Điều ước thứ 7: Số phận khổ đau của cô giáo có cả nhà nhiễm HIV
Điều ước thứ 7 đã kể về cuộc đời của cô giáo Nguyễn Thị Hoàn. Với nỗi đau khi chồng, con và bản thân đều bị nhiễm HIV, cô gửi cuộc đời bi ai của mình vào tập thơ đẫm nước mắt.
- Cô gái đẹp của Điều ước thứ 7 lạc quan sau hóa trị
- Ê kip "Điều ước thứ 7" nghẹn ngào trước di ảnh chị Loan
- Tạm dừng phát sóng ''Điều ước thứ 7'' trên truyền hình: Đừng để công chúng mất niềm tin!
- VTV dừng phát sóng, đình chỉ tổng đạo diễn chương trình Điều ước thứ 7
- NSND Tường Vy không thân thiết với người vợ mù trong Điều ước thứ 7
Ngã rẽ định mệnh
Chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng trên VTV3 vào 13h chiều 6/6 nói về cuộc đời của cô giáo mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
Theo thông tin chương trình Điều ước thứ 7 cung cấp, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn hiện đang giảng dạy tại trường THPT Mỏ Trạng, Tân Yên, Bắc Giang.
Cô Hoàn là giáo viên dạy văn, vào nghề từ năm 2000 và đã nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Khao khát đứng trên bục giảng và một phần ảnh hưởng của cô giáo chủ nhiệm nên cô Hoàn đã quyết định học Đại học sư phạm Hà Nội 2. Sau quá trình học tập, rèn luyện cô quay trở lại Bắc Giang để giảng dạy cho đến bây giờ.
Trở về giảng dạy tại trường Mỏ Trạng cũng là lúc cô gặp lại cậu bạn cấp 3 và từ đây tình yêu của cô và người bạn cũ bắt đầu.
Cô kể: “Trở về đây dạy học thì anh ấy lên tìm, như là đi tìm một người bạn thôi, hai đứa coi nhau là bạn thân. Một lần, cả hai rủ nhau đi ăn cỗ ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Trên đường đi phải qua phà. Lúc phà rời bến, bắt đầu chòng chành chòng chành, thì đột nhiên thấy cậu bạn túm tay mình một cái để giữ cho mình đứng cho vững. Chỉ một chi tiết rất là nhỏ đấy thôi làm mình nghĩ, có lẽ người này là chỗ dựa của mình".
Bỗng một hôm chàng trai ấy hỏi cô “Thế em có lấy anh không?”... Và sau đó, đám cưới đã được tổ chức vào năm 2001. Những tưởng cuộc sống của cô có thể hạnh phúc, mỉm cười như bao người khác nhưng số phận lại vô cùng trớ trêu...
Theo lời cô giáo này kể lại, đúng như những lời đồn thổi trước đám cưới, chồng của cô giáo Hoàn đã sa lầy vào cạm bẫy của ma túy.
“Khi anh ấy xét nghiệm ở bệnh viện Thái Nguyên chỉ âm tính với HIV thôi và bố mẹ anh cũng xác nhận việc đấy, nhưng chắc khi đó chỉ là giai đoạn cửa sổ nên chưa phát bệnh”, cô Hoàn kể tiếp.
Vì muốn người chồng của mình tỉnh ngộ, đến cuối năm 2002, cô sinh con gái đầu lòng nhưng cũng từ giây phút ấy cô giáo trẻ biết “ngôi nhà nhỏ của mình đã chính thức có 3 cái án tử mang tên căn bệnh thế kỷ".
Vào thời khắc thiêng liêng nhất của người phụ nữ, khi chào đón đứa con đầu lòng cũng là lúc cô biết mình bị nghi nhiễm HIV. Hạnh phúc không trọn vẹn, vài tháng sau, cô đưa con vào bênh viện khám bệnh và phát hiện ra mình đã nhận “bản án tử hình” khi tuổi đời còn trẻ - cô khi ấy mới bước sang tuổi 25.
Sau khi con gái đầu lòng qua đời, người vợ trẻ không nản trí, tiếp tục khuyên chồng nên đi cai nghiện. Cô dồn toàn tâm toàn ý chăm sóc chồng. Hai năm chồng đi cai nghiện là hai năm cô kiên trì, hy vọng vào một tương lai tươi đẹp. Hàng tháng, sau khi lĩnh lương, cô dành thời gian và tiền của lên ở luôn với chồng. Trại cai nghiện ở tận Việt Trì (Phú Thọ).
Sau cai nghiện, chồng cô trở về với gia đình, niềm vui của cô không thể diễn tả hết bằng lời. Nhưng chẳng được bao lâu, một lần nữa, hạnh phúc không mỉm cười với cô. Chồng cô tái nghiện và còn nặng hơn trước. Sau 5 tháng sau, người bạn đời của cô qua đời...
“Tính thời gian là vợ chồng là hơn 4 năm, còn ở gần nhau chỉ được khoảng 2 năm”, cô Hoàn tâm sự thêm.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi em trai cô cũng bị HIV. Hai ngày cuối tháng 4/2005 có lẽ là thời gian đau đớn nhất cuộc đời cô, khi mà người em trai mất hôm trước, hôm sau chồng cô cũng ra đi. Những người thân cô yêu thương nhất: con, em trai và cả chồng cô nữa đều bỏ cô ra đi vì căn bệnh thế kỷ.
“Mong kiếp sau vẫn được làm con gái mẹ”
Trải qua nhiều biến cố, đau khổ trong cuộc sống nhưng cô Hoàn chưa từng trách ai hay hận cuộc đời. Cô chỉ muốn giá như được quay lại thời điểm trước khi cưới thì có thể sẽ chọn một hướng khác để cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều. Điều mà cô giáo Hoàn cảm thấy canh cánh trong lòng hiện tại chính là người mẹ đã già của mình.
Cô Hoàn thương mẹ ruột của mình nhất nhưng không nói ra được và cô gửi gắm hết vào thơ.
“Mình lúc nào cũng phải cố gắng, cố gắng để không khóc, nếu có khóc thì phải giấu nước mắt đi. Vì trong nhà có mỗi mình được học hành đến đầu đến đuôi, bố mẹ cũng rất là kỳ vọng”, cô Hoàn chia sẻ.
Những lúc muốn khóc lặng một mình, cô Hoàn lại gửi tâm tư của mình vào những vần thơ, cô coi đó là một “thế giới thơ”. Với cô đó là nguồn năng lượng giúp cô sống.
“Ngày xuân con đi lấy chồng
Trái bưởi đè rụng bụi hồng tàn hoa
Con đi lấy chồng quê xa
Canh cần chẳng có, giỗ đà muộn chưa
Chan chan đời mẹ từ xưa
Cậy nhờ con lớn bây giờ cậy đâu
Từ ngày con đi làm dâu
Tình đành duyên vậy rầu rầu nắng mưa
Bão giông thuyền mẹ đã thừa
Thuyền con trèo mãi vẫn chưa cập bờ
Đêm xuân du giấc mơ xưa
Bao giờ lại đến ngày chưa xuân thì”.
Vừa nói, cô vừa khóc nghẹn khi nghĩ đến phận con mà chưa báo hiếu được cho bố mẹ, những vần thơ về mẹ cô vẫn luôn cất giấu trong lòng, nhưng ẩn sâu trong đó là niềm yêu thương cha mẹ không tả xiết. Cô Hoàn vẫn mong nếu có kiếp sau vẫn muốn được làm mẹ con để “trả nợ người”.
“Con không muốn mẹ đau thêm lần nữa
Vì thế xin mẹ hãy mỉm cười
Đau đã đau, thiệt đã thiệt rồi
Đời chỉ cho một mà lấy đi quá đôi
Xin cho con được mang theo buồn đau, thiệt thòi của mẹ
Và ngàn lần xin người tha thứ
Chữ hiếu sinh con không muốn nợ
Chỉ xin trời đất cho có kiếp sau
Vẫn được làm mẹ con
Để được trả nợ người”.
Ngay sau đó, ekip của chương trình Điều ước thứ 7 đã họp bàn để làm sao tặng cô Hoàn một tập thơ nhưng đầy ý nghĩa nhất.
Địa điểm để thực hiện Điều ước của cô Hoàn đó là sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. Cả ekip đã giữ bí mật với cô đến phút chót.
Trên sân khấu, các nghệ sĩ đã diễn lại cuộc đời của cô Hoàn, nhưng cô vẫn không hề khóc, chỉ đến khi các học trò của cô bước ra sân thì cô mới bật khóc. Trong giây phút đó có cả mẹ, cả đồng nghiệp, học trò… cô biết rằng cô không bị bỏ mặc, bởi xung quanh cô còn có rất nhiều người luôn ở bên, động viên và đồng hành cùng cô.
Hai mẹ con và tất cả những người có mặt trong Nhà hát Kịch Việt Nam đều như nghẹn lại.
Những giọt nước mắt đã lăn dài trên gương mặt của cô giáo trẻ xinh đẹp có số phận đau thương, những cái ôm thật chặt của cô và mẹ ngay trên sân khấu làm biết bao con tim thổn thức. Chương trình Điều ước thứ 7 khiến nhiều người cảm phục trước nghị lực cứng cỏi và phi thường của cô giáo Hoàn.
Chỉ sau vài giờ chương trình phát sóng, trên fanpage chương trình Điều ước thứ 7 cũng đã nhận được những phản hồi tích cực của khán giả khi theo dõi xong chương trình.
Nickname Lê Hằng bày tỏ: “Cô quả là một người rất kiên cường. Em ngồi xem vở vũ kịch mà nước mắt rơi, trong khi cô vẫn mỉm cười khi xem cuộc đời mình trên sân khấu. Mãi tới khi học sinh của cô bước ra, cô mới bật khóc. Em rất cảm phục cô. Chúc gia đình cô mạnh khỏe. Chúc cô luôn chân cứng đá mềm. Mọi người luôn ở bên cô”.
Thuy Nguyen Anh xúc động: “Mình có cảm giác cô giáo không còn nước mắt để khóc nữa, chúc cô giáo Hoàn và mẹ luôn mạnh khỏe”.
“Đây là số lấy nhiều nước mắt nhất của mình từ trước đến giờ. Cuộc đời mỗi người là một chuyến hành trình tìm đến ước mơ, cuộc hành trình ấy không dễ dàng, sẽ có nhiều ngã rẽ, nhưng quan trọng nhất ta vẫn luôn có niềm tin, và luôn luôn có những người thân bên cạnh ta.
Cảm ơn chương trình rất nhiều vì đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm, những cảm xúc thật đẹp, củng cố thêm thật nhiều niềm tin vào cuộc đời này.
Chúc cho ekip sẽ luôn luôn mạnh khỏe, thành công và luôn luôn vui vẻ trong cuộc sống nhé”, một cư dân mạng xúc động.
Lan Anh
Video được xem nhiều nhất