Gặp người mẹ của những lá thư tay đầy lỗi gửi chồng, con

Tiin - 17/07/2016, 18:40

Những câu chuyện của người phụ nữ nghèo, gày còm ấy khiến không ít người phải rơi nước mắt.

Câu chuyện về một người phụ nữ nghèo viết những lá thư tay cho chồng, con của mình với những lời lẽ mộc mạc, chân thành, dạt dào tình cảm nhưng sai đầy lỗi chính tả đã nhận được sự đồng cảm của dư luận.

Chị Nguyễn Thị Minh Khoa (41 tuổi, ngụ ấp Cây Ổi, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Vĩnh Long) từ từ kể lại câu chuyện của cuộc đời mình. Xen lẫn những nụ cười, là đôi mắt ngân ngấn nước. Nhiều lần chị nghẹn ngào tự trách mình không lo nổi cho chồng con.

Cuộc sống lận đận của người phụ nữ lam lũ

Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, chị Khoa sớm nghỉ học để phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống. Lớn thêm chút nữa chị lập gia đình.

Nhưng khi sinh đứa con trai đầu tiên, thì người chồng không chịu nổi cảnh nghèo nên bỏ mẹ con chị. Một mình chị tảo tần nuôi con trai.

Năm 2002, trong lúc gồng gánh bán buôn, chị gặp anh Đỗ Văn Liêm (43 tuổi) chạy xe ôm ở gần đó. Tuy là trai tân, nhưng anh Liêm không ngại chị một đời chồng.

Ngày anh hỏi cưới chị, cũng "đôi bàn tay trắng" nhưng bằng tấm lòng chân thành, anh Liêm xem con chị Khoa xem như con ruột của mình. Sau đó anh và chị có thêm với nhau hai người con nữa.

Tuy nhiên, đứa con trai út từ lúc sinh ra đã đau ốm triền miên, kèm thêm bệnh hen suyễn "làm bạn" đến nay đã 8 năm.

Bao nhiêu tiền của như con nước, theo bệnh của đứa con này mà cuốn trôi. Gia đình chị không có một miếng đất cắm sào. 10 năm nay phải cất nhà ở nhờ trên đất hàng xóm.

 

Bức thư tay đầy lỗi chính tả khiến cộng đồng mạng xúc động. (Ảnh: Zen Le)

Chị Khoa nói trong nước mắt: 'Cưới nhau hơn 10 năm, 5 năm đầu người hàng xóm thương tình cho mượn đất cất nhà ở. Sau đó họ có việc cần nên người hàng xóm bên cạnh cho mượn miếng đất khác để ở thêm được 5 năm.

Thấy chúng tôi khổ quá, mẹ chồng kêu về cho mượn miếng đất nhỏ, bà nội, bà ngoại người cho lá, người cho giường. Ngay cả UBND Xã cũng xuống cho cái bồn chứa nước,… mới gọi là tạm ổn.'

Trước đây, anh Liêm làm đủ nghề như làm ruộng mướn, chạy xe ôm, khuân vác,… cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Nhưng vận đen cứ luôn đuổi bám gia đình họ, anh Liêm nhiều bệnh nhưng giấu gia đình, lâu dần bệnh ngày càng nặng.

Hiện tại, anh bị thoái hóa khớp nặng, bướu vùng hậu môn, kèm theo ăn uống không đủ chất nên chỉ còn da bọc xương, mất đi sức lao động.

Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của chị. Thường ngày, 2h sáng chị Khoa đã đi mua mấy con cá nhỏ rồi đạp xe bán dạo.

Tối đến, khi những quầy hàng ở chợ dọn về, chị cùng gia đình tranh thủ ngồi bán cháo đến khuya. Một ngày trừ tất cả các chi phí, chị lời được khoảng 70.000 đồng nuôi 5 miệng ăn.

'Với số tiền đó thì gia đình vẫn có thể rau cháo qua ngày. Nhưng nếu như thằng út trở bệnh thì phải đi mượn tiền hàng xóm, chưa kịp trả xong thì phải mượn thêm vì chồng lại đau. Cứ như vậy mà mấy năm nay nhà tôi vay mượn hàng xóm đã vài chục triệu. Trăn trở mãi, tôi quyết định để chồng con ở nhà, đi Sài Gòn làm giúp việc cho người ta.' , chị Khoa rưng rưng.

 

Người chồng gầy trơ xương của chị Khoa ngồi trước căn nhà được chủ cho ứng tiền để xây vững chắc hơn một chút. (Ảnh: Zen Le)

 

Bên trong nhà chị Khoa, thứ đáng giá nhất là 2 chiếc giường của bà nội cho và vài chiếc ghế nhựa cũ kỹ. (Ảnh: Vicky Le).

 

Giấy chứng nhận hộ nghèo của gia đình chị Khoa.

Khi được hỏi về con của mình, lần nữa chị lại khóc, lại trách bản thân mình vô dụng khi không thể lo cho ba đứa đến nơi đến chốn. Hai đứa đầu chỉ được học đến lớp 6 thì phải làm thuê làm mướn kiếm sống.

Hiện tại, người con trai lớn được 19 tuổi làm việc tại quê nhà để tiện chăm sóc anh Liêm. Đứa thứ 2 phải lên Sài Gòn làm trong xưởng sản xuất với mức lương 3 triệu/tháng. Còn đứa con út, học lớp 4 được gửi nhà bà nội.

Vừa rồi hàng xóm điện thoại thông báo chị phải về gấp, chồng chị đang bệnh nặng. Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chị không thể về ngay vì nếu về lúc này cả nhà sẽ… chết đói mất.

Ở lại làm việc nhưng lòng chị không yên. nước mắt chị chảy dài. Thấy vậy, chị Vicky Le (chủ nhà) gặng hỏi mãi chị mới nói. Thương tình chủ nhà cho chị ứng trước lương, cho thêm 2 triệu đồng rồi đưa chị ra bến xe để về quê để lo cho chồng.

Ấm áp tình thương giữa người với người

Theo chị Khoa thì cuối tháng 2/2016 chị bắt đầu làm việc tại nhà chị Vicky Le. Cứ 2 tháng thì chị được chủ nhà cho về quê một vào lần tối thứ 6 đến thứ 2 tuần sau.

Lương 5 triệu/ tháng bao ăn ở. Hồi tháng 5 vừa rồi, mưa giông nên nhà chị bị sập. Chị Vicky không ngần ngại  cho chị ứng tiền trước để gửi về quê sửa nhà.

Chị Khoa nói trong nước mắt: 'May mắn cho tôi gặp được người chủ tốt, chị ấy quan tâm tôi lắm, giúp đỡ tôi rất nhiều. Lần này, chị còn cho thêm tiền kêu về quê lo cho chồng trước, khi nào anh ấy đỡ thì quay lại làm.'

 

Chị Khoa khi còn ở Sài Gòn phụ việc cho gia đình chị Vicky. (Ảnh: Zen Le)

Ngoài việc tự mình giúp đỡ chị Khoa, chị Vicky còn kêu gọi bạn bè quyên góp để giúp chồng chị Khoa có chi phí khám chữa bệnh kịp thời. Sáng ngày 16/7 gia đình chị Vicky Le cùng bạn bè đã đến nhà chị Khoa thăm hỏi.

Đồng thời mọi người cũng đã tặng con trai út chị Khoa bộ sách giáo khoa, đồ học sinh và dụng cụ học tập cho năm học mới. Chị cũng chuyển số tiền 10 triệu đồng mà chị quyên góp được từ bạn bè cho chị Khoa.

 

Hiện tại, anh Liêm đã được nhập viện điều trị tại BV tỉnh Trà Vinh. Theo kết quả khám tổng quát thì anh Liêm bị sỏi thận, viêm bàng quang, bướu hậu môn, tiểu đường. (Ảnh: Vicky Le).

Theo chị Vicky, chị Khoa là người hiền lành, thật thà, làm việc lại siêng năng và cẩn thận nên chị rất quý.

Hơn nữa, chị hiểu một người xa quê luôn có cảm giác trống trải, nên thường trò chuyện với chị Khoa để chị đỡ nhớ nhà. Không chỉ cho phép chị Khoa nghỉ một tháng lo cho chồng, chị Vicky còn thường xuyên điện thoại hỏi thăm.

Chị chia sẻ: 'Khi đến nhà thăm gia đình chị Khoa thì mới biết chị khó khăn hơn chúng tôi nghĩ thế nhưng ai cũng cố gắng phấn đấu cho cuộc sống của mình.

Con trai út của chị Khoa ham học lắm, khi tặng sách ngồi đọc ngấu nghiến. Mong rằng chị Khoa sẽ vượt qua được khó khăn này.'

Ông Đặng Văn Phúc – Chánh Văn phòng UBND xã Hiếu Tử cho biết: 'Từ năm 2010 gia đình anh Đỗ Thanh Liêm đã thuộc diện hộ nghèo của xã.

Hai năm trước xã cũng đã hỗ trợ cho gia đình anh Liêm một con bò làm vốn để thoát nghèo. Thế nhưng anh Liêm bệnh yếu không còn sức lao động đã nhiều năm nay nên rất khó khăn.

Ngoài ra, xã đã từng có ý định xây nhà tình thương cho gia đình anh, nhưng khi khảo sát thì anh Liêm không có đất nên không thể tặng nhà được.'

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất