‘Cô gái năm ấy chúng ta đã cùng theo đuổi’ vào đề thi thử

Zing - 26/05/2015, 09:53

Đề thi thử trên được trích từ cuốn sách "Tuyển tập 90 đề thi thử quốc gia THPT môn Ngữ văn" tập 2, vừa được phát hành.

Câu 1 (3 điểm) thuộc phần làm văn như sau: "Trong bộ phim You’re the apple of my eye (dịch: Cô gái năm ấy chúng ta đã cùng theo đuổi), nhân vật chính Kha Cảnh Đằng, sau khi đi qua tuổi thanh xuân sôi nổi, nhiều thăng trầm, đã nhận ra rằng: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại, để được ướt thêm một lần nữa”.

Từ câu nói trên, anh (chị) có suy nghĩ gì về ý nghĩa của những thăng trầm trong những năm tháng tuổi trẻ? Hãy trình bày suy nghĩ ấy bằng một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 chữ)".

Hình ảnh trong bộ phim Cô gái năm ấy chúng ta đã cùng theo đuổi.
Hình ảnh trong bộ phim "Cô gái năm ấy chúng ta đã cùng theo đuổi".

Đề bài trên được trích từ cuốn sách Tuyển tập 90 đề thi thử quốc gia THPT môn Ngữ văn tập 2 (Nhà sách giáo dục Lovebook) vừa được phát hành. 

Đây được xem là cuốn sách đầu tiên biên soạn theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, công bố ngày 31/3.

Đội ngũ tác giả đến từ lớp Chất lượng cao, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, trong đó, bạn Mai Diệp Anh, Mai Tôn Minh Trang, Nguyễn Thị Thùy Vân (giải nhì quốc gia môn Ngữ văn), Nguyễn Thế Hưng (á khoa toàn trường) và Đoàn Thị Mai.

Ảnh đội ngũ  tác  giả.
Đội ngũ tác giả.

Nhóm tác giả làm sách cho biết, bài văn hướng về tuổi trẻ - quãng thời gian ngắn trong cuộc đời mỗi con người nhưng có nhiều ước mơ, hoài bão, mộng mơ. Tuổi trẻ so sánh với “cơn mưa rào” hàm ý nói đến sự trong trẻo, mát lành. Vấn đề đặt ra cho giới trẻ câu hỏi: Làm thế nào để không phải nuối tiếc vì tuổi trẻ của mình?

Nhân vật Kha Cảnh Đằng trong phim mong muốn được trải nghiệm điều đó một lần nữa bởi đó là những điều để lại những kỷ niệm, ký ức không thể nào quên.

Đề thi mong muốn học sinh nhận được bài học về nhận thức và hành động. Tuổi trẻ nhiều vụng dại là những điều đáng nhớ nhất với mỗi con người. Nhưng một lần thất bại là một lần lớn lên. Quan trọng hơn những mất mát là cách tuổi trẻ dũng cảm trải qua khó khăn, thể hiện niềm tin và sự quyết đoán trong công việc.

Dạng câu nghị luận trong cuốn sách là những đề bài hoàn toàn mới mẻ, hướng đến những vấn đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày. 

Đó có thể là những sự kiện vừa xảy ra trong đời sống hiện tại để đặt ra vấn đề nghị luận.

Đó có thể là những câu danh ngôn hoặc câu nói trong bộ phim, hay câu chuyện đặt ra vấn đề về tư tưởng đạo lý có ý nghĩa đối với xã hội, yêu cầu học sinh bàn luận và giải quyết.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất