Đón dâu bằng xe trâu trong ngày lũ
Đối phó với cơn lũ lên nhanh chóng mặt, một đôi uyên ương ở Thạch Thành (Thanh Hóa) đã lấy chính xe trâu của gia đình để đón dâu.
Ngày 22/9, Facebook Thanh Hóa cập nhật một số bức ảnh về lễ đón dâu bằng phương tiện là xe trâu trong mùa lũ. Cô dâu, chú rể trong đám cưới này là chị Bùi Thị Kiều (20 tuổi) và anh Đỗ Trọng Thắng (30 tuổi), quê ở Chánh Thành, Thành Trực, Thạnh Thành, Thanh Hóa.
Rước dâu bằng xe trâu, nhưng ai cũng phấn khởi. Ảnh: Facebook Thanh Hóa. |
Chú rể Thắng cho biết, vừa mới sau đám cưới một ngày, anh cũng không có thời gian để biết những bức ảnh trong ngày trọng đại của mình được đăng lên mạng. Theo đó, đám cưới của anh đã được lên kế hoạch trước vài tháng. Mọi khâu đã chuẩn bị chu toàn và như mọi đám cưới cô dâu - chú rể sẽ ngồi xe con về nơi tổ chức hôn lễ.
Tuy nhiên, đến ngày trọng đại, nước lũ đột ngột dâng lên chóng mặt, dù một ngày trước đó đã rút bớt. Từ nhà trai đến nhà gái khoảng 9 km, nhưng phải đi qua một đập tràn. Gia đình nhà trai buộc phải thuê thêm một xe tải để chở đoàn đón dâu đi qua đây. Chỉ khoảng nửa tiếng sau trở lại thì nước ở đập tràn lại dâng cao khoảng 70cm, các loại xe đành bó tay.
"Nhìn dòng nước cuồn cuộn, xe cộ bó tay, đi bộ qua thì rất nguy hiểm. May sao anh em, bạn bè ở nhà đã chuẩn bị từ trước cho xe trâu đón qua đập. Ba chiếc xe trâu thay nhau đón đoàn nhà trai, nhà gái, chờ đông đủ tất cả mới tổ chức hôn lễ", anh Thắng hồ hởi kể lại.
Vì nước lũ, hôn lễ bị tổ chức chậm hơn một tiếng, song với đôi uyên ương niềm vui lại được nhân đôi. "Tối qua vợ bảo ngày hôm nay rất vui và xúc động trước tình cảm nhiệt tình của anh em, bạn bè. Tất cả không quản mưa lũ đến chia vui, giúp đám cưới chúng tôi diễn ra suôn sẻ. Qua đây cho vợ chồng tôi gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người", anh Thắng nhắn gửi.
Một người gửi lời chúc đến cô dâu - chú rể: "Chúc cho đôi vợ chồng này khỏe như Trâu và sớm sinh con khỏe như nghé". Ảnh: Facebook Thanh Hóa. |
Cô dâu và chú rể cũng cho biết, họ đã có thời gian hai năm tìm hiểu, yêu đương. Vùng quê Thành Trực nghèo, lại là vùng rốn lũ từ sông Bưởi đổ về. Bà con sống bằng cây sắn, cây mía, nghèo nhưng nặng tình cảm. "Sống trong lũ quen rồi nên chúng tôi có nhiều sáng kiến, luôn đoàn kết với nhau vượt qua khó khăn", chú rể Thắng chia sẻ.
Phan Dương
Video được xem nhiều nhất