Du học sinh Việt tại Ba Lan: Sinh viên trong lớp làm gì tùy ý

Ione - 11/09/2015, 08:58

Bạn có thể không đến giảng đường, trong lớp không nghe giảng, ngủ trong lớp… sẽ không có ai phạt bạn cả.

Trần Trọng Kiên sinh ngày 12/07/1993. Từng là sinh viên khoa Quản trị doanh nghiệp (tiếng Anh) tại Đại học Bách khoa Wroclaw (Ba Lan). Thành tích học tập của Kiên khiến nhiều bạn phải
 

Trần Trọng Kiên, sinh ngày 12/07/1993, từng là sinh viên khoa Quản trị doanh nghiệp (tiếng Anh) tại Đại học Bách khoa Wroclaw (Ba Lan). Thành tích học tập của Kiên khiến nhiều bạn phải "ngả mũ": Học bổng toàn phần khóa dự bị Đại học Bách khoa Wrocław 2011-2012, học bổng bán toàn phần Đại học cho 3 năm học từ 2012-2015, học bổng Hiệu trưởng dành cho các sinh viên xuất sắc nhất trong nhiều năm liền, bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan năm 2013 cho sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc, giải nhất Olympics toàn quốc tiếng Ba Lan năm 2014. Ngoài thành tích học tập xuất sắc, Kiên còn tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.

Cùng nghe Kiên chia sẻ về cuộc sống, việc học tập ở đất nước xinh đẹp này nhé.

Những khó khăn đầu tiên

Kiên cho biết những du học sinh mới sang hầu hết đều gặp khó khăn về các giấy tờ, thủ tục như đăng ký hộ khẩu thường trú, lấy mã số cá nhân (như mã số chứng minh thư của Việt Nam, không bắt buộc với người nước ngoài nhưng cuộc sống sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều khi có nó), đăng ký bảo hiểm sức khỏe, mở tài khoản ngân hàng, thậm chí những việc nhỏ như mua vé tháng xe buýt...

Sẽ không hề dễ dàng cho những ai mới đến và tự thân vận động, chưa kể đến cách biệt về ngôn ngữ, khi ở cơ quan hành chính hay bệnh viện công ở Ba Lan có rất ít người nói tiếng Anh. Kiên may mắn có người nhà ở Ba Lan, vì thế cậu nhận được sự giúp đỡ ngay từ đầu về chuyện thủ tục hành chính. Còn các sinh viên Việt Nam khác khi đến Ba Lan thường được giúp đỡ bởi hội sinh viên Việt Nam tại thành phố, họ rất nhiệt tình thân thiện và chắc chắn sẽ giúp bạn đâu ra đấy.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất đối với Kiên và với tất cả những ai học đại học ở Ba Lan chắc chắn sẽ là các thủ tục khi đi học. Tất cả các giấy tờ cần phải nộp ở Sở giáo dục của thành phố và thường họ sẽ yêu cầu thêm gì đó chứ không bao giờ đồng ý cho qua ngay.

Sinh viên muốn làm gì trong lớp thì tùy

Các trường học ở Ba Lan rất rộng, nhiều bạn dễ bị lạc lúc ban đầu. Các lớp học thường được phân tán ra các tòa nhà khác nhau, ở các khu khác nhau, khi đổi tiết các sinh viên đi bộ mệt nghỉ. Bù lại sinh viên có thể hỏi đường bất cứ ai mình gặp, họ đều nhiệt tình chỉ giúp. 

Thường ở Ba Lan tất cả sinh viên cùng lớp/nhóm sau buổi học đầu tiên sẽ tụ tập ở... quán bar, hoặc phổ biến nhất là tất cả sẽ mua bia và ngồi với nhau trên bãi cỏ ở các công viên, giới thiệu làm quen với nhau. 

Trong lớp, thầy cô sẽ kệ sinh viên muốn làm gì thì làm, bạn có thể không đến giảng đường, trong lớp không nghe giảng, ngủ trong lớp… sẽ không có ai phạt bạn cả, họ quan niệm sinh viên là những người trưởng thành, mọi hành động đều là do quyết định của cá nhân. Tất nhiên khi có các tiết kiểm tra và khi kỳ thi đến thì những người chăm học và cố gắng sẽ đạt điểm cao hơn, còn những người lơ là sẽ bị đánh trượt không thương tiếc.

Bằng khen tại Olympics tiếng Ba Lan (từ trái sang: bài viết xuất sắc nhất, giải nhất toàn đoàn, bằng khen cho thời gian học tiếng BL ngắn nhất  2 năm)

Kiên giành được bằng khen tại Olympics tiếng Ba Lan (từ trái sang: Bài viết xuất sắc nhất, giải nhất toàn đoàn, bằng khen cho thời gian học tiếng Ba Lan ngắn nhất - 2 năm).

Ba Lan có thang điểm 5, nghĩa là điểm tối đa là 5, sau đó là 4.5, 4,… và thấp nhất là 2 có nghĩa là trượt. Tuy nhiên tùy mỗi môn sẽ có thang điểm 5.5 dành cho sinh viên đặc biệt xuất sắc, hoặc chứng minh được cho thầy cô thấy là sinh viên đó thực sự cố gắng. Nhiều khi thầy cô cho điểm 5.5 hoàn toàn theo cảm tính, nhưng điều đó cũng cho thấy họ rất quan tâm đến từng sinh viên. Có một lần ở năm thứ nhất Kiên nhận được điểm 5.5 chỉ vì "Thầy nhớ vào ngày Giáng sinh ba tháng trước em là người email cho thầy hỏi về bài tập làm thêm".

Khác biệt văn hóa giữa Việt Nam - Ba Lan

Một bữa tiệc bình thường cho sinh viên thường bắt đầu vào 8 hoặc 9 giờ tối. Bất kể là nam hay nữ, mọi người sẽ bắt đầu uống bia và nói chuyện, đến 10 hoặc 11 giờ, vodka sẽ là món chính (thức uống quen thuộc của người Ba Lan). Mọi người đổ ra đường lúc 12 hoặc 1 giờ đêm để đến sàn nhảy hoặc các quán rượu. Cuộc vui thường kéo dài dến sáng và ai ai cũng say cho đến chiều hôm sau.

Người Ba Lan đề cao sự tôn trọng với người đối diện. Dù là nam hay nữ, trẻ hay già, tất cả những người mới gặp đều sẽ được gọi là ông, bà. Cách xưng hô chỉ có thể được đổi khi người kia đồng ý cho người đối diện gọi họ thân mật hơn.

Người Ba Lan cũng rất đề cao phụ nữ, phụ nữ Ba Lan rất xinh đẹp và cũng như phụ nữ Việt Nam, họ chăm sóc gia đình của mình rất chu đáo. Những điều đó được thể hiện ngay từ khi họ là những cô gái trẻ. 

Người dân ở đây rất coi trọng Đức giáo hoàng Paul II, niềm tự hào của Ba Lan. Cũng vì đức tin mà cuộc sống ở đây rất yên bình, tỉ lệ tội phạm không cao và con người có thể cảm thấy an toàn hơn. Họ không vội vã và bận rộn, họ sống rất thanh thản. "Khi mình học lái xe ở đây, thầy hướng dẫn nhắc đi nhắc lại là nếu mình không dừng lại nhường người đi bộ trên đường thì sẽ bị trượt tức thì, nếu không có bằng lái mà đi ô tô thì có thể sẽ phải ngồi tù, và thi lấy bằng thì khó kinh khủng", Kiên chia sẻ.

Lời khuyên dành cho những bạn có ý định du học Ba Lan

Chuẩn bị tốt ngoại ngữ trước khi đi du học, các trường đều đề ra mức tối thiểu trước khi du học, tuy nhiên để thuyết trình và viết luận tốt, bạn nên có trình độ tương đương IELTS 7.0. Nếu trình độ thấp hơn mức đó cũng không sao nhưng bạn nên cố gắng học thêm ngoại ngữ trong thời gian học đại học.

Hãy kết bạn thật nhiều, tham gia hội sinh viên Việt Nam nhưng đừng quên làm quen kết bạn cả với những bạn nước ngoài. Tham gia càng nhiều hoạt động càng tốt.

Bằng khen của ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan 2013

Kiên nhận được Bằng khen của ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan 2013 với thành tích học tập tốt.

Nếu có cơ hội, đừng ngại xin thực tập hay xin việc ngay khi ngồi trên ghế giảng đường, cho dù bạn có là sinh viên năm nhất hay năm cuối. Đừng tự ti hay thiếu tự tin là mình không đủ trình độ. Luôn có một nơi phù hợp cho bạn, chỉ do bạn chưa thử. Nếu bị từ chối nhiều lần, đừng nản, bạn chưa hề mất gì cả.

Cho những bạn có ý định học tại Ba Lan: Bạn nên học đại học bằng tiếng Anh nếu muốn có cơ hội đạt thành tích cao. Tiếng Ba Lan rất khó, khó hơn tiếng Anh rất rất nhiều lần. Bạn cần yêu thích ngoại ngữ và dùi mài ít nhất 2-3 năm để đạt được trình độ C1-C2 (tương đương 7.5-8.0 IELTS tiếng Anh) mới có thể học Đại học bình thường cùng với các bạn bản xứ mà không cảm thấy bị đuối. 

 

   

GMC Giang

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất