Cướp lễ hội, gạ tình: Dân "phượt" bị ghét oan?
Cũng chẳng phải đến chuyện "quậy tới bến" của dân phượt tại Tuần lễ Văn hóa du lịch Mù Cang Chải vừa qua, những ý kiến phản đối trào lưu phượt mới nở rộ trên mạng.
Chuyện xảy ra tại bản Nậm Khim (Mù Cang Chải, Yên Bái), vào tối 19/9. Người chứng kiến là chủ nhân của trang facebook Cong Thanh Vu đã ghi lại các hình ảnh và bày tỏ bức xúc của mình trên mạng xã hội.
“Khi ấy, tại nhà văn hóa bản có một đêm xòe bên đống lửa do một đoàn du khách thuê đội văn nghệ của bản biểu diễn. Chương trình nhằm giao lưu, kết hợp tặng quà cho các gia đình nghèo và học sinh khó khăn của bản”.
“Khi đống lửa đốt lên, đội văn nghệ còn chưa kịp biểu diễn tiết mục xòe nào thì không biết từ đâu hàng trăm phượt tử phượt tôn từ đâu kéo vào làm lộn xộn cả thôn bản”.
Dân phượt 'cướp lễ hội' gây hỗn loạn tại Nậm Khim. |
“Tôi chứng kiến cảnh rất nhiều nhóm phượt không hề hỏi han ai, không xin phép ai, tự nhiên như ruồi xông vào “cướp lễ hội”… Họ cầm tay nhau chạy vòng tròn hò hét. Họ cùng nhau chen chúc làm loạn cả sân múa sạp”.
“Đỉnh cao” của hành động thiếu văn hóa này, có bạn trưởng đoàn phượt còn lên sân khấu cầm micro của Ban tổ chức để hướng dẫn mọi người xòe, chạy các kiểu, rồi thì các bạn đòi đổi nhạc để các bạn ý "xõa"…
Nhiều người khi nghe câu chuyện trên chỉ cười nhạt và đồng cảm với bức xúc của người chia sẻ status ấy, bởi họ cũng đã ít nhiều chứng kiến các tình huống hỗn loạn như vậy do dân phượt gây ra.
Bạn Thanh Q. cho biết: “Tôi chẳng lạ gì những hành động như vậy của dân phượt. Từ lâu lắm rồi, tôi chẳng còn chút thiện cảm nào với đám người đó cả, dù đâu đâu trên người và xe phượt của họ cũng có đầy đủ màu cờ đỏ sao vàng”.
Bạn cho biết thêm, thỉnh thoảng vẫn được các “phượt tử” rủ làm “ôm” trong các chuyến “bão đêm” lên Tam Đảo, Hàm Lợn, Đồng Mô, Đại Lải…, những địa danh du lịch gần Hà Nội.
“Thật đơn giản, chỉ cần một cô gái nào đó ngẫu hứng đăng status có hình ảnh ‘tự sướng’ của mình, kèm theo lời nhắn nhủ ỡm ờ: ‘Có ai bão cùng em không?”. Tức thì có cả trăm like cùng hàng chục comment hưởng ứng.
Những chuyến tự phát như vậy diễn ra thường xuyên. Người tham gia nhiều khi chẳng quen biết nhau, chỉ có điểm chung là cùng đọc status ấy và trong người cũng đang có cảm giác điên điên như vậy.
Một chuyến phượt đêm. |
Bạn Nguyễn Thu H. có cùng quan điểm: “Được, mất gì sau chuyến bão đêm như vậy chẳng nói thì ai cũng biết. Con gái thì vướng vào bia rượu và những cuộc vui đêm không kiểm soát.
Con trai mà nhẹ nhàng thì sáng mai không đủ sức dậy để học hoặc làm việc. Nặng thì tai nạn giao thông, mất mạng. Chỉ vì vài giờ ngẫu hứng hoặc muốn thể hiện cái tôi cá nổi loạn.
Sau vài lần thoát chết, các “phượt tử” thường được khoác lên mình những danh xưng khá kêu như ‘xế cứng’, ‘ôm không sang chảnh’ để tiếp tục thể hiện trên các cung đường phượt khác”.
Trên các trang mạng xã hội của giới phượt, hầu như tuần nào cũng có các thông tin cảnh báo các đối tượng lừa đảo, trộm cắp, ăn chặn tiền, gạ tình… Nhiều đến mức không có nó, lại thấy thiêu thiếu.
Nạn nhân và thủ phạm đều là các phượt thủ, thường là gặp nhau trên mạng, ít quen biết nhau từ trước. Do đều là dân “bụi”, “phủi”, “bốn biển đều là anh em”, chẳng ai cần xem lý lịch của nhau để làm gì.
Sau một chuyến đi giông bão nào đó, người cho mình là bị hại mới bắt đầu lên tiếng. Người thì cảm thông, chia sẻ kinh nghiệm phòng tránh rủi ro cho nạn nhân, cảnh báo người khác.
Nhiều người thì dửng dưng, “đú” theo trào lưu thì ráng chịu, “ngu thì chết”. Những chuyến đi chỉ để tìm cảm giác lạ, cảm giác mạnh mà không cần kỹ năng, kinh nghiệm, hậu quả xảy ra là điều có thể đoán trước.
Có người còn huỵch toẹt, chẳng rõ đó là nạn nhân hay thủ phạm nữa. Bởi không ít “nữ quái”, “du đãng” dễ dàng là thành viên của nhóm phượt rong ruổi khắp nơi chỉ bằng một comment hoặc like.
Bảo Nhi, một người ghét bị gọi là phượt, gay gắt hơn. Cô từng đặt chân khắp các tỉnh của cả nước bằng nhiều phương tiện từ sang trọng tới rẻ tiền nhất, tự cho là buồn nhiều hơn vui khi theo dấu chân phượt.
“Đó là chưa nói đến những tàn phá mà ‘cơn bão phượt’ tràn qua. Vẽ bậy bạ lên di tích, thắng cảnh, thường là ghi tên mình làm kỷ niệm, nơi càng đẹp, đông khách tham quan càng cố vẽ bậy vào để sớm ‘nổi tiếng’.
Xả rác, túi ni lông, vỏ đồ hộp… tràn lan tại các nơi cắm trại, nhất là chốn thiên nhiên hoang dã. Hoa màu, cây cỏ, ruộng vườn bị dẫm đạp, chặt phá chỉ để có vài kiểu ảnh đẹp đem về đô thị khoe nhau…”.
Tôi từng nghe một vị nguyên Giám đốc Sở Văn hóa của một tỉnh miền núi than vãn suốt nhiều giờ về tình trạng làm hỏng nét văn hóa hoang sơ của cộng đồng dân tộc, từ những thiếu ý thức của dân du lịch tự phát.
“Chúng ta phải sòng phẳng với nhau, những nguồn thu của bà con địa phương chưa chắc đã phụ thuộc chi tiêu, mua bán của khách du lịch bụi. Nhưng những thứ mất đi từ đó là rất lớn, không thể đo đếm được”.
Ông cũng khẳng định rằng, mình biết khá nhiều thắng cảnh tuyệt mỹ của địa phương nhưng sẽ không công bố, hoặc sẽ gửi tâm thư xin tỉnh không khai thác du lịch tại nơi ấy.
“Không, không và không. Nếu tình trạng du lịch bụi vẫn hỗn loạn như thế này” – Ông Giám đốc Sở đã nghỉ hưu quả quyết.
Rồi trầm tĩnh lại, ông nói thêm: “Chúng ta không đánh đồng tất cả các bạn trẻ tham gia phượt với những người vô ý thức. Tất nhiên, du lịch trải nghiệm, khám phá, chinh phục một cách có văn hóa của các bạn trẻ thì chúng tôi vẫn rất hoan nghênh mà”.
Video được xem nhiều nhất