Dân mạng tranh cãi về hành động nhặt rác trên đường cao tốc

Zing - 29/07/2015, 19:53

"Nếu các em đã có sự chuẩn bị kỹ càng cùng các biện pháp cảnh báo tới làn xe lưu thông thì việc làm này hoàn toàn có thể chấp nhận" - anh Vũ Minh Lý bày tỏ.

Ngày 26/7, 200 sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TP HCM và cán bộ, công nhân viên Công ty Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) tổ chức làm vệ sinh, nhặt rác, cắt cỏ trên tuyến đường TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Bên cạnh hành động mang lại sự sạch đẹp cho đường phố, nhiều người cho rằng, việc làm này tiềm ẩn không ít rủi ro, nguy hiểm cho những người tham gia cũng như các phương tiện lưu thông tại thời điểm đó.

Sinh viên quét rác trên đường cao tốc ngày 26/7. Ảnh: VEC E.

Có nhiều cách thu gom rác thay vì đưa sinh viên lên đường cao tốc

Việc tổ chức tình nguyện trên tuyến đường hiện gây khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Đa số đều bày tỏ ý kiến không đồng tình với hoạt động này.

Thành viên Duy Linh viết: “Thiếu gì việc để ra quân. Sao lại kéo mấy trăm em ra đánh đu với tử thần nhỉ? Rủi có xe điên, xe mất lái, mất thắng rồi sao?”.

Cùng ý kiến, Bảo Phạm cho rằng, quét rác trên đường cao tốc là nhiệm vụ của VEC E và cần dùng xe chuyên dụng, phòng trường hợp các xe chạy với độ 80-100 km/h mất lái. Theo Bảo Phạm, trước đây từng có những vụ ôtô khách va chạm xe tưới cây ở địa điểm tương tự.

Trước phản ứng của dư luận, Thanh Tâm - thành viên có mặt trong buổi tình nguyện - giải thích, cao tốc HLD cho phép vận tốc tối thiểu 60km/h và tối đa là 120km/h. Cô cho biết, khi tổ chức việc này, VEC E đã bố trí nhân viên đảm bảo an toàn cho những người tham gia.

Công ty thiết lập biển cảnh báo giảm tốc độ từ xa, cách vị trí dọn vệ sinh khoảng 1 km. Nơi triển khai cũng bố trí chóp nón và người phân làn ngay tại điểm đầu tiên.

Bên cạnh đó, một số thành viên trên các diễn đàn chia sẻ phương án cống hiến phù hợp hơn. Bùi Văn Trung cho hay: “Nếu muốn làm tình nguyện thì ra đường đâu đâu cũng có rác. Hành động nhỏ nhưng sẽ tạo ra những con người hoàn hảo”.

Đối với Nguyễn Huy, thay vì dành thời gian đi nhặt rác, nên hướng sinh viên nghiên cứu ra sản phẩm trí tuệ nhằm thay đổi kinh tế, cuộc sống của đất nước.

Theo thành ngữ của nước Nga: "Nơi sạch không phải là nơi hay quét rác mà là nơi không xả rác", Bảo Phạm cho rằng, không cần nêu gương những sinh viên tích cực quét rác ngoài đường. Họ dọn xung quanh trường lớp cũng là cống hiến phần nào cho việc bảo vệ môi trường.

"Vấn đề ở đây là phải có biện pháp cụ thể, nhằm ngăn chặn tệ nạn xả rác tùy tiện nơi công cộng qua hệ thống quản lý của địa phương, nhà thầu... Cần xử phạt thật nặng những đối tượng xả rác" - Đức Mạnh chia sẻ.

Thành viên này cũng cho rằng nên phân chia các sinh viên ra mỗi tuyến đường, khi xe vào trạm thu phí, cầm bảng chữ "Hãy cho chúng tôi rác". Bởi hành động này sẽ đỡ nguy hiểm hơn.

Các phong trào cần có người tiên phong

Trước những thông tin trên, anh Vũ Minh Lý, Phó trưởng ban Đoàn kết - Tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia cho hay, mọi người nên ủng hộ hành động này.

Là người tổ chức và trực tiếp tham gia rất nhiều chương trình tình nguyện trước đó, đối với anh Lý, việc chọn công việc để giúp sức các đơn vị, lực lượng chức năng rất quan trọng. Anh cũng thẳng thắn phản đối những quyết định tại nơi nguy hiểm cho các tình nguyện viên.

Tuy nhiên, với trường hợp sinh viên gom rác trên đường cao tốc, Đại học GTVT và VEC E đã có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như các phương án cảnh báo phương tiện giao thông trên tuyến đường thực hiện.

Do đó, theo anh Lý, mọi công việc từ đơn giản đến nhiều hiểm nguy đều cần có lực lượng tiên phong. Hành động của các bạn sinh viên không chỉ đơn thuần là thu gom rác thải, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc tuyên truyền người dân hạn chế vứt đồ bừa bãi.

"Nếu chỉ tuyên truyền không thôi, sẽ rất khó để người dân nghe theo và thực hiện. Việc sinh viên trực tiếp thu gom rác thải trên đường cao tốc sẽ tác động trực tiếp đến ý thức mỗi người trước khi thẳng tay vứt rác xuống đường. Đây là hành động đáng tuyên dương, thay vì bị chỉ trích và đem ra tranh cãi trên mạng" - anh Lý chia sẻ.

Tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc đoạn An Phú - vành đai II dài 4 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, với tốc độ tối đa cho phép là 80km/h.

Hành động của sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TP HCM và cán bộ, công nhân viên Công ty Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) nằm trong chiến dịch được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành GTVT.

Việc nhặt rác được thực hiện bắt đầu từ km 0+000 đến km 4+000 tại tuyến đường trên.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất