Cởi bỏ áp lực “sao về, không ở bển?”

Tuổi trẻ - 08/11/2015, 14:24

Một câu chuyện tuyển dụng và cái nhìn với du học sinh về nước của một bạn đọc gửi Tuổi Trẻ.

Các sinh viên Việt Nam làm việc tại Google (Mỹ) - Ảnh: Minh Tú

Năm trước cơ quan tôi tuyển nhân sự. Trong cả trăm ứng viên, đặc biệt có hai người tốt nghiệp tại Úc và Mỹ. Mọi người trong cơ quan kháo nhau: “Du học mà quay về thì đúng là... đồ dỏm, xin việc làm không được mới quay về”.

Hai du học sinh ấy nhận được những câu hỏi từ hành lang như: “Qua “bển” sao không ở luôn, về làm gì? Bộ ở “bển” khó kiếm việc làm hay sao?”...

Ứng viên từ Mỹ về rút hồ sơ, còn ứng viên tốt nghiệp ngành kế toán từ Úc về trúng tuyển và được giao công tác dịch tài liệu từ Anh sang Việt. Một ý kiến đưa ra trong buổi họp từ một “cây” dịch thuật lão luyện của cơ quan: “Bài của X. sửa mệt quá, biên tập muốn chết luôn”. Tức thì tiếng xì xầm vang lên: “Dở mới về VN, chứ nếu giỏi đã xin được việc làm và ở “bển” luôn rồi”.

Từ chuyện của ứng viên du học quay về này, tôi nhớ chuyện của mình thời tuổi đôi mươi những năm 1980. Là người Sài Gòn, tôi háo hức cống hiến nên vui vẻ nhận quyết định phân công về một nông trường ở Tây nguyên. Không ngờ từ bên phòng tổ chức, tôi nghe bí thư chi đoàn ở phòng bên nói oang oang với tin một kỹ sư mới nhận nhiệm sở là tôi: “Kỹ sư mà lên tới đây là ở Sài Gòn hết đất sống rồi”.

Suốt quá trình công tác, tôi luôn nghe những câu hỏi như: “Sao không ở Sài Gòn tìm việc làm, lên đây làm chi?” và bị đối xử như một thứ bỏ đi, không ai dám nhận và nông trường “thương tình” nhận giùm. Trở về Sài Gòn, tôi xin đi dạy và được phân công về huyện Bình Chánh. Biết tôi là dân Sài Gòn, mọi người thường lấp lửng: “Tôi biết cô có rất nhiều tham vọng mới về đây!”.

Thật tình tôi không hiểu, nhưng hỏi lại thì họ không trả lời. Ngoài việc dạy ở Bình Chánh, tôi vẫn có những nơi dạy phụ là các trung tâm ngoại ngữ Việt Mỹ, Việt Úc tại trung tâm Sài Gòn, thế nhưng trong suy nghĩ của các giáo viên địa phương, ngay cả phụ huynh, giáo viên nội thành về ngoại thành công tác là “đồ đầu tôm xương cá”.

Vì vậy tôi rất hiểu những người đi du học. Trở lại câu chuyện cô bé du học Úc khi nghe câu hỏi: “Melbourne là thành phố đáng sống, sao về đây chi vậy?”, cô trả lời: “Nhưng Sài Gòn với em là thành phố hạnh phúc”.

Với kinh nghiệm của mình, một người Sài Gòn đi công tác xa và những trường hợp mắt thấy tai nghe của những người du học về, tôi nghĩ họ không trở về là có lý của họ. Từ một nơi đủ điều kiện về làm việc nơi thiếu điều kiện, hoàn cảnh không tốt bằng, người ta không nghĩ đó là nhiệt tình, là ước mơ cống hiến, mà là một thứ... đồ dỏm.

* Ngô Di Lân (nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Brandeis, Hoa Kỳ):

Ngô Di Lân - Ảnh: NVCC

Năng lực chứ không phải “bạn là con ai?”

Tôi đề xuất một “gói” giải pháp.

Đầu tiên, phải nâng cao chế độ đãi ngộ cho người tài tới mức đủ cao để họ có thể hoàn toàn chuyên tâm vào công việc, không phải trĩu lòng với câu chuyện mưu sinh, xoay xở kiếm thêm tiền bằng các nghề “tay trái”…

Kế đến, chế độ đãi ngộ này phải công khai, minh bạch và ứng viên phải được đánh giá khách quan dựa trên bằng cấp, kinh nghiệm và năng lực thực tế. Nếu du học sinh về nước, họ cần biết chắc rằng năng lực thật sự sẽ được coi trọng chứ không phải câu chuyện “bạn là con ai?”.

Thứ ba, Nhà nước phải tạo niềm tin rằng năng lực thật sự sẽ có “đất dụng võ”.

Cuối cùng, Nhà nước cần đẩy mạnh kênh ngoại giao nhân dân để trực tiếp vận động các bạn về nước. Tôi tin rằng du học sinh sẽ thấy vững tâm, có động lực hơn để về nước nếu họ thấy những tín hiệu thay đổi tích cực từ trong nước, chẳng hạn như clip quảng bá du lịch gần đây nhất mà Bộ Ngoại giao VN đã thực hiện.

* Nguyễn Bùi Hữu Nghĩa (kỹ sư tại trụ sở chính Google, Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ):

Nguyễn Bùi Hữu Nghĩa - Ảnh: N.N.

Về khi có thể cống hiến

Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là việc cập nhật thông tin, hình ảnh, cơ hội của một “VN thời kỳ đổi mới” hiện vẫn chưa đủ mạnh mẽ. Chúng tôi chọn con đường trở về khi thấy mình có thể cống hiến cho xã hội nói chung và cho VN nói riêng.

Tôi đang tham gia dự án về Chrome Browser, một sản phẩm được rất nhiều người trên thế giới sử dụng nên công sức tôi bỏ ra sẽ tạo ảnh hưởng, đem lại lợi ích cho rất nhiều người. Tôi định nghĩa thành quả cống hiến bằng số người mình gây ảnh hưởng nhân với sức ảnh hưởng của mình tạo ra cho mỗi người.

Nhưng tôi nghĩ không nhất thiết du học sinh phải về VN mới cống hiến cho đất nước được. Chúng tôi làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn tại nước ngoài cũng là một cách lan tỏa hình ảnh trí tuệ Việt khắp nơi, cũng là một kiểu cống hiến gián tiếp.

* Nguyễn Chi Lăng (thạc sĩ công nghệ vật liệu):

Nguyễn Chi Lăng - Ảnh: D.N.

Ở nước ngoài có thật 
sung sướng?

Năm 2008 tôi du học và lấy bằng thạc sĩ tại Đài Loan. Từ năm 2010 đến tháng 1-2015 tôi tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại đây để lấy bằng tiến sĩ. Nhưng con đường nghiên cứu sinh được 60% thì tôi quyết định về nước theo đuổi con đường kinh doanh mơ ước của mình. Bảy năm vừa học vừa làm ở nước ngoài đủ để tôi hiểu rằng không nơi đâu tốt bằng quê nhà.

Suy nghĩ tốt nghiệp bên đấy và cơ hội được nhận vào các tập đoàn hay công ty nổi tiếng thế giới là không hiếm thì có phần hơi “ảo tưởng”. Thử làm một cuộc khảo sát có bao nhiêu du học sinh Việt (không nói người gốc Việt tại nước ngoài) được làm ở những vị trí như bạn nói sẽ rõ!

Xin việc làm ở nước ngoài, đặc biệt ở thị trường lao động châu Á, là cực kỳ khó khăn và mức lương của người Việt so với các nước khác luôn thấp hơn và họ xem xét khả năng của lao động Việt rất dè chừng. Các bạn du học sinh đang tự “ru” mình. Những ai đã trải qua những khó khăn thật sự tại nước sở tại mới hiểu ra nước ngoài có thật sung sướng không.

CÔNG NHẬT - DIỆU NGUYỄN ghi

NGUYỄN NGỌC HÀ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất