"Cứ dọn sạch xong xuôi, một lúc quay lại rác đã ngập đầy, quét, dọn không kịp"
Kênh 14 -
04/09/2015, 08:47
Sau màn bắn pháo hoa đẹp mắt, một đêm nghỉ lễ hay thậm chí là một buổi ăn mừng trận bóng... khi tất cả mọi người đang hân hoan, hưởng thụ những niềm vui của riêng mình thì đâu đó, những người lao công lại âm thầm dọn những đống rác thải ngổn ngang khắp lòng phố, vỉa hè rồi đẩy đi trên xe rác chật cứng.
Sau một ngày nghỉ lễ, 15 phút bắn pháo hoa hay vài tiếng ăn mừng chiến thắng thể thao... khi tất cả cuộc vui đã tàn, thứ còn lại sau cùng có lẽ dễ nhìn thấy nhất là... rác thải. Rác hiện hữu ở khắp mọi nơi, trên vỉa hè, dưới lòng đường, nổi trên mặt hồ, lẫn vào trong thảm cỏ hay nằm trơ trọi trên dải phân cách đường.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn ngập rác sau màn bắn pháo hoa rực rỡ nhân dịp kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua - (Ảnh: Phạm An).
Nạn thải rác bừa bãi, thói quen tiện đâu vứt đấy đã không ít lần được nêu tên đích danh trên báo chí, sách, ảnh... Thế nhưng, câu chuyện "xưa như trái đất" ấy vẫn cứ lặp lại năm này qua tháng khác để rồi đến nay, sau mỗi mỗi dịp vui, khi quay đầu nhìn lại, người ta vẫn thấy những con phố dài tràn ngập rác. Có thể ai đó sẽ có cảm giác áy náy, tiếc nuối vì đã lỡ tay xả rác không đúng chỗ nhưng điều ấy chắc sẽ kéo dài không lâu bởi chỉ một lát sau, họ lại thấy một đội quân dọn rác nhanh chóng làm sạch đường phố. Chuyện về ý thức hay văn minh nơi công cộng của mỗi người dân, có lẽ cũng sẽ vẫn mãi là một câu chuyện dài...
Góp sức cho cuộc vui trọn vẹn
Đội quân dọn rác này không ai khác chính là những công nhân vệ sinh môi trường. Lực lượng lao động chính của nghề này là những người phụ nữ ở tuổi trung niên. Họ xuất hiện giữa đường phố với vóc dáng nhỏ bé, trong bộ áo lao công màu xanh đặc trưng, trên tay là những chiếc chổi tre.
Đêm, ngày, lúc mưa gió hay khi trời đổ nắng chang chang, giữa sự ồn ào, bụi bặm của đường phố hay những im lặng đáng sợ về đêm… khi cả thành phố hối hả với những bộn bề đời thực hay chìm sâu trong giấc ngủ dài, đâu đó, những người lao công vẫn lặng lẽ kéo xe dọn rác tản đi khắp nơi. Họ âm thầm dọn sạch đường phố, tỉ mẩn nhặt từng cọng rác dính bết vào vỉa hè, lòng đường rồi vui vẻ ra đi khi thấy phía sau mình là một quãng đường tinh tươm, thoáng sạch. Đặc thù công việc của họ là như vậy, cặm cụi trên đường phố khi người người nhà nhà đang đi chơi. Nhưng giá như mỗi người để ý hơn, rác xả ít đi, thì có lẽ công việc quét dọn sẽ bớt cực nhọc, mệt mỏi hơn rất nhiều.
Vỏ kem tràn ngập bờ hồ Hoàn Kiếm đêm trước dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua - (Ảnh: Doãn Tuấn).
Rác ngập đường ven hồ Hoàn Kiếm dịp đầu xuân, năm mới 2015 - (Ảnh: Tú Quách).
Cứ như thế, những người lao động miệt mài ấy đứng sang một lát cắt khác của các cuộc vui, dốc hết sức để giúp người khác có được niềm vui trọn vẹn - đi chơi trong tâm trạng phấn khởi và ra về trên những cung đường đẹp đẽ.
Chị Linh (một lao công có 7 năm kinh nghiệm, làm việc tại khu vực đường Thụy Khuê - Hà Nội) chia sẻ: “Nghề này vô vàn lắm, nhìn chung lúc nào cũng vất vả nhưng riêng ngày lễ, Tết thì bao giờ cũng phải căng mình lên làm việc”.
Chị Linh cho biết, ngày thường, các công nhân vệ sinh môi trường sẽ phân ca làm việc 8 tiếng/ngày. Các ca làm đảm bảo trải đều gần như 24/24 để đảm bảo đường phố luôn xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, dịp nghỉ lễ, họ phải làm việc vất vả hơn khi mỗi ca làm có thể kéo dài đến hơn 10 tiếng/ngày.
"Ca làm việc của tôi bình thường kéo dài từ 4h sáng đến 12h trưa. Tuy nhiên, như dịp Quốc khánh mùng 2/9 vừa rồi, tôi phải làm tăng ca, thời gian kéo dài từ 3h sáng đến 1h chiều", chị Linh nói.
Những người lao công luôn âm thầm dọn vệ sinh đường phố bất kể ngày nắng hay mưa - (Ảnh: Thu Hường).
Bên cạnh việc phải làm thêm giờ, theo lời chị Linh, trong những dịp lễ lớn, các công nhân vệ sinh môi trường được huy động tối đa dù theo lịch, đó là ngày nghỉ của họ. "Ví dụ như ngày 2/9 vừa rồi, công ty môi trường huy động tối đa nhân sự. Sáng hôm đó, rất nhiều người đáng lẽ được nghỉ hoặc có lịch làm ca tối cũng phải dậy sớm đi làm. Càng những ngày lễ, ngày nghỉ, chúng tôi càng phải làm việc nhiều hơn".
Chia sẻ về công việc của mình, chị Linh nói: "Chúng tôi được phân công phụ trách những đoạn đường nhất định. Ví dụ như tổ của tôi có trách nhiệm dọn dẹp một nửa đường Thụy Khuê (từ đoạn Văn Cao đến chỗ giao cắt với đường Thanh Niên). Vào ngày nghỉ, trong ca làm, tôi có thể sẽ phải vòng đi vòng lại cả chục lần để dọn rác trong khi ngày thường chỉ đi 4-5 vòng là đủ. Như ngày diễu binh vừa qua, dù đoạn đường của tôi bị cấm nhưng rác vẫn rất nhiều do người dân hai bên đường vứt ra. Lúc đó, để đảm bảo cho đường phố thông thoáng, phục vụ đoàn diễu binh, chúng tôi phải mang theo túi cầm tay để đi lại dọn rác".
“Ngày trước tôi làm ca sáng nhưng bây giờ làm ca chiều, làm từ 4h chiều đến 12h đêm. Tuần nào mà tổ đủ người thì tuần được nghỉ một ngày, không thì phải đi nửa tháng nghỉ một buổi ”, chị Hương (một lao công làm việc tại khu vực hồ Hoàn Kiếm) tâm sự.
Dịp lễ, tết, công nhân vệ sinh môi trường thường vất vả hơn rất nhiều khi ca làm việc có thể kéo dài hơn 10 tiếng/ngày - (Ảnh: Otofun).
Công việc bình thường vất vả là vậy nhưng mỗi dịp nghỉ lễ hay khi TP tổ chức bắn pháo hoa thì chị Hương còn vất vả hơn rất nhiều. "Những ngày lễ lớn rất mệt. Người khác vui vẻ đi chơi cùng gia đình, bạn bè nhưng những người như chúng tôi thì làm đêm, làm ngày cũng không hết việc. Cứ nhặt sạch rác xong xuôi, một lúc quay lại thì đường phố lại đầy rác, quét, dọn không kịp", chị Hương nói.
"Sợ nhất là mỗi khi bắn pháo hoa ở hồ Gươm, người đổ về đây đông nghịt. Chỉ 15 phút xem bắn pháo hoa thôi mà sau đó, rác thải ngập đường, chúng tôi dọn cả tiếng mới hết rác vì toàn vỏ kem dính bết vào vỉa hè hay những túi ni lông vứt đầy trong các thảm hoa, thảm cỏ quanh hồ", chị Hương kể.
Chỉ mong người dân ý thức hơn
Dù công việc dọn rác vào ngày lễ, tết vất vả và mệt mỏi hơn thường ngày rất nhiều nhưng những người lao công này vẫn không hề than vãn hay kêu ca phàn nàn. Đối với họ, việc có thể góp sức khiến cho cuộc vui được trọn vẹn hơn dường như cũng là một niềm hạnh phúc. Nhưng dù vẫn biết quét dọn đường phố là công việc, trách nhiệm của mình, nhưng cái cảnh vừa dọn xong đi khỏi một lúc, quay lại rác đã lại ngập đầy cũng khiến cho các chị mệt mỏi, chạnh lòng.
"Chúng tôi làm tăng ca, tăng giờ ngày lễ, tết thì cũng được công ty thưởng thêm hoặc chấm công nhỉnh lên một chút. Nghề này vốn dĩ vất vả và lương thấp nên ngay từ lúc bắt đầu, chúng tôi cũng không trông đợi nhiều. Miễn sao nhìn thấy đường phố được sạch sẽ là chúng tôi yên tâm", chị Nguyễn Thị Ngọc (một lao công làm việc trên đường Hoàng Hoa Thám) tâm sự.
Trong khi đó, chị Linh cho rằng: "Cũng không phải ai cũng vô ý thức. Rất nhiều người cũng tìm thùng rác để vứt vào nhưng con số thiếu văn hóa xả rác hình như nhiều hơn. Thế nên mới có cái cảnh người càng đông, rác càng nhiều".
Người lao công lặng lẽ cúi mình nhặt rác trên đường Tràng Tiền, gó phần để lễ diễu binh kỉ niệm Quốc khánh mùng 2/9 được thành công trọn vẹn hơn - (Ảnh: Trần Việt).
Để đảm bảo đường phố thông thoáng, những người làm công tác vệ sinh môi trường phải gom rác vào những túi nhỏ. Ca làm việc vì thế cũng vất vả hơn khi những túi nhỏ đựng rác này rất nhanh đầy và họ phải vòng đi vòng lại rất nhiều lần mới gom hết rác thải trên đường phố. Ảnh: Blog Tâm sự.
Nói về nguyện vọng của mình, chị Linh chia sẻ: "Tôi chỉ mong sao mọi người có ý thức hơn một chút. Vứt rác thì gom lại vào túi lớn rồi để gọn một chỗ, không vứt bừa bãi khắp nơi. Nếu thấy có thùng rác gần đó hoặc khi thấy xe rác đi ngang, mong mọi người hãy tự giác bỏ vào đó. Chỉ cần được như vậy là những người như chúng tôi đã cảm thấy vui lắm rồi".
"Chúng tôi cũng không trông đợi gì ngày lễ, tết được nghỉ ở nhà hoặc đi chơi vui vẻ giống mọi người. Chỉ mong sao người dân ý thức hơn, biết được nỗi vất vả của người khác mà cân nhắc trước khi vứt rác bừa bãi. Nếu không phải gom nhặt từng chút rác, có lẽ công việc của chúng tôi sẽ dễ chịu hơn", chị Hương nói.
Một người lao công đang hối hả làm sạch đường phố sau màn bắn pháo hoa tại khu vực hồ Tây dịp Quốc khánh (2/9) - (Ảnh: Định Nguyễn).
Tương tự, chị Ngọc cũng tâm sự: "Bình thường, chúng tôi cũng không kêu ca gì vì cho rằng đó là công việc cần hoàn thành, bao lâu nay, bao mùa lễ, tết vẫn như thế. Thậm chí, có lúc vừa đẩy xa rác đi trước, quay lại đã thấy có người tay cầm túi rác vứt ra đường, chúng tôi cũng không hề trách móc nhưng tự sâu trong lòng, khó tránh khỏi chạnh lòng. Chúng tôi vẫn hy vọng mọi người nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi vì như vậy, không chỉ chúng tôi có lợi mà bản thân họ cũng được đi lại trên những tuyến đường luôn luôn sạch sẽ, kể cả khi lao công chưa kịp dọn tới".
Video được xem nhiều nhất
Bình luận