"Đừng chỉ trích người trẻ chỉ vì thích lên Sa Pa ngắm tuyết"

Zing - 29/01/2016, 08:25

Câu chuyện giới trẻ mong ngóng, hy vọng tuyết rơi để thưởng thức vẫn đang là đề tài tranh cãi của cư dân mạng những ngày gần đây.

Không phủ nhận sức hút của những cơn mưa tuyết đối với giới trẻ Việt những ngày qua. Nhưng bên cạnh sự phấn khích đó là sự phản đối, chỉ trích khi nhiều người cho rằng, việc mong chờ tuyết rơi là ích kỷ, không nghĩ đến cuộc sống của người dân nơi đón nhận hiện tượng này.   

Nhiều bạn trẻ thích thú khi lần đầu được ngắm tuyết. Ảnh: Lê Hiếu.

Người hào hứng, kẻ phán xét

Ngay khi báo đài đăng tải thông tin về đợt lạnh sâu, dự báo tuyết rơi nhiều nơi tại các tỉnh phía Bắc, nhiều bạn trẻ đã lên dây cót tinh thần, rủ nhau lên Sa Pa, Mẫu Sơn... ngắm tuyết với sự hào hứng, hiếu kỳ của tuổi trẻ.

Trong khi số đông thể hiện nhu cầu hưởng thụ cái đẹp, thì một bộ phận không nhỏ sử dụng mạng xã hội là nơi chỉ trích, trách móc những người trẻ giờ quá vô tâm, không nghĩ đến cuộc sống và sự khổ cực của người dân vùng có tuyết.

Trên Facebook, dễ dàng tìm ra những đoạn viết, status như “Những người ở xa chỉ mong lạnh để ngắm tuyết rơi, mà không nghĩ đến cuộc sống khổ cực của người dân nơi đây. Thời tiết lạnh vậy, các em bé không có áo ấm mặc, người dân cũng khốn đốn vì hoa màu thất thu, trâu bò chết...", hay "Làm ơn đừng ai mong có tuyết nữa! Tuyết rơi là thảm cảnh ở nhiều bản làng đó ông trời ơi! Người dân vất vả quanh năm rồi. Hãy để họ có Tết được ấm cúng đi...”.

Tuyết là cơ hội cho Sa Pa phát triển du lịch

Là một trong những người có mặt đầu tiên tại Sa Pa để đón tuyết, Phan Anh (26 tuổi, sống tại Hà Nội) đã có những cảm nhận của riêng mình về vấn đề này.

Theo chàng trai, tuyết rơi là một trong những cơ hội lớn giúp Sa Pa thu hút lượng lớn khách du lịch. Những ngày tuyết rơi, lượng phòng nghỉ tại khách sạn, nhà trọ luôn trong tình trạng quá tải, giá cao. Do chủ động lên đón tuyết từ đêm đầu tiên, chàng trai may mắn đặt được phòng với giá hợp lý. Song bên cạnh đó, Phan Anh khá tốn kém trong việc chi tiêu ăn uống, đi lại. 

Thu Vân – một trong những cô gái may mắn đón đợt tuyết bất ngờ tại Sa Pa kể lại, tuy là nơi được nhiều người biết đến nhiều nhưng vào mùa đông, địa điểm này thường vắng khách do thời tiết giá lạnh.

“Những ngày đầu đặt chân đến Sa Pa, mình thấy lượng khách tại các khu du lịch và chợ khá ít. Song kể từ khi có thông tin tuyết rơi, lượng khách lên đây tăng đột biến. Chỉ sau một đêm, phố xá tấp nập hơn rất nhiều. Khách đông, người dân bán hàng chạy, kiếm được thêm tiền. Vậy tại sao lại phủ nhận hiệu ứng mà tuyết đem lại?”- cô gái trẻ bày tỏ.

Khá xót xa khi chứng kiến hình ảnh những em bé bán hàng dưới trời giá buốt, nhiều du khách cũng sẵn sàng mua hàng với mức giá cao hơn của sản phẩm để các em có thêm thu nhập, cũng như nhanh chóng trở về nhà tránh rét. 

Thanh Hải (27 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ: "Nhiều người cũng tận dụng đặc thù của tuyết để kiếm thêm thu nhập cho mình. Nhiều anh chàng bỏ công nặn hình người tuyết khá to để du khách chụp ảnh. Mỗi lượt chụp là 10.000 đồng. Sau một buổi, số tiền họ thu về cũng khá ổn. Mất hoa màu, nhưng họ cũng có thu nhập bù trừ từ cái khác mà?".

Hãy ngưng chỉ trích người trẻ

Trên quan điểm của nhiều người, giới trẻ hiện quá vô tâm khi thể hiện sự phấn khích của mình trước sự khắc nghiệt của thời tiết, Phan Anh bày tỏ, nhiều người cho rằng các bạn trẻ thường nghĩ đến việc đi chơi hơn là giúp người nghèo.

Song với chàng trai, điều này xuất phát ở quan điểm của mỗi người. Có người thích giúp đỡ người khác bằng vật chất, nhưng cũng có người quan niệm rằng chỉ cần trải nghiệm, ăn, ở và nói chuyện, chia sẻ cùng người địa phương đã là điều đáng quý. "Không nên đánh đồng ý thức của mọi người chỉ từ suy nghĩ cá nhân như vậy" - chàng trai nhận định.

Còn với Thu Vân, trong những ngày ở tại Sa Pa, cô không chỉ được thưởng thức cái đẹp từ thiên nhiên, mà còn cảm nhận được nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống khi chứng kiến khách du lịch sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ mua hàng cho người dân với mức giá cao hơn bình thường.

Còn với Thanh Hải, trong mỗi lần di chuyển, dù tài xế lấy đúng giá, chàng trai cũng tự đưa thêm tiền khi nghĩ đến cảnh anh vất vả mưu sinh dưới tiết trời rét buốt.

Bên cạnh đó là những lời kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ người dân nơi đây. Khải Anh (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng không ngần ngại thể hiện lòng tốt của mình với người dân Sa Pa trước chuyến đi ngắm tuyết cùng bạn bè.

Trên trang cá nhân của mình, chàng trai viết: “Các bạn ơi, nhân chuyến đi của chúng mình tới Sa Pa, mọi người xem ai có quần, áo không mặc tới nữa gom tặng mọi người ở vùng này nhé! Vừa đi chơi, vừa giúp đỡ người khác sẽ ý nghĩa hơn đó”.

Đồng quan điểm trên, nhóm ngắm tuyết của bạn M.T cũng kêu gọi trên mạng xã hôi và quyên góp hơn 400 phần quà cùng hàng trăm chiếc áo rét để gửi đến bà con vùng cao trong chuyến đi chơi của mình.  

 

Đừng quá lo lắng cho người Sa Pa

Là người có 6 năm du học tại Nga, một trong những nơi khí hậu lạnh giá, tuyết rơi nhiều, Phan Anh cho rằng, không nên quá lo lắng cho người dân sống tại Sa Pa.

“Bản thân mình khi mới sang nước ngoài cũng khá sốc với nhiệt độ tại đó. Nhưng sau một thời gian, cơ thể tự thích nghi được với nền nhiệt này. Bởi vậy, theo mình, người miền núi chịu lạnh nhiều hơn nên cơ thể cũng sẽ lì hơn với cái lạnh. Sức chịu đựng của họ cũng tốt hơn những người chưa trải qua bao giờ. Có thể nhìn vào các em nhỏ thiếu quần áo cũng xót xa, nhưng từ bao đời, người dân trên đó vẫn đi chân đất và mặc như vậy, họ vẫn mạnh khỏe đấy thôi" - chàng trai bày tỏ. 

Hơn nữa, việc những du khách mong hay không mong cũng không thể quyết định được việc tuyết có tiếp tục rơi nữa hay không.

Theo Khải Anh, nhiều người có thói quen chỉ trích bất cứ hành động nào xảy ra trên mạng. "Theo mình, ai chơi thì cứ chơi. Ai không muốn đi thì cứ ở nhà, làm việc gì bạn muốn và đừng đánh giá, phán xét hành động của người khác. Các bạn trẻ đi chơi cũng góp phần khắc phục kinh tế cho người Sa Pa. Nếu tuyết rơi, không ai đi du lịch, thiệt hại hoa màu biết bù trừ từ đâu?" - chàng trai bày tỏ quan điểm.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất