh, một số em cho rằng, việc những người thi Vật lý "bỗng dưng" được 0,2 điểm là một thiệt thòi cho những thí sinh khác, nhất là khi cạnh tranh vào đại học, 0,2 điểm đôi khi cũng đủ thay đổi tình thế.
Quên buổi thi được... thi môn khác
Tại kỳ thi THPT quốc gia, một số thí sinh quên môn thi nhưng được Bộ GD&ĐT cho phép thi lại ở môn khác. Việc này chỉ áp dụng với những thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT, nhưng dư luận băn khoăn liệu Bộ GD&ĐT có vi phạm quy chế và bất công đối với thí sinh khác? Vì đây là lỗi của chính thí sinh.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết, quyết định của Bộ “cho đến cùng là sự nhân văn”, “chỉ cho phép thí sinh thi lại nếu dự thi để tốt nghiệp trung học phổ thông” và “số lượng không nhiều, chỉ một vài trường hợp”.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc cách làm này có vi phạm quy chế thi hay không, ông Trinh khẳng định “không vi phạm quy chế”.
Tuy nhiên, theo Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia do Bộ ban hành ngày 26/2/2015, tại khoản 5, Điều 13 nêu rõ về hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: “Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: Trước ngày 30 tháng Tư hàng năm”. Theo đó, sau ngày này, thí sinh sẽ không được phép thay đổi các môn thi đã chọn.
Ngày 24/5, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các trường đại học, sở giáo dục và đào tạo, cho phép thí sinh được quyền điều chỉnh các môn thi đăng ký dự thi đến trước ngày 27/5. Đây cũng là hạn cuối cùng Bộ cho phép thí sinh được điều chỉnh môn thi.
Quy định này áp dụng với tất cả thí sinh, kể cả xét tốt nghiệp hay vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng hoặc chỉ xét tuyển đại học, cao đẳng.
Từ đó, nhiều người đặt câu hỏi, việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký, điều chỉnh, thay đổi môn thi tự chọn ngay trong kỳ thi có đúng với Quy chế thi, và các quy định mà Bộ này công bố cho thí sinh trên toàn quốc trước đó?
Trong khi, cũng vi phạm quy chế như mang điện thoại di động vào phòng thi, dù cố ý hay không, dù để chế độ nào nếu bị phát hiện, thí sinh đều lập tức bị đình chỉ. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra nhưng không có “phép màu” nào đối với những thí sinh này.
Giám thị làm, thí sinh chịu thiệt
25 thí sinh ở một phòng thi của ĐH Đà Lạt phải thi lại môn Toán với lý do giám thị ký không đúng vị trí của giấy thi.
Dù 25 thí sinh này tự nguyện yêu cầu được thi lại, những người liên đới đã bị xử lý, trường cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em, nhưng có phải chỉ cần làm sai, làm lại là sẽ ổn?
Thi cử luôn tạo ra áp lực. Các thí sinh đã thi xong, lại phải thi lần nữa, những áp lực tinh thần tạo nên các em lấy gì để so sánh? Và cả những tốn kém phát sinh nữa.
Sự thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống của giám thị, của điểm trưởng đã khiến các thí sinh phải "chịu trận".
Video được xem nhiều nhất
Bình luận