"Đời thực không như phim" của dàn diễn viên đình đám màn ảnh Việt

2 sao - 20/06/2015, 09:50

Cùng 2Sao điểm lại những diễn viên Việt nổi danh trên màn ảnh nhưng có cuộc sống đời thường đầy nghiệt ngã.

Người ta vẫn hay nói “đời không như phim”, quả đúng như vậy, nhiều diễn viên như cố NSƯT Văn Hiệp, NSƯT Trần Hạnh, cố NSƯT Hồ Kiểng, nghệ sĩ Hán Văn Tình…có những vai diễn nổi danh trên màn ảnh nhưng cuộc đời thật lại vô cùng nghiệt ngã, thấm đầy nước mắt.

Cùng 2Sao nhìn lại cuộc đời không như mơ phía sau màn ảnh của dàn diễn viên đình đám trong phim Việt:

Cố NSƯT Văn Hiệp

Khán giả xem truyền hình nhiều thế hệ, chắc hẳn đã không xa lạ với hình ảnh bác trưởng thôn hao gầy nhưng vẫn luôn hóm hỉnh, vui tính trong các tiểu phẩm hài do nghệ sĩ Văn Hiệp thủ vai.

 

Sinh năm 1942, quê gốc ở xã Lạc Trung, Thanh Trì, thành phố Hà Nội, nghệ sĩ Văn Hiệp tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Từ năm 1963 đến năm 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch Trung Ương và năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hoá Thông tin.

Trong suốt 40 năm tham gia diễn xuất, nghệ sĩ thường "đóng đinh" với những dạng vai nông dân chất phác, hiền lành, thật thà và tốt bụng... Và dù đóng bất kỳ vai nào, cái duyên hài hước trong ông cũng khiến cho vai diễn bừng lên sự sinh động và dí dỏm. Nhưng không chỉ dừng chân ở vai trò một nghệ sĩ hài, nghệ sĩ Văn Hiệp còn từng thử ở nhiều dạng vai “nghiêm túc”, điển hình phải kể đến nhân vật Vinh với  “Bài ca Điện Biên” của Nhà hát kịch Việt Nam đã đem đến cho nghệ sĩ nhiều sự ủng hộ từ khán giả.

Vậy nhưng ít ai biết, đằng sau ánh mắt, nụ cười hóm hỉnh của “bác trưởng thôn” là cả một cuộc đời khó khăn, hiu quạnh của nghệ sĩ Văn Hiệp. Hơn 20 năm cuối đời, nghệ sĩ gần như ở một mình với các con khi vợ ông - bà Văn Thị Kim Dung, đi xuất khẩu lao động ở Đức và không về. Có lẽ cái vui, cái lạc quan trong vai diễn đã giúp người nghệ sĩ luôn mang trong mình những suy nghĩ lạc quan khiến dù nhiều người khuyên nhủ, nhưng ông vẫn tin vợ mình chưa có ai.

Cái khổ ấy còn theo người nghệ sĩ già đến những những năm tháng cuối đời, ông đối mặt với tình trạng ốm đau bệnh tật liên miên (mổ dạ dày, cắt trĩ, lao phổi, đại tràng…) trong hoàn cảnh tài chính không mấy dư dả.

Gần một năm trước khi mất, do sức khoẻ yếu, nghệ sĩ Văn Hiệp không còn tham gia đóng phim. Khi biết bị ung thư, ông nằng nặc đòi về nhà và nhất định không bao giờ bước chân đến bệnh viện thêm một lần nào nữa. Đến tận lúc cận kề cái chết, ông vẫn sợ tốn tiền của các con, sợ các con mất thời gian trông nom, sợ đếm những ngày tháng cuối đời qua ô cửa sổ ở nơi toàn tiếng lách cách kim tiêm và mùi thuốc men. Ông bày tỏ nguyện vọng được hỏa thiêu.

Hơn 5 tháng sau khi nghệ sĩ qua đời, ngày 13/9/2013 Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho nghệ sĩ Văn Hiệp vì những đóng góp của ông cho nền nghệ thuật nước nhà.

NSƯT Trần Hạnh

Thành danh cùng thời với cố nghệ sĩ hài Văn Hiệp, nhưng trái ngược với người đồng nghiệp của mình,  NSƯT Trần Hạnh lại được người hâm mộ nhớ đến với những vai diễn khắc khổ, gây xúc động.  Có lẽ cái nghiệp diễn ấy đã đeo đuổi theo suốt nhiều năm tháng cuộc đời ông khi đã ở tuổi 83, ít ai biết rằng người nghệ sĩ già lại có một cuộc sống đầy khốn khó.

Cách đây 2 năm vợ nghệ sĩ qua đời do bệnh nặng. Trước kia lúc vợ còn sống, ông không phải lo nghĩ điều gì, công việc nhà đã có bà làm. Thời gian ông chỉ tập trung cho việc đóng phim, kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng từ ngày bà mất, một mình ông phải quán xuyến việc nhà từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo.

Vợ chồng ông trước kia có 7 người con, trong đó, 3 người con đã xây dựng cuộc sống gia đình riêng, chỉ còn người con út là ở lại với ông. Nhưng số phận lại nghiệt ngã lại ập đến với người nghệ sĩ già một lần nữa, khi 20 năm trước, do bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ảnh hưởng đến dây thần kinh, nên giờ người con út ấy không còn tỉnh táo. Kẻ đầu bạc lại phải chăm kẻ đầu xanh, đó cũng là lí do khiến nghệ sĩ Trần Hạnh không thể yên tâm mà đầu tư cho nhiều vai diễn. Chỉ những lần đi tận miền Nam hay vào Thanh Hóa, ông mới nhờ con gái, con dâu ở bên cạnh qua trông hộ, còn không thì sáng đi đóng phim, chiều tối người nghệ sĩ già lại vội vã về nhà lo cơm nước cho con trai.

Trải lòng về cuộc sống hàng ngày, nghệ sĩ tâm sự: “1 tháng lương hưu của tôi cũng chỉ được 2-3 triệu, vừa phải chi tiêu cơm ăn hằng ngày, vừa phải lo các khoản lặt vặt khác… Thi thoảng con gái hay con dâu cũng cho một ít, nhưng tôi không lấy. Các con còn gia đình, còn nhiều việc phải lo. Kể hơi khó khăn một tí cũng không sao, bố con tôi có thì ăn thịt, không có thì ăn rau...”

Mặc dù cuộc sống vất vả, lúc nào cũng xoay quanh cơm áo gạo tiền, nhưng NSƯT Trần Hạnh vẫn luôn khẳng định ông không buồn bởi vì bên cạnh vẫn còn các con, các cháu. “Buồn làm gì. Cuộc đời chẳng có gì buồn, vui lên con ạ. Buồn chẳng mang lại gì cả, mà chỉ khổ thêm. Mỗi người đều có một lần sống, nên phải trân trọng và yêu quý nó...” – người nghệ sĩ già lạc quan cho biết.

Cố NSƯT Hồ Kiểng

Nghệ sĩ Hồ Kiểng vốn xuất thân từ quân đội,thuộc tiểu đoàn 209 tỉnh Bến Tre. Được 6 năm, ở tuổi 29, ông mới bắt đầu xin theo học tại đoàn kịch Điện ảnh Hà Nội trong vòng bốn năm. Dù không được coi là sinh viên chính thức, Hồ Kiểng vẫn chăm chỉ học diễn xuất và ra trường với bằng tốt nghiệp đàng hoàng. Năm 1959, phim Chung một dòng sông đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh của diễn viên Hồ Kiểng.

87 tuổi đời, NSƯT Hồ Kiểng vẫn không cho phép mình nghỉ. Trong quãng đời đi diễn, ông đã 3 lần suýt tử nạn vì tai nạn nghề nghiệp. Lần đi lên Cao Bằng quay cảnh diễn, ông bị ngựa đá ngã gãy đốt sống phải đi cấp cứu. Gần một năm chạy chữa không thuyên giảm, ông được đưa sang nước ngoài thay đốt sống mới.

Rồi một lần khác, ông vào vai ông già soi ếch trong phim “Đêm săn tiền”. Trong đêm tối, lão già soi được một con rắn hổ mang trong bụi rậm. Mặc dù, đây là con rắn đã chết được bịt miệng nhưng nọc độc vẫn còn. Ông vô tình chạm vào thanh kim loại ngay miệng rắn nên bị trúng độc, chết lâm sàng 3 ngày. Mọi người khóc lóc lo chuẩn bị hậu sự thì tự nhiên ông tỉnh lại như một phép màu.

Tiếp đến, một lần vào vai ông già “dê” trong phim “Cảnh sát hình sự”. Cảnh quay ông đang ôm hôn một cô gái thì bị chồng cô ta bắt được. Anh chàng lao đến tát ông già một cái nhưng không ngờ, cú tát mạnh quá khiến ông ngã xuống đập đầu xuống đất phải đi cấp cứu. Lần đó, bác sĩ phải khoan đầu ông để hút máu bầm ra.

Tuy chỉ đóng vai phụ, nhưng ông vẫn rất đam mê và sống chết với nghề. Nhiều khi,có những cảnh quay chỉ vài giây thôi, nhưng ông vẫn rất vui vẻ đợi nhiều tiếng liền và hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình.

Sự nghiệp diễn viên gian truân là vậy,nhưng đời tư của ông cũng không được bù đắp xứng đáng.Trải qua 4 đời vợ,có được 4 đứa con nhưng cuối đời ông lại đơn độc. 2 người con đã mất, 2 người còn lại đã yên bề gia thế nhưng ông lại không ở cùng. Suốt mấy chục năm cuối đời, ông sống tại căn phòng lụp xụp, vốn là căn phòng chứa máy phát điện của khu tập thể Đài truyền hình TP HCM.

Mặc dù gặp nhiều trắc trở, nhưng nghệ sĩ Hồ Kiểng vẫn rất khiêm tốn, lạc quan,vẫn cống hiến hết sức mình cho những vai diễn dù là nhỏ nhất.Tuy chủ yếu chỉ đóng vai phụ nhưng ông được những nghệ sĩ nổi tiếng như đạo diễn Nguyễn Vĩnh Sơn (đạo diễn phim Đất phương Nam), NSƯT Thành Lộc rất tôn trọng và khâm phục không chỉ vì sự dễ mến, lạc quan trong cuộc sống mà trên hết là sự hi sinh hết mình trong từng cảnh quay,từng vai diễn của ông.

NSƯT Hán Văn Tình

NSƯT Hán Văn Tình – “thằng Quềnh” của bộ phim truyền hình “Ma Làng” nổi tiếng một thời - lấy vợ khá muộn (năm 36 tuổi), sinh được hai người con, một trai một gái. Năm 2008, anh giữ chức Phó đoàn biểu diễn của Nhà hát Tuồng Trung ương nhưng mức lương chỉ có khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Với đồng lương ít ỏi, anh thường lên tiếng về việc người nghệ sĩ không được trả công xứng đáng. Câu nói quen thuộc của nghệ sĩ là: "Chả ai nghèo hơn nghệ sĩ truyền thống!"; bởi vậy, ngoài công việc biểu diễn nghệ thuật tuồng, nghệ sĩ vẫn tham gia trong một vài bộ phim để tăng thu nhập, dù cũng không được nhiều nhặn gì.

Đầu tháng 1 vừa rồi, NSƯT Hán Văn Tình đã phải nhập viện vì căn bệnh ung thư di căn màng phổi đang diễn biến xấu đi. Thông tin này khiến nhiều bạn bè đồng nghiệp và các khán giả không khỏi xót xa.

Cố nghệ sĩ Nguyễn Huỳnh

Nguyễn Huỳnh là nam diễn viên nổi tiếng của đầu thập niên 90 của thể kỉ trước với hàng lọat phim nổi tiếng như: Tình người kiếp rắn, Vầng Trăng bị che khuất, Bóng đêm cuộc tình, Dã từ dĩ vãng…

Vào năm 2000,trong lần phim Giã từ dĩ vãng tham dự Liên hoan phim ở Hà Nội,Nguyễn Huỳnh được bạn bè rủ đi liên hoan.Trong lúc ngà ngà say anh được mời hít thử heroin,sau này do gặp một số chuyện không hay trong cuộc sống anh đã tìm đến ma túy để giải khuây.Từ đó cuộc đời của tài tử điện ảnh Việt Nam một thời đã tàn theo làn khói trắng.

Khi biết tin dữ gia đình đã đưa anh lên Trung tâm Bình Phước chữa trị. Tại đây anh trở thành đội trưởng đội văn nghệ, rất tích cực trong việc sáng tác và vận động anh em trong trại tham gia văn nghệ. Anh từng được đề bạt làm tổng đạo diễn chương trình lễ kỷ niệm ngày thành lập huyện Đắc Lấp (tỉnh Đắk Lắk).

Đến năm 2006, khi Nguyễn Huỳnh được ra trường cai nghiện, trở lại gia nhập cuộc sống đời thường, được sự động viên tích cực của một số anh em nghệ sĩ như: Lê Tuấn Anh, Quyền Linh, Phước Sang…, anh tiếp tục tham gia các bộ phim Chuyện tình yêu, Nhịp đập trái tim, trong đó bộ phim Bông hồng trà anh để lại nhiều ấn tượng trong vai một sĩ quan phản diện của chế độ cũ do đạo diễn Trần Ngọc Phong thực hiện. Nguyễn Huỳnh quyết tâm làm lại từ đầu nhưng cái chết của đứa con 6 tuổi vì bệnh bại não đã đánh gục anh hoàn toàn. Anh câm lặng trong buồn đau, u uẩn.

Tháng 5/2009, khi tất cả những kịch bản cay đắng về cuộc đời còn dang dở, Nguyễn Huỳnh đã qua đời sau cơn tai biến mạch máu não. Lễ tang anh khác biệt với tất cả lễ tang của các nghệ sĩ khác, đơn độc, lẻ loi, vắng lặng. Cuộc đời của nam diễn viên trẻ từng hứa hẹn biết bao triển vọng đến bây giờ vẫn để lại những câu hỏi nhức nhối, tại sao, vì điều gì, Nguyễn Huỳnh đã đẩy mình vào bi kịch?

Quyền Linh và Trương Ngọc Ánh trong đám tang Nguyễn Huỳnh.

Diễn viên Kiều Trinh

Nhiều người chỉ biết đến Kiều Trinh với vai nữ chính trong bộ phim “Mùa len trâu”, một sản phẩm chất lượng của điện ảnh Việt Nam đã từng “chinh chiến” tại nhiều liên hoan phim quốc tế vào năm 2005. Ít ai biết rằng, cuộc sống của cô đã từng có giai đoạn đầy nghiệt ngã.

Năm 17 tuổi, Kiều Trinh đã lấy chồng. Một năm sau, cô mang thai. Nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc khi người chồng của cô sa đà vào rượu chè, trở thành con quái vật khi ở nhà. Mọi chuyện kết thúc khi Trinh bàng hoàng phát hiện ra chồng cô nghiện ma túy.

Cuộc sống của Kiều Trinh cùng đàn con từ đó là những ngày chỉ có lon gạo với chút nước mắm hòa với cơm. Rồi một ngày, số phận của Kiều Trinh có bước ngoặt mới khi cô đến tham dự buổi casting cho bộ phim “Mùa len Trâu” và tạo được ấn tượng với đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, để rồi trở thành một phần của bộ phim làm nên niềm tự hào cho điện ảnh Việt Nam.

Diễn viên Phùng Ngọc

Đất phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn là một trong số những bộ phim Việt Nam hiếm hoi không quy tụ "ngôi sao" nhưng lại tạo ra một bầu trời đầy "sao" sau khi phim đến với khán giả, trong đó có những cậu bé lần đầu chạm ngõ điện ảnh như Hùng Thuận (vai An), Phùng Ngọc (vai Cò)... Sau 18 năm, mỗi diễn viên trong phim đã có những ngã rẽ khác nhau trong cuộc sống.

Trong khi Hùng Thuận vẫn kiên trì gắn bó với nghệ thuật thì Phùng Ngọc lại gần như biến mất sau vai diễn này. Những thông tin về "thằng Cò" cứ thưa dần, kể cả những người từng gắn bó với anh trong Đất phương Nam như đạo diễn Vinh Sơn hay "thằng An" Hùng Thuận cũng mất số liên lạc và không rõ tin tức về Cò.

"Thằng Cò" của Đất phương Nam.

Được biết, sau Đất phương Nam, Phùng Ngọc được mời tham gia vào một số phim như Đôi bạn, Bình minh Châu Thổ, Ông nội cháu đích tôn...Tuy nhiên, cát sê đóng phim không đủ trang trải cuộc sống trong khi Phùng Ngọc cũng không tìm được vai diễn nào để bật lên sau vai Cò dù đã tham gia hơn 6-7 bộ phim nên anh quyết định về Bình Dương tìm kế sinh nhai.

Khó có thể tin, từ 1 diễn viên nhí đầy hứa hẹn, Phùng Ngọc đã trở thành 1 người làm thuê và lăn lộn kiếm sống với rất nhiều nghề: cắt tóc, bảo vệ, chạy xe ôm, lái đò, bán quần áo...

Hiện tại, anh sống lẻ loi trong 1 căn phòng trọ chưa đầy 16m2. Mỗi ngày, anh kiếm được khoảng 200.000 đồng chỉ đủ để chi trả cho sinh hoạt phí eo hẹp.

Và Phùng Ngọc bây giờ.

Sự thay đổi về ngoại hình cũng khiến anh không còn đủ tự tin để đóng phim.Khuôn mặt của anh bị sẹo rỗ,một ngón tay thì đang có nguy cơ bị hoại tử sau 1 tai nạn,chỉ còn nụ cười hồn nhiên của "thằng cò " năm nào là vẫn còn gắn bó với anh.Ước mơ duy nhất của anh hiện tại là “chỉ mong cơm ngày 3 bữa, đủ lo cho mình và lo cho cha thôi".

Có người bảo Phùng Ngọc có tài nhưng lại thiếu ý chí, thiếu kiên nhẫn để có thể theo đuổi tiếp con đường nghệ thuật. Có người lại nói Phùng Ngọc thiếu cái "duyên" để tiếp tục với điện ảnh. Dẫu sao, đó cũng là quan điểm của mỗi người còn với Phùng Ngọc hạnh phúc chỉ đơn giản là cơm ngày 3 bữa, làm ra tiền bằng chính sức lao động của mình. Và dù trải qua biết bao sóng gió cuộc đời thì trên môi Phùng Ngọc luôn nở một nụ cười lạc quan, nụ cười của "thằng Cò" năm nào...

Căn phòng trọ chật hẹp của Phùng Ngọc (ảnh: Soha)

                                                                                                                                  Tuệ Hương
Theo Vietnamnet

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất