Đồ chơi Trung thu gắn liền với tuổi thơ thế hệ 7x, 8x
Nhìn lại những món đồ chơi này, có lẽ bạn nào thuộc lứa 7x, 8x cũng thấy rưng rưng nhớ về một thời thơ bé nhiều kỉ niệm.
1. Đèn cù
Đèn cù hay còn gọi là đèn ông sư, loại đèn có tên gọi thú vị này bởi chao đèn có hình giống mũ hòa thượng và khi đốt đèn thì nó sẽ quay như cái cù. Chiếc đèn 6 cánh nhiều sắc màu có bánh xe đẩy - kéo này đã làm nhiều thế hệ chết mê chết mệt.
2. Đèn kéo quân
Khi nhắc đến đèn kéo quân, trẻ em xưa thường tưởng tượng đến sự nhiệm màu đầy độc đáo về một loại đèn “biết kể chuyện”. Khi đèn được thắp sáng, các “quân” xếp trong lồng đèn sẽ chuyển động chiếu lên mặt giấy rất sống động.
3. Thỏ đánh trống bằng sắt tây
Món đồ chơi thủ công mang đậm dấu ấn về sự khéo léo và sáng tạo của thế hệ đi trước này tuy không còn phổ biến như trước nhưng vẫn luôn giữ một vị trí mà không một món đồ chơi nào có thể thay thế.
4. Tàu sắt tây
Cũng như thỏ đánh trống bằng sắt tây, tàu sắt tây được làm từ vỏ hộp sữa và những miếng sắt bỏ đi có gắn thêm chiếc cờ Tổ quốc nhỏ xinh ở mũi tàu. Tuy nhiên món đồ chơi này lại đi được trên mặt nước rất linh hoạt y như một chiếc tàu được sản xuất kì công.
5. Mặt nạ giấy bồi
Khi các loại mặt nạ bằng nhiều chất liệu ngày càng lấn át đồ chơi truyền thống thì mặt nạ giấy bồi vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống của mình. Cùng với những nhân vật dân gian như: ông Địa, Chí Phèo, Thị Nở…, hiện nay còn có các nhân vật hoạt hình và truyện cổ tích phù hợp với thị hiếu của mọi người.
6. Trống ếch
Loại trống góp phần tạo nên âm thanh “cắc”, “tùng” rộn ràng quen thuộc mỗi dịp trung thu đến không đâu ngoài trống ếch.
7. Ông đánh gậy trông trăng
“Ông đánh gậy trông trăng” cũng là một món đồ chơi mà các thế hệ 7x, 8x rất ưa thích. Món đồ chơi này còn mang theo lời chúc và mong muốn của người lớn về sức khỏe thể chất cho các em nhỏ.
8. Trống quay (trống Bỏi)
Nhắc đến trống Bỏi là nhắc về làng Báo Đáp (Nam Định), thứ đồ chơi dân dã này được làm từ đất sét, cán nhựa, que sắt, giấy hồng… Tuy nhiên loại trống này dường như đang dần bị quên lãng và những người thuộc thế hệ 7x, 8x hay thậm chí nhiều tuổi hơn nữa mới nhớ tới chiếc trống này.
Video được xem nhiều nhất