"Con gái thời nay sao khổ quá"
Gia đình, thầy cô bạo hành, bị phản bội tình yêu, lên án là kẻ thứ 3, bị hãm hiếp, phụ tình nhảy cầu tự tử... phải chăng cứ thấy con gái là thấy khổ?
Chia sẻ với Zing.vn, một độc giả viết: "Tưởng rằng năm 2016 rồi, các cô gái phải được tự do, giải phóng khỏi những định kiến, áp đặt của xã hội, không còn chịu cái nhìn phiến diện và lời phán xét của mọi người nữa.
Hay ít ra, không phải chịu đựng sự bạo hành, nỗi đau thể xác đến từ gia đình, thầy cô, bạn bè, những người đàn ông... nhưng hóa ra đâu phải. Làm con gái bây giờ sao thiệt thòi quá!".
Là con gái sao thiệt thòi thế! |
Từ bị bạo hành thân thể đến xâm hại tình dục
Chỉ mới vài ngày trước, báo chí đưa tin 3 cô gái bị thiếu gia nhà giàu dụ dỗ lên núi Sơn Trà (Đà Nẵng) rồi cưỡng hiếp họ ngay trên ôtô. Sau khi thỏa mãn thú tính, hắn ép các nạn nhân khỏa thân để chụp ảnh uy hiếp tinh thần, không cho tố cáo.
Tại Tuyên Quang, một cô giáo sinh năm 1993 đánh thâm tím người học sinh lớp 2, đồng thời là em gái mình, do viết sai một chữ trong bài kiểm tra. Ở Lào Cai, một cô giáo nhiều năm kinh nghiệm đánh sưng mắt, tím mặt cô bé 6 tuổi vì viết bài chậm. Còn tại TP HCM, một giáo viên mầm non xách ngược bé gái 4 tuổi lên cao, rồi ném thẳng xuống nền đất gạch.
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2015, cứ ba phụ nữ trên thế giới thì có một người là nạn nhân của bạo hành gia đình, đa số là phụ nữ châu Á và Trung Đông.
Tại Việt Nam, 58% phụ nữ từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành là bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần. Đáng lo ngại hơn, một nửa trong số nạn nhân này chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực họ phải chịu đựng.
Ngân hàng Thế giới đã thống kê phụ nữ trong độ tuổi từ 15-44 có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực gia đình và hiếp dâm cao hơn so với tai nạn giao thông, ung thư và bệnh sốt rét.
Mới tuần trước, mạng xã hội lan truyền clip chàng trai cao to lao tới giật tóc, đánh một nữ sinh và liên tục có những lời lẽ lăng mạ cô.
Những nam sinh khác có mặt trong lớp, người thì thản nhiên tay đút túi quần đứng bàn luận, người thì cầm điện thoại quay clip... Không ai có ý định can ngăn, cứ để mặc cô gái kia chịu đòn đau từ anh chàng "sức dài vai rộng".
Cùng thời điểm đó, những sự việc bạo lực học đường với phần lớn thủ phạm và nạn nhân đều là con gái cũng xảy ra: một nhóm nữ sinh ở Đồng Nai vây đánh dã man bạn học trong khi những bạn gái chứng kiến vô tư cười đùa, tạo dáng để... quay clip kỷ niệm; một học sinh lớp 9 ở Tiền Giang đánh đàn em lớp 7 vì ghen tuông trên Facebook khi trên người cả hai còn mặc nguyên áo dài học trò; một cô gái ở Sơn La bị bạn tát nhiều lần vào mặt đến chảy cả máu mũi trong tiếng hò reo của mọi người xung quanh...
Không chỉ chịu sự bạo hành đến từ bên ngoài, chính trong gia đình, con gái cũng phải chịu sự hành hạ về cả tinh thân lẫn thể xác.
Tại Bình Dương, một đôi vợ chồng đánh đập dã man con gái 4 tuổi. Cách đây 2 năm, dư luận không khỏi bàng hoàng và cảm thương cho cháu bé 15 tháng tuổi ở TP HCM bị chính cha mẹ mình đánh chấn thương sọ não.
Trên Facebook, các diễn đàn mạng dành cho giới trẻ đầy rẫy những bức ảnh ném đá, cùng lời lẽ miệt thị các cô gái. Khi một sự việc diễn ra, phái đẹp luôn phải chịu thiệt thòi và sự đánh giá hơn là nam giới, cho dù họ là nạn nhân.
Con gái định sẵn phải chịu thiệt thòi?
Sinh ra với thân phận yếu đuối, ai không mong được yêu thương, chăm sóc, nâng niu. Trong suy nghĩ, có cô gái nào không ước ao cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Vậy nhưng, dường như sinh ra là con gái đã định sẵn phải chịu thiệt thòi.
Những điều quen thuộc ở con trai, nếu là con gái sẽ ngay lập tức bị cộp mác "gái hư"? |
Độc giả Nguyễn Thùy Linh chia sẻ: "Con gái luôn là nạn nhân trong những vụ bạo lực gia đình, bạo lực học đường, cưỡng hiếp. Mỗi cô gái, ít nhất từng một lần phải chịu sự áp đặt, định kiến của xã hội, là đích đến của những lời miệt thị, phán xét từ người đời".
Trong một cuộc hôn nhân, nếu chồng ngoại tình, vợ sẽ bị chỉ trích là không chăm sóc tốt cho gia đình, không biết giữ chồng. Trong khi đó, kẻ thứ ba bị sỉ nhục là "hồ ly", "kẻ phá hoại", "tiểu tam" thay vì lên án người đàn ông kia.
Nếu tình yêu tan vỡ, con gái sẽ bị đổ lỗi "cắm sừng" bạn trai, ham tiền, thay lòng... mà không nghĩ rằng, khi tình yêu hết đi, ai cũng chịu đau khổ và dằn vặt bất kể giới tính.
Cùng thành đạt và đang phát triển sự nghiệp, nhưng phái đẹp thường được nhận câu hỏi về tình trạng độc thân, trò chuyện bởi thái độ thân thiện và ánh mắt đầy thông cảm dành cho "con gái học cao dễ ế".
Cùng 30 tuổi, những cô gái chưa kết hôn sẽ nhận được lời chúc: "Năm sau có tin vui nhé", "Năm sau cho ăn kẹo nhé", hoặc sỗ sàng hơn "Bao giờ cất cánh?". Còn với đàn ông, đó là vì "đang tuổi lập nghiệp", "lo sự nghiệp trước đã", "30 hãy còn xuân".
Thành viên Nhi Nguyên cho rằng: Không hiểu vì sao, giữa thời buổi hiện đại này, con gái vẫn phải chịu những "xiềng xích" của định kiến.
"Từ giọng nói đến dáng đi, từ phong cách cho đến nét mặt, tất tần tật mọi điều của con gái sẽ được đưa lên bàn cân và để mọi người thay nhau phán xét. Chỉ cần một hình xăm, một mái tóc nhuộm rực rỡ, một lỗ bấm ở mũi, một giọng cười to, một lần lỡ miệng... sẽ được mặc định là 'gái hư'.
Tại sao lại đối xử không công bằng như vậy? Vì sao hạnh phúc của một cô gái lại được quyết định bởi gia đình, chồng con, đàn ông, hay thậm chí là cả những người đàn ông khác?".
Dù muốn hay không - ngay các cô gái độc lập và tự tin nhất - cũng phải đồng ý, cả xã hội, bao gồm hàng xóm, bạn học, họ hàng, người quen, đồng nghiệp... đều có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định trong cuộc đời họ.
Một cô gái có "chính chuyên", ngoan ngoãn, nghe lời đến đâu, những người xung quanh vẫn có thể đưa thêm cho quy định, quy tắc, áp đặt khác.
Đến bao giờ, phái đẹp mới được sống, suy nghĩ theo mong muốn của bản thân? Làm thế nào để chúng ta thôi tư duy "Sao con gái mà lại..." hay "Là con gái thì không được...."?
Khi nào, những cô gái sẽ không còn là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục? Cần điều gì để con gái được sống tự do, thoải mái theo cách chính họ mong muốn?
Video được xem nhiều nhất