Cô gái du lịch 22 quốc gia với 200 USD
Nhằm thử thách giới hạn của bản thân, Petrina Thong đã liều lĩnh dùng 200 USD để bắt đầu hành trình khám phá thế giới dưới hình thức hitchhiking (vẫy xe dọc đường).
Tháng 6/2015, Petrina Thong (29 tuổi, đến từ Malaysia) bay đến thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Tại đây, cô quyết định mang theo 200 USD để đi du lịch vòng quanh thế giới với mục đích tự thử thách bản thân xem có thể đi xa đến đâu. |
Kết quả của thử thách khiến nhiều người bất ngờ vì đến tận tháng 7/2016, tức sau 13 tháng, cô gái 29 tuổi mới quay về quê nhà Kuala Lumpur, khi đã đi qua 22 quốc gia. |
Hành trình của cô gái Malaysia bắt đầu từ Thụy Điển, qua các nước châu Âu như Đan Mạch, Đức, Ba Lan và một số nước vùng Baltic. Sau đó, cô đặt chân đến Albania, Kosovo, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, đi tiếp sang Iran, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan và cuối cùng quay về quê nhà Malaysia. |
“Khi đến Stockholm vào năm ngoái, tôi bỗng muốn trải nghiệm du lịch hitchhiking, đơn giản vì tôi chưa từng nghĩ tôi có thể làm được việc đó. Lúc ấy, tôi đoán mình có thể đi trong khoảng 3-6 tháng, phụ thuộc vào cách tôi xoay sở để tồn tại với 200 USD”, nhà biên kịch tự do chia sẻ trên Daily Mail. |
Đúng như dự đoán, Petrina tiêu hết 200 USD trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, cô lại nghĩ ra thử thách mới: du lịch không tiền và không kế hoạch. |
“Tôi thường đứng bên đường, giơ ngón tay cái ra để xin đi nhờ xe và theo họ đến một nơi bất kỳ. Khi dừng chân tại một địa điểm nào đó, tôi mới bắt đầu tìm nơi ăn và ngủ. |
Đối với thức ăn, tôi thường tìm trong thùng rác, chờ bên ngoài các quán ăn hoặc chầu trực thức ăn thừa từ người khác. Tôi cũng đến chợ để xin những loại quả không còn bán được nữa. Tối đến, tôi tìm nơi cắm trại hoặc xin ngủ nhờ nhà ai đó”, Petrina kể. |
Petrina cho biết, mặc dù nhiều phụ nữ thường sợ hãi khi đi nhờ xe người lạ, nhưng cô lại may mắn gặp những người tốt bụng và luôn sẵn sàng giúp đỡ cô gái đơn độc. |
Tuy nhiên, cô gái Malaysia cũng từng trải qua những phút giây đáng sợ tại biên giới Iran - Pakistan. “Vì đã có du khách bị bắt cóc tại đây nên tôi không được phép đi một mình. Từ biên giới Iran, tôi lên xe cảnh sát với hai tay súng đi theo sau. |
Đến trạm kiểm tra đầu tiên, tôi lại nhảy lên một chiếc xe tải của cảnh sát để đi đến trạm tiếp theo. Sau khi chờ đợi khá lâu, tôi được bàn giao cho một quân lính và cùng anh ấy đi đến trạm khác. Từ đó, tôi tiếp tục ngồi trên 3 chiếc xe tải của quân đội”, Petrina nhớ lại. |
Đối với Petrina, đó là chuyến đi căng thẳng nhất nhưng cũng là trải nghiệm tuyệt vời. Thậm chí, cô không được ló mặt ra khi xe chạy qua biên giới và phải nhảy nhanh từ xe tải này sang xe tải khác. |
Cô gái 29 tuổi cũng có những khoảnh khắc đáng nhớ khi tham gia Rainbow Gathering trên vùng núi Litva - nơi hội tụ những người muốn sống ngược lại với văn hóa thông thường trong một khoảng thời gian. Bắt nguồn từ lễ hội Burning Man tại Mỹ, Rainbow Gathering giúp những người tham gia gắn kết với nhau hơn, hình thành nên cộng đồng Utopia. |
“Ở đó, tiền không có giá trị, thức ăn được chia đều cho tất cả, mọi người đều là một gia đình. Không phân biệt cấp bậc, không được uống rượu hay hút thuốc, ai nấy đều có thể tận hưởng cuộc sống, từ những điều đơn giản nhưng lại rất quan trọng. |
Tôi thấy yêu cộng đồng kỳ lạ này. Không giao du với thế giới bên ngoài, cư dân ở đây chỉ hòa mình vào thiên nhiên. Những người chưa từng quen biết cũng trở nên thân thiết nhờ những lần quây quần bên đống lửa để sẻ chia hơi ấm hay vui mừng đón chào ánh nắng sau nhiều ngày mưa”, Petrina chia sẻ. |
Khi đi từ châu Âu đến Trung Đông và châu Á, Petrina gặp rất nhiều người với những thắc mắc như “Tại sao bạn lại đi một mình?”, “Chồng/anh/bạn trai/bố mẹ bạn đâu?”, “Bạn không sợ sao?” hay “Bạn không thấy cô đơn à?”. Vì ở châu Á, hình thức du lịch một mình không phổ biến, đặc biệt đối với phụ nữ. |
Không phải ai cũng thành công nhưng Petrina vẫn khuyến khích các cô gái độc thân nên đi du lịch kiểu hitchhiking. “Đó là hành trình khó khăn và có chút điên rồ, nhưng khi nhìn lại, bạn sẽ thấy không hẳn mọi chuyện đều tồi tệ. Đương nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng tự hỏi mình đang làm chuyện ngớ ngẩn gì thế, tại sao lại tự thử thách bản thân như vậy? |
Nhưng cuối cùng, tôi lại có thể trải nghiệm thế giới dưới nhiều góc nhìn mới. Bài học lớn nhất tôi có được sau chuyến đi đó là: thế giới hay những điều bí ẩn không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ. Đâu đâu cũng có người tốt, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Thậm chí, nếu bị lạc ở một vùng đất nào đó - nơi tôi không hiểu ngôn ngữ của người dân và cũng chẳng có tiền, tôi tin mình vẫn sẽ ổn”, Petrina khẳng định. |
Hành trình từ Thụy Điển đến Malaysia của Petrina Thong:
Thụy Điển - Đan Mạch - Đức - Ba Lan - Litva - Latvia - Litva - Ba Lan - Slovakia - Hungary - Croatia - Slovenia - Italy - Slovenia - Croatia - Bosnia - Montenegro - Albania - Kosovo - Macedonia - Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ - Đan Mạch - Hà Lan - Bỉ - Đan Mạch* - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Pakistan - Ấn Độ - Thái Lan - Malaysia.
* Petrina quay lại Đan Mạch vì một người bạn mua vé máy bay và mời cô đến Copenhagen chơi. Sau đó, cô gái 29 tuổi trở về Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục cuộc hành trình.
Video được xem nhiều nhất