"Cử nhân sư phạm, nếu thất nghiệp thì phải xem lại chính mình"

Kênh 14 - 28/06/2016, 09:13

Dù biết trước ngành sư phạm khó xin việc nhưng vì nhiều sức ép khác nhau, không ít sinh viên vẫn quyết định thi vào đây để rồi khi ra trường, dù cầm tấm bằng loại giỏi trong tay, nhiều người vẫn chưa biết sẽ đi đâu, về đâu?

Theo thống kê do PGS.TS Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô công bố gần đây, tính đến năm 2018, số cử nhân sư phạm ra trường mỗi năm lên tới 60.930 người. Tuy nhiên, theo ước tính trung bình từ năm 2013 đến nay, sau khi giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm thì mỗi năm nước ta vẫn có thêm khoảng 4.000 sinh viên ra trường không tìm được việc làm.

Như vậy, dù có tăng số học sinh/giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, thì đến năm 2020 số cử nhân sư phạm sẽ vẫn dư thừa khoảng 70.000 người. Con số này phân bổ ở tất cả các bậc học, trong đó, bậc tiểu học thừa khoảng 41.000 người, THCS thừa 12.200 người và ở cấp THPT là khoảng 16.900 người.

Cử nhân sư phạm, nếu thất nghiệp thì phải xem lại chính mình - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều cử nhân sư phạm ra trường không xin được việc làm.

Ngành sư phạm sau nhiều năm ổn định nguồn nhân lực thì có lẽ sắp tới, sẽ bước vào cuộc khủng hoảng thừa lao động lớn nhất từ trước tới nay. Đối với các cử nhân sư phạm, họ phải bỏ ra không ít kinh phí, thời gian và sức lực nhưng lại không thể tìm được việc làm đúng chuyên môn. 

Tâm lý hoang mang, mất phương hướng đang là cảm nhận chung của nhiều người. Chỉ trong một buổi chiều trò chuyện cùng các sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng tôi đã nghe thấy rất nhiều tâm sự khác nhau của các bạn trẻ mà ở đó, hầu hết mọi người đều chưa biết sẽ đi đâu, về đâu?

Những dự định mông lung sau ngày nhận tấm bằng cử nhân

Cầm tấm bằng cử nhân sư phạm chuyên ngành ngữ văn loại khá nhưng gương mặt của Hội (sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội) vẫn chẳng hề tỏ ra vui vẻ. Đứng trước những cánh cửa mới của cuộc đời, cô gái trẻ vẫn tỏ ra khá hoang mang. Hội chia sẻ, bản thân cô chưa có dự định gì về công việc và nghĩ mình cần nghỉ ngơi một thời gian trước khi đưa ra quyết định rõ ràng.

"Có lẽ mình sẽ không theo nghề giáo viên nhưng cũng chưa có dự định rõ ràng. Mình muốn nghỉ ngơi một thời gian", Hội tâm sự.

Trong khi đó, dù rất yêu nghề nhưng Minh Thu (sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, ĐH Sư phạm Hà Nội) đã tính trước cho mình nhiều "nước cờ" khác nhau. Thu chia sẻ, sau khi ra trường, cô dự định sẽ nộp hồ sơ thi công chức ở quê vì cảm thấy cơ hội làm việc ở Hà Nội hoặc các TP lớn rất khó khăn.

 

 Clip tâm sự của các cử nhân sư phạm ngày nhận bằng tốt nghiệp

"Nhưng nếu không được thì mình sẽ đi làm một cái gì đó để nuôi sống bản thân. Có thể là xin đi làm bán hàng, kế toán hoặc kinh doanh chẳng hạn".

Đồng tình với quan điểm này, nữ sinh Thoa cũng tâm sự, mong muốn của cô sau khi ra trường đơn giản là có công việc ổn định, nuôi sống bản thân mình. Nghề nghiệp mà Thoa hướng tới không nhất thiết phải là giáo viên bởi từ lâu, cô đã hiểu rằng cơ hội việc làm trong lĩnh vực này khá mong manh.

Tuy nhiên, khi được hỏi, sau khi ra trường, cô dự định sẽ làm gì thì Thoa lại ấp úng, không trả lời được. Có lẽ, không chỉ Thoa mà rất nhiều sinh viên khác đều ý thức rằng khả năng phải làm trái ngành, trái nghề của họ sẽ rất cao. Song, cụ thể nghề tay trái đó là gì thì không phải ai cũng có thể gọi tên rõ ràng.

Thi sư phạm vì nghĩ nghề này... dễ lấy chồng!?

Có lẽ, nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng khi nghe đến con số 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp. Thế nhưng, hầu hết sinh viên và những người công tác trong ngành này lại tỏ ra rất bình thản bởi thực tế, câu chuyện dư thừa nhân sự đã xảy ra từ cách đây vài năm.

Khi được hỏi, nhiều sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội đều thừa nhận, ngay từ khi thi vào trường, họ đã biết ngành này rất khó xin việc. 

"Tuy nhiên, mình cũng không nghĩ là nó lại khó đến mức như vậy. Hơn nữa mình vẫn nghĩ nếu đủ đam mê, quyết tâm lại có thêm kiến thức thì chắc chắn sẽ vẫn có cơ hội", Nguyễn Hằng tâm sự về lý do khiến cô quyết định thi vào ngành sư phạm.

Thế nhưng, nguyên nhân vì không lường hết được hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân sự sắp tới và tự tin vào năng lực bản thân như của Hằng không nhiều. Rất nhiều bạn trẻ tỏ ra lúng túng trước câu hỏi: "vì sao lại quyết định thi sư phạm"?

"Mình thi vào đây vì nghĩ nó phù hợp với lực học còn trước kia mình thích thi ngành báo chí. Ngoài ra, mình nghĩ khoa Văn sau này sẽ dễ bề làm trái ngành hơn các chuyên môn khác", Thoa tâm sự.

Vì không thực sự yêu và mong muốn gắn bó với nghề nên bản thân Thoa, trong quá trình 4 năm học cũng mày mò và tự tìm cho mình những lối đi khác. 

Cử nhân sư phạm, nếu thất nghiệp thì phải xem lại chính mình - Ảnh 3.

Dự báo khả năng thất nghiệp của ngành sư phạm được đưa ra từ năm 2012.

Đồng tình với ý kiến này, Hội cũng tâm sự, dù theo học sư phạm nhưng ngay từ đầu, cô cũng xác định rằng, học ngành này xong thì không nhất thiết ra trường phải làm đúng lĩnh vực mình được đào tạo bài bản.

Trong khi đó, Thu lại chia sẻ rằng, lý do cô thi sư phạm có rất nhiều, một phần vì đam mê nhưng điều quan trọng hơn là do định hướng của gia đình. "Bố mẹ muốn nối nghiệp anh trai và họ cho rằng, ngành sư phạm thì sẽ... dễ lấy chồng (cười)".

"Cử nhân sư phạm nếu thất nghiệp thì nên tự xem lại chính mình"

Theo PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường Lương thế Vinh), ngành giáo dục hiện nay tuy thừa rất nhiều cử nhân sư phạm nhưng vẫn còn thiếu những giáo viên giỏi, có trình độ chuyên môn. "Hơn nữa, tôi chắc rằng ở vùng biên cương, hải đảo, chuyện thiếu giáo viên vẫn còn xảy ra", ông Cương nói.

Theo ông, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng thừa nhân lực này là do Bộ Giáo dục & Đào tạo, trong nhiều năm đã không đưa ra những cảnh báo và biện pháp mạnh tay. "Tại sao năm nay con số 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp lại được nói đến nhiều như vậy trong khi thực tế là chúng ta đã bắt đầu thừa nhân lực ngành này từ vài năm trở lại đây. Phải chăng khi con số đã quá lớn thì xã hội mới giật mình quan tâm".

Cử nhân sư phạm, nếu thất nghiệp thì phải xem lại chính mình - Ảnh 4.

PGS. Văn Như Cương.

Bên cạnh đó, ông Cương cũng cho rằng, lỗi còn nằm ở nhiều sinh viên, không xác định gắn bó với nghề nhưng vì sức ép gia đình hoặc lo sợ không đậu các trường khác đã "thi cho cố" vào các trường ĐH Sư phạm.

Đồng tình với quan niệm này, TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng) cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng thừa nhân lực ngành sư phạm là do đào tạo không gắn với thị trường lao động, chất lượng đào tạo còn yếu kém và do bản thân sinh viên còn thiếu ý thức trang bị trình độ chuyên môn cho bản thân.

Cử nhân sư phạm, nếu thất nghiệp thì phải xem lại chính mình - Ảnh 5.

 

Tuy nhiên, cả ông Cương và TS Lâm đều cho rằng, trước khi đổ lỗi cho người khác, sinh viên sư phạm nên tự xem lại bản thân mình. "Vì thế, lời khuyên của tôi dành cho các sinh viên sư phạm là nên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện khả năng chuyên môn tốt để có thể làm giỏi ngay khi ra trường", ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho rằng, ngay tại ngôi trường ông làm việc, trong những đợt tuyển giáo viên, người đăng ký thì nhiều nhưng người có năng lực thì vẫn luôn thiếu.

"Tôi nghĩ không chỉ sinh viên sư phạm mà bất cứ cử nhân nào thất nghiệp cũng đều nên xem lại năng lực của bản thân. Nếu chúng ta thực sự giỏi, không có lý do gì lại không tìm được việc làm".

Cử nhân sư phạm, nếu thất nghiệp thì phải xem lại chính mình - Ảnh 6.

 

TS Lâm cho rằng, sinh viên muốn theo đuổi ngành sư phạm nên xem xét lại năng lực, sở trường của mình, tự nghĩ xem liệu mình có dám sống chết với nó, có đủ khả năng để vươn lên trong lĩnh vực đó hay không.

"Sinh viên giỏi là người làm được việc và biết tìm cho mình chỗ đứng chứ không phải đơn giản là chỉ có tấm bằng loại giỏi", ông Lâm nói thêm.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất