Chùm ảnh: Cận cảnh bờ sông Đà biến thành "bãi biển" chật kín người

Kênh 14 - 04/07/2015, 10:21

Giữa những ngày nắng nóng đỉnh điểm, khu vực bờ kè sông Đà (TP Hòa Bình) trở thành một bãi biển thu nhỏ với hàng nghìn người chen nhau tắm giải nhiệt.

Dọc 2 bên bờ sông Đà thuộc TP Hòa Bình từ 17h trở đi được xem là giờ vàng để người dân tranh thủ tắm mát sau một ngày dài nóng bức. Nơi đây bỗng chốc biến thành một "bãi biển trên cao" hút khách nhất miền Bắc.

 
Tại TP. Hòa Bình, có 3 khu vực bãi tắm đông người nhất là bến Thịnh Ninh, Tân Thịnh, Phương Lâm. Các bãi tắm này nằm san sát nhau, dọc theo hai bên bờ sông Đà đoạn ngay dưới chân cầu Hòa Bình hướng về lòng hồ Thủy điện.
 
Theo ước tính của nhiều người, những buổi chiều nóng bức, gần như người dân cả TP Hòa Bình đổ xô xuống lòng sông Đà tắm mát. Khi cái nắng vừa dịu bớt, tất cả các bãi tắm đều đỏ rực một màu áo phao. Trong khoảng 3 tiếng (từ 16 đến 19h), giao thông trên nhiều tuyến phố dẫn về cầu Hòa Bình xảy ra tắc nghẽn vì dòng người nườm nượp nối đuôi nhau đổ về khu vực bờ kè sông Đà.
 
 
 
Vào khung giờ cao điểm, từ 17h đến 19h, hàng nghìn người dân kéo nhau ra khu vực bờ kè sông Đà tắm giải nhiệt.
 
Các bãi tắm đỏ rực màu áo phao, khung cảnh chẳng khác nào các bãi biển lớn.
 


Dòng nước mát cộng thêm không gian rộng dãi, thoáng đãng, cảnh sắc đẹp với núi non hùng vĩ khiến nhiều người tin rằng, bãi tắm ở sông Đà chính là một "vịnh Hạ Long thu nhỏ trên cao".
 
Người dân ở đây cho biết, năm nay là năm đầu tiên mọi người rủ nhau đi tắm sông Đà đông đến vậy. "Tắm sông Đà là cơn sốt mới rộ lên khoảng 2 tuần nay chứ trước kia ít người tắm lắm" - anh Lê văn Đạt (một người dân phường Phương Lâm) chia sẻ.

"Mọi năm chỉ lác đác một hai người ra sông tắm nhưng bắt đầu từ hè năm nay thì việc này đã trở thành một trào lưu lan rộng khắp thành phố, cao điểm nhất là trong 2 tuần gần đây. Không chỉ có người trong thành phố mà thậm chí nhiều người ở các khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận cũng lũ lượt đi xe máy, ô tô về sông Đà tắm mát" - Anh Vũ Văn Ninh (một người dân khác) khẳng định.
 
Đưa cả nhà đi tắm bằng "xế hộp", vừa mới đến nơi, anh Mạnh Hùng (Sơn Tây - Hà Nội) hào hứng nói: "Nghe nhiều người đồn nước ở đây mát lắm nên tôi phải lặn lội mấy chục cây số đến chơi, thấy đây đúng là "Vịnh Hạ Long trên núi". Nhìn rất thích!"
 
Điều đáng nói là xưa nay, đi tắm giữa lòng sông luôn được xem là một việc làm nguy hiểm, nhất là đối với "thủy quái" sông Đà, con sông nổi tiếng với lưu lượng nước lớn, dòng nước chảy xiết. Thế nhưng vì thời tiết quá nóng bức trong khi các bể bơi công cộng quanh thành phố Hòa Bình bị quá tải nên người dân ở đây vẫn bất chấp nguy hiểm, vô tư tắm táp giữa lòng "hung thần". Không chỉ có người lớn tràn ra sông tắm mà ngay cả trẻ em và người già cũng vô tư bơi lội giữa lòng sông.
 





Rất nhiều trẻ em mới chỉ 2-3 tuổi, chân đi còn chưa vững cũng theo bố mẹ ra sông học bơi.
 
Anh Nguyễn Tuấn Anh (Tân Hòa- Hòa Bình) cho biết, khoảng hai tuần nay, ngày nào anh cũng dẫn theo con trai 5 tuổi ra sông bơi lội. "Bé 5 tuổi thôi nhưng đã biết bơi rồi, ở thành phố này nhiều người biết bơi lắm từ cụ già cho đến trẻ em. Mấy hôm nay, ngày nào hai bố con tôi cùng phải ra đây bơi tầm 1 tiếng rồi mới chịu về. Có hôm còn xuôi theo dòng, trôi từ bờ bên này sang bờ bên kia".
 
"Không sao đâu, cô sống ở đây mấy chục năm có thấy ai chết đuối vì đi tắm ở khu bờ kè này đâu. Cô vẫn bơi suốt ấy mà, cứ mặc áo phao là yên tâm bơi lội. Lúc nào thấy mệt thì cứ thả lõng để dòng nước đẩy mình đi. Có hôm cô bơi từ chân cầu Hòa bình xuôi tít về gần cửa đập thủy điện, tính ra cũng cả vài cây số đấy trong khi cô cũng cao tuổi rồi!" - Bà Trương Thị Hạnh (một người dân tại đây) chia sẻ.
 

Rất nhiều gia đình từ Hà Nội dùng xế hộp vượt hàng trăm cây số đến sông Đà tắm mát.
 

Bãi để xe chật cứng vì lượng người đổ về sông Đà quá đông.
 
Nhiều người dân lao động cho biết, những ngày này, họ cảm thấy vô cùng bức bối vì thời tiết bên ngoài đã nóng nực nhưng khi đêm đến, trở về căn phòng trọ nhỏ bé, họ còn cảm thấy ngột ngạt hơn. "Gần đây nóng quá, nóng tới nỗi nhà tôi chẳng khác nào cái lò bát quái nên tôi chỉ thích rủ bạn ra sông ngâm mình cả tiếng mới chịu về. Thậm chí chỉ cần ngồi ở ven bờ kè, không cần bơi lội gì và tận hưởng dòng nước mát lạnh cũng đủ khoan khoái rồi" - chị Thanh, công nhân nhà máy thủy điện Hòa Bình tâm sự.

Từ 4h chiều, nhiều người dân đã bắt đầu đổ về các bãi tắm dọc hai bên bờ sông Đà.

Để đảm bảo an toàn, tất cả đều mặc áo phao và mang theo phao cầm tay.

Càng về chiều, lượng người đổ về bờ kè sông Đà càng đông.


Rất nhiều thú cưng được chủ dẫn ra sông tắm. 


Ngay cả các cụ già cũng thích thú bơi lội giữa lòng sông.
 
 


Các gia đình vô tư dẫn theo con nhỏ ra sông tắm.




Khung cảnh "bãi biển" sông Đà nhìn từ trên cao.
 
Để đảm bảo an toàn, hầu hết người dân khi đi tắm ở bờ kè sông Đà đều mặc áo phao cứu hộ và mang theo các vật dụng hỗ trợ bơi lội như kính mắt, mũ chụp đầu, phao tròn... Theo họ, sông Đà tuy sâu nhưng nếu không phải đang lúc mùa xả lũ thì dòng nước ở đây rất hiền hòa, yên bình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng không hề ngăn cấm việc đi tắm giữa lòng sông. Trái lại, hàng ngày, vào giờ cao điểm từ 17 đến 19h, nhiều chiếc cano của lực lượng an ninh, cứu hộ còn thường xuyên tuần tra quanh các khu vực bãi tắm để đảm bảo an tòa cho người dân. 
 
"Tắm ở sông nhìn vậy chứ an toàn lắm, vì rất đông người nên tiện ứng cứu. Tắm ở đây rất thoải mái vì vừa không mất vé mà vẫn có cứu hộ trong khi nước trong mát, không gian rộng mở" - anh Bùi Văn Loan (một người dân phường Đồng Tiến  - TP. Hòa Bình) nói.
 

Sông Đà (còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang) là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. 

Sông Đà dài 910 km, diện tích lưu vực là 52.900 km². Trong đó, đoạn ở Việt Nam dài 527 km. Sông chảy qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ (phân chia huyện Thanh Thủy, Phú Thọ với Ba Vì, Hà Nội). 

Sông có lưu lượng nước lớn, cung cấp 31% lượng nước cho sông Hồng và là một nguồn tài nguyên thủy điện lớn cho ngành công nghiệp điện Việt Nam. 

Lòng hồ sông Đà có diện tích xấp xỉ 8.000 ha, độ sâu từ 100 - 150 m và dung tích trên 9 tỷ m3 nước. Trong hồ có 47 đảo lớn, nhỏ. Những núi đá vôi trên mặt hồ tạo nên một không gian "vịnh Hạ Long thu nhỏ" rất nên thơ. 

Tuy nhiên, vào mùa lũ, khi đập thủy điện Hòa Bình bắt đầu xả nước thì con sông này bỗng trở nên rất hung dữ do độ sâu lên tới hàng trăm mét cộng thêm lưu lượng nước rất lớn.

Ảnh: Doãn Tuấn

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất