Chuyện khóc, cười của những cô nàng công sở bỏ việc đi buôn (P1)
17/04/2015, 08:41
Thành công là phải thực sự theo đuổi và chấp nhận trả giá. Bỏ việc đi buôn, cứ tưởng dễ nhưng thực ra lại chứa đựng nhiều nhọc nhằn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Bỏ việc đi buôn dù đang là trào lưu, xu hướng của một bộ phận dân công sở với muôn vàn các lý do khác nhau. Thành công có và thất bại cũng nhiều. Ai cũng có thể nhìn thấy những thách thức khó khăn mà họ phải trải qua, nhất là đối với những người không nhận được sự chu cấp từ gia đình, thì đó là một việc cần nhiều can đảm và nỗ lực.
Thành công nhờ đam mê kiếm tiền
Là một 9X bỏ việc đi buôn đã thu được nhiều thành công nhất định, Phạm Thùy Dung (24 tuổi, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ Hà Nội, chủ một shop hàng phụ kiện thời trang trên phố Giảng Võ) chia sẻ, bí quyết lớn nhất để thành công chính là phải yêu thích và kiên trì với nghề mình chọn và đặc biệt phải có đam mê kiếm tiền. Tốt nghiệp đại học, Dung vào làm ở một công ty truyền thông. Nhưng chỉ vài tháng sau, cô nàng cảm thấy mất dần hứng thú với công việc do áp lực nên đã viết đơn nghỉ việc để mở cửa hàng kinh doanh.
Nhờ vốn ăn nói, con mắt thẩm mỹ tốt bắt kịp xu hướng của giới trẻ và một chút may mắn, Dung đã biến cửa hàng be bé của mình trở thành một trong những điểm mua sắm yêu thích của dân teen và nhiều chị em công sở. Đến giờ thu nhập của Dung đã ổn định với mức thu khoảng 30 – 35 triệu/tháng.
“Lúc mới bỏ việc, em cũng gặp nhiều áp lực từ mọi phía, cũng mệt với những bài ca của bố mẹ lắm. Nhưng em rất thích nghề thời trang. Hồi đi học, em cũng hay ngồi hí hoáy vẽ mẫu quần áo váy ngắn váy dài lắm. Bây giờ mở cửa hàng, em bán cả hàng nhập khẩu, hàng trong nước và hàng tự tay thiết kế và may lấy. Thời gian đầu thì đúng là vất vả thật, tự tay làm hết mọi thứ. Nhưng giờ em có thêm một nhân viên, hai chị em cùng nhau làm. Có thời điểm khách đặt hàng đông, em làm không xuể, gần 1 giờ sáng mới đi ngủ”, Dung cười nói.
Những ngày đó, đối với Dung thì dù mệt nhưng vô cùng hạnh phúc bởi doanh thu bán hàng tăng vọt. Khách mua online cũng nhiều. Khi đã đủ mức độ tin tưởng, nhiều khách ở xa cũng chỉ cần chuyển khoản rồi Dung thuê ship hàng tới tận nơi.
“Hiện giờ cửa hàng nhiều, muôn màu muôn vẻ, nếu mình không có gì độc đáo để cạnh tranh thì khó “sống sót” lắm. Em cũng là đứa tham kiếm tiền (cười), cứ có khách đặt hàng là em gấp rút may trong đêm, không có vải thì sáng hôm sau em đã vội vã đi lấy, để kịp ngày hẹn của khách. Nhiều khi họ không tới lấy đúng hẹn được, nhưng nếu mình giao trễ thì cảm thấy có lỗi lắm”, Dung thật lòng chia sẻ.
Dung kể, cô nàng cũng gặp không ít phiền phức bởi nhiều khách rất khó tính. Họ đòi hỏi rất nhiều, thêm cái này, bớt cái kia, chê bai đủ thứ. Thậm chí có khách tới cửa hàng, thử đi thử lại hàng chục bộ nhưng cuối cùng chẳng mua thứ gì. Dung vẫn cười tiễn chân họ một cách vui vẻ và hẹn lần sau hy vọng có mẫu họ ưng ý. Cô nàng cũng nói, cuộc sống dạy cho Dung biết cách để làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Nếu mình không như vậy, có thể sẽ đánh mất khách hàng tiềm năng trong chốc lát.
Thành công của Dung khiến những người từng là đồng nghiệp cũng phải tấm tắc khen ngợi. Bởi một cô gái trẻ như vậy, giữa xã hội thất nghiệp đầy rẫy, mà lại dám bỏ việc để chuyển hướng kinh doanh, đúng là một con người có quyết tâm phi thường. Đến mẹ của Dung hiện giờ nhìn con gái ổn định được như vậy, cũng không càm ràm gì nữa.
Nhiều người đã thấy chán công việc văn phòng và đang nghĩ tới việc đi buôn (Ảnh minh họa)
Vươn lên từ 4 lần thất bại
4 lần thất bại là con số đáng nhớ trong cuộc đời kinh doanh của chị Dương Hồng Hạnh (34 tuổi), chủ một cửa hàng bánh sinh nhật tại quận Hà Đông.
Chị Hạnh kể, năm 2010, chị vẫn là nhân viên kế toán của một công ty nhà nước. Nhưng lương thấp, lại lấn cấn chuyện chồng con nên chị quyết định bỏ việc đi buôn. Chồng chị là dân xây dựng, phải đi xa nhà trong thời gian dài nên chị cũng động viên anh, bỏ việc về mở cửa hàng ăn uống với chị. Hai vợ chồng được một người họ hàng chỉ điểm cách làm quán cơm văn phòng nên hăm hở thuê mặt bằng và sắm sửa đồ dùng.
Vẽ lên thì rất hay, nhưng đến khi đụng chạm để làm thực tế thì mới thấy công việc khá khó khăn và không phải ai cũng có thể đảm nhiệm. Chị Hạnh đưa cả 3 đứa cháu dưới quê lên phụ giúp trong quán cơm còn hai vợ chồng chịu trách nhiệm nấu chính. Nhưng tiền đầu tư mỗi ngày khá lớn trong khi quán cơm chỉ thu được hơn 50 suất. Đã thế, số thức ăn thừa buổi trưa phần lớn phải bỏ do không tận dụng đến bữa tối được.
Chỉ sau 2 tháng kinh doanh, vợ chồng chị đã không thể chịu được cảnh mỗi tháng lỗ gần 60 triệu. Hai người vội vã thanh lý hợp đồng, rao bán toàn bộ đồ dùng và chấp nhận cảnh lỗ hơn trăm triệu trong một mẻ tập tành làm kinh doanh. Vì việc này, hai vợ chồng chị đã to tiếng với nhau suốt một thời gian, sau rồi chồng chị tiếp tục đi làm thợ xây, để mặc chị xoay sở tìm cách làm giàu khác.
Có kinh nghiệm lần đầu làm hàng ăn, lần thứ hai chị Hạnh mở quán phở. “Làm quán cơm nhiều món quá, mình không kiểm soát được, vì thế mình mở quán phở, bán mỗi phở bò. Cứ nghĩ phở thì bán sáng tối quanh năm đều được, không ngờ, lần này kéo dài được 3 tháng thì “vỡ trận”, lại tiếp tục phá sản”, chị Hạnh thở dài khi nhớ lại chuyện cũ.
Thành công đi kèm với nỗ lực và sự kiên trì theo đuổi đến cùng (Ảnh minh họa)
Lần thứ ba, chị tiếp tục đầu tư vào ẩm thực, song lần này là bán chè khúc bạch. Chị chọn một cửa hàng gần trường đại học, chịu cảnh giá thuê mặt bằng cao, nhưng bù lại, được lượng khách đến khá đông. 6 tháng nóng nực, không chỉ sinh viên mà người ở các công ty cũng gọi điện đặt hàng ầm ầm. Song, đến những ngày giá rét, món chè nóng của chị chẳng bán được bao. Cửa hàng thì mỗi tháng gánh hơn chục triệu tiền thuê.
“Sau hai lần đầu tư thất bại kia, số vốn mình vay mượn còn lại chẳng được bao nhiêu. Nhìn thấy cảnh vắng khách mà không biết xoay sở ra sao, mình thấy nản lòng quá! Sau đó, mình đóng cửa quán chè, chuyển sang bán bánh sinh nhật. Có lẽ mình hợp với đồ ngọt. Lúc đầu mình cứ tưởng bán hàng thì phải vươn ra phố lớn mới ăn thua, nhưng không ngờ, cửa hàng bé tí của mình ở trong cái ngõ nhỏ này lại khá đông khách”, chị Hạnh nói.
Chị cho biết, chị đã thôi không định buôn bán kinh doanh gì nữa sau lần làm quán chè thất bại. Nhưng quay trở về thì tìm không được việc khác. Bỏ nghề kế toán đã lâu, giờ chị cũng không tự tin đi làm lại một lần nữa. Nằm ngẫm nghĩ mãi, chị không biết nên mua bán cái gì để vực lại. Con cái chị đã gửi về quê nhờ bà nội chăm nom giúp. Không ngờ, hôm sinh nhật chị, chồng chị mang về một chiếc bánh nhỏ động viên chị. Thế là một ý tưởng mới xuất hiện trong đầu chị. Chị lên mạng xem video học cách làm bánh sinh nhật, mua bột về làm thử. Khi được mọi người khen ngon, chị quyết định thử sức một lần nữa. Nếu lần này thất bại, chị sẽ đi làm thuê.
Chị Hạnh thuê một cửa hàng be bé ở ngõ nhỏ thuộc quận Hà Đông, mở cửa hàng bánh sinh nhật và nhận làm theo yêu cầu. Chị cập nhật những mẫu bánh lạ, đẹp tìm thấy trên internet và làm thử. Mới đầu chị xác định làm thật cẩn thận, thật ngon để lôi kéo khách quen. Mới đầu thì cũng không nhiều khách lắm, nhưng vốn đầu tư không nhiều, chị vẫn gánh vác được. 5 tháng sau thì bắt đồng đông khách một cách kỳ lạ. 11 giờ đêm đông khách gọi điện nhờ mở cửa hàng để mua bánh chị vẫn vui vẻ khoác thêm áo ra cửa hàng lấy bánh cho khách. Khách yêu cầu gì, dù khó chiều đến đâu chị cũng cố gắng hết sức đáp ứng.
Chị Hạnh kể, từ lúc đông khách, chị làm thêm một số loại bánh mỳ, bánh su kem để bán thêm. Không ngờ mặt hàng này rất được ưa chuộng và hôm nào cũng hết hàng từ sớm. Từ đó chị chuyển cửa hàng sang một địa điểm lớn hơn, và nói chuyện với chồng để anh về giúp chị vì lương của anh cũng không cao mà vất vả. Hai vợ chồng cả ngày lúi húi ở cửa hàng bánh, đến giờ cũng có chút danh tiếng. Có nhiều người còn đặt bánh cưới vì thấy vợ chồng chị đồng tâm hiệp lực với nhau.
5 năm với 4 lần lập nghiệp lại từ đầu, chị Hồng Hạnh cũng đã chứng minh được bản thân không sai khi chọn con đường kinh doanh này dù nhiều lần vấp ngã. Nhưng mấy người đã có được cái can đảm đi lên từ hai bàn tay trắng như chị?
Vậy mới thấy, thành công là phải thực sự theo đuổi và chấp nhận trả giá. Bỏ việc đi buôn, cứ tưởng dễ nhưng thực ra lại chứa đựng nhiều nhọc nhằn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Video được xem nhiều nhất
Bình luận