Cuốn sách bị dán ngược bìa trong lớp học nghèo của những em bé vùng cao...
Kênh 14 -
25/11/2015, 16:10
Một người bạn của tôi, từng đi tình nguyện vài Mùa hè xanh ở vùng biên giới, miêu tả giản dị rằng, ở đó trẻ em cũng nghèo và trường lớp thì còn nghèo hơn thế nữa. Các bạn cứ đi đi, rồi sẽ thấy đồng bào mình còn đáng thương biết bao nhiêu. Rồi bạn sẽ chẳng còn muốn tranh cãi điều gì khác về quyển ...
Hôm qua, tôi được xem clip về các em bé vùng cao đang đọc sách trong giờ học. Đoạn clip ngắn, quay lại cảnh một lớp học nhỏ có khoảng hơn mười em học sinh. Trong lớp không có nhiều thứ ngoài những dãy bàn đã cũ và một tấm bảng. Thầy giáo lần lượt chuyển cuốn sách cho từng em đọc lại bài. Cuốn sách in màu, bị dán ngược bìa.
Cuốn sách giáo khoa bị dán bìa ngược ấy, theo một cách tự nhiên và dễ hiểu nhất, nói với chúng ta một điều rằng: Đấy là hình ảnh thể hiện sự thiếu thốn sách vở ở những lớp học vùng cao, khi mà một cuốn sách đẹp đẽ lành lặn cũng không có nổi. Sự thật hiển hiện và thật buồn, thật thương.
Với những cá nhân, tổ chức thiện nguyện, thì họ lại thấy thêm một điểm trường cần vận động quyên góp để có nhiều sách hơn, để không còn cảnh cả chục em học sinh phải dùng chung một cuốn sách nữa. Với những người làm giáo dục hay các cơ quan bộ ngành, có lẽ họ sẽ lại phải tiếp tục nỗ lực nữa để cải thiện tốt hơn môi trường học tập của các em.
Nhưng trong các cuộc tranh luận vài ngày qua, nhiều người lớn lại có vẻ bận cãi nhau về những cái khác. Từ chuyện hình thức, thành tích, đến chuyện các em có bị bắt học thuộc lòng để đọc được vanh vách trôi chảy như thế không... Các cuộc cãi nhau đó, có lẽ bọn trẻ không biết. Các em không có nhiều cơ hội để biết Facebook là gì, hay chưa đủ lớn để có thể hiểu hết những lý lẽ phức tạp. Những điều chúng nghĩ trong đầu, có lẽ chỉ là hôm nay ăn gì, mùa đông này liệu có tấm áo ấm được không, hay liệu đến tuần sau, bố mẹ còn chịu cho chúng đến trường thay vì đi làm rẫy...
Cuốn sách và đám trẻ trong clip khiến tôi nhớ lại vài năm về trước, khi có dịp về Nghĩa Lộ thực tập, ở hẳn trong bản của người dân, tôi mới hiểu được đằng sau cái vẻ đơn sơ và những đôi mắt trong vắt của trẻ nhỏ vùng cao mà người ta thường tung hô - là một cuộc sống vẫn túng thiếu đến thế nào.
Một ngày nọ được về sớm, tôi bắt gặp lũ trẻ con đi học về. Ngồi trước hiên, đám trẻ con đi qua, sách vở cầm trên tay, hai cặp má bầu bĩnh cáu bẩn. Những cuốn sách xộc xệch, lề cũ nát, hiển nhiên là được nhận từ một đợt sách quyên góp từ dưới xuôi gửi lên. Những đứa trẻ thành thị như tôi, từ cấp 1 đến cấp 2 đều tham gia những đợt quyên góp sách như vậy. Sách cũ của năm học trước được giữ lại thành từng chồng, mang đến trường nộp cho các thầy cô với hy vọng sẽ giúp đỡ các bạn nhỏ miền ngược. Những cuốn sách cũ của tôi, trong ký ức - thường rách bìa, bị vẽ bậy lung tung. Tôi không xé nhưng sách hay quăng quật nên bìa thường bị tung ra. Khi về làng hay đợt lên bản thực tập, tôi từng ngồi lật bộ sách giáo khoa của các em nhỏ, tất cả đều được các em tự bọc lại bìa một cách cẩn thận, nhưng khi mở lớp bìa ra, có thể thấy lề bị nát, gáy bị bung và chi chít những hình vẽ bên trong.
Ngày nhỏ tôi chưa ý thức được ý nghĩa của từng cuốn sách mình gửi đi. Chỉ nghĩ đơn thuần là đem đi đóng góp cho xong. Mãi cho đến lúc nhìn thấy những cuốn sách cũ trên tay các em vào cái ngày đi thực tập ấy, tôi mới nhận ra rằng, hoá ra phần đông các em nhỏ dân tộc, vẫn học, vẫn đọc từ những cuốn sách cũ được gửi lên như thế.
Cuốn sách tôi hay một đứa nhỏ nào đó từng không giữ gìn, lại được các em vô cùng nâng niu. Một bộ sách giáo khoa thường có giá 200 nghìn vào cái thời đó, ở dưới xuôi vẫn đủ khiến nhiều phụ huynh không dư dả phải nhăn mặt, ở quê hay miền ngược lại càng là một điều gì xa xỉ. Tôi còn nhớ cái hoá đơn tiền điện 40 nghìn của một hộ gia đình khi xuống một làng nhỏ ven đô sống khoảng 2 tuần. Tiền điện 40 nghìn/tháng, vậy một bộ sách giáo khoa với họ sẽ đắt đỏ thế nào?
Cái nghèo ở miền ngược dường như luôn hiển hiện rõ mồn một như thế. Còn biết bao em bé vùng cao đã trải qua tuổi thơ với những cuốn sách cũ sờn được gửi lên từ dưới xuôi như thể đó là cách duy nhất để có sách học. Nhiều trong số các em phải đi bộ hàng chục cây số đến trường, lặn lội từ sâu trong bản ra tận thị trấn. Hay có những em mùa đông lạnh chẳg có giày để đi, đôi chân khô nứt vừa bẩn vừa tứa máu vì chẳng may dẫm phải hòn đá nhọn.
Vì vậy mà mỗi tháng, mỗi năm, có hàng bao nhiêu các tổ chức thiện nguyện, ngày đêm kêu gọi gom sách vở, gom áo rét để mang đến cho các em mùa đông này. Lại là những cuốn sách bìa đã cũ hay có thể bị tung gáy. Lại là những chiếc áo rét màu mè rộng thùng thình hoặc có thể đã hơi chật rồi. Miễn là sách vẫn còn đủ chữ để các em được học đầy đủ như các bạn.
Mùa đông này rất nhiều em bé vùng cao vẫn thiếu áo ấm, vẫn không có giày và tất để đi, bát cơm có thịt hay không, đủ sách giáo khoa để học hay không, vẫn phụ thuộc vào tấm lòng của các cá nhân và tổ chức tình nguyện. Sau những cuộc tranh luận và chất vấn về bìa sách dán ngược, cuộc sống vẫn diễn ra như nó đã từng, và đâu đó trong những lớp học vùng cao, các em vẫn đang chuyền tay nhau đọc chung một cuốn sách giáo khoa, để được học lấy con chữ...
Một người bạn khác của tôi, từng đi tình nguyện vài Mùa hè xanh ở vùng biên giới, chỉ miêu tả giản dị rằng, ở đó trẻ em cũng nghèo và trường lớp thì còn nghèo hơn thế nữa. Các bạn cứ đi đi, đến những nơi mà sáng trưa chiều tối chỉ có vài củ mì, củ khoai, vài trái rừng lót dạ... rồi sẽ thấy đồng bào mình còn đáng thương biết bao nhiêu. Rồi bạn sẽ chẳng còn muốn tranh cãi điều gì khác về quyển sách dán bìa ngược kia nữa.
Video được xem nhiều nhất
Bình luận