3 diễn viên đóng vai Bác Hồ ấn tượng nhất màn ảnh Việt

Xã hội - 19/05/2015, 09:40

Hãy cùng nhìn lại những diễn viên từng gây ấn tượng khi đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trên màn ảnh Việt.

Những thước phim nói về cuộc đời, sự nghiệp của Bác luôn được nhiều người quan tâm, đón nhận, vì vậy các nhà làm phim luôn phải đầu tư, dàn dựng công phu, tỷ mỉ tất cả mọi mặt. Đặc biệt quan trọng là việc chọn diễn viên chính sẽ vào vai Bác.

 

Đối với các nghệ sĩ, được vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là niềm vinh dự nhưng cũng có nhiều áp lực vì phải thể hiện được thần thái và tác phong của một con người vĩ đại. Theo thời gian, đã có không ít diễn viên được vào vai Bác và họ cũng để lại những dấu ấn nhất định trong lòng khán giả. Tuy không thể "lột tả" hết được thần thái của Bác nhưng diễn xuất của họ cũng giúp cho công chúng hình dung được phần nào về người cha vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

 

NSƯT Tiến Hợi với vai Nguyễn Tất Thành trong "Hẹn gặp lại Sài Gòn" 

 

Để có thể vào vai Nguyễn Tất Thành, nghệ sĩ Tiến Hợi không chỉ hóa trang, tập trung sức lực mà còn phải tìm đọc những tài liệu lịch sử, sách, truyện về cuộc đời Bác.

 

NSƯT Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành (ngoài cùng bên phải) trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn"

 

Theo lời kể của nghệ sĩ Tiến Hợi, anh còn tìm nghe những băng ghi âm các bài nói chuyện, để tập nói theo giọng của Bác.

 

Sau "Hẹn gặp lại Sài Gòn", năm 1997, Tiến Hợi nhận lời đạo diễn Đặng Nhật Minh tiếp tục vào vai Bác trong bộ phim nhựa "Hà Nội mùa đông năm 46".

 

NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác trong phim "Hà Nội mùa đông năm 46".

 

Bằng tất cả tình cảm yêu kính dành cho Bác, bằng sự nỗ lực, tìm tòi của bản thân, với ngoại hình và giọng nói có được, Tiến Hợi đã có được vai diễn ấn tượng, để lại nhiều dấu ấn xúc động cho người xem.

 

Trần Lực với vai Nguyễn Ái Quốc trong "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"

 

So với nghệ sĩ Tiến Hợi, Trần Lực không có lợi thế về ngoại hình giống Bác. Thay vào đó, anh đã đầu tư nhiều hơn cho giọng nói và vốn ngoại ngữ của mình. Khi hoạt động cách mạng ở Hồng Kông, Bác Hồ nói tiếng Trung như người Trung, nói tiếng Anh như người Anh. Bởi vậy, ngoại ngữ, và cách nói chuyện của Bác là một thử thách để Trần Lực nhập vai.

 

Trần Lực với tạo hình nhân vật Tống Văn Sơ trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"

 

Bộ phim kể về thời kỳ hoạt động cách mạng của Bác ở xứ Hương Cảng với bí danh Tống Văn Sơ. Trong quá trình quay, để khắc phục yếu tố ngoại hình của Trần Lực, đạo diễn nhấn mạnh vào sự nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh của vai diễn.

 

Diễn viên Minh Hải với vai Nguyễn Ái Quốc trong "Vượt qua bến Thượng Hải"

 

"Vượt qua bến Thượng Hải" là phần tiếp nối tiếp theo của bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông". Nội dung phim nói về hành trình của Nguyễn Ái Quốc năm 1933, tìm cách từ Trung Quốc sang Liên Xô. NSƯT Trần Lực không còn thủ vai Nguyễn Ái Quốc, thay vào đó là diễn viên trẻ Minh Hải.

 

Minh Hải vào vai Nguyễn Ái Quốc thay cho Trần Lực ở phần tiếp
theo của "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"

 

Có thể thấy, các nhà làm phim không cần phải hư cấu, sáng tạo hay "làm mới" hình ảnh Bác bởi điều đó là thừa thãi. Hình ảnh Bác trong điện ảnh càng gần gũi, thân quen thì bộ phim càng thành công, càng giản dị đời thường thì càng xúc động. Bởi dẫu năm tháng có qua đi, hình ảnh Bác, vị lãnh tụ, vị cha già kính yêu của dân tộc vẫn luôn in sâu trong tâm trí người dân Việt. Hình ảnh ấy, giọng nói ấy không thể khác đi được.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất