Thời đại công nghệ, ngồi cafe lướt smartphone là sở thích của nhiều người, đó gần như là một xu thế phát triển tất yếu. Các quán cafe bây giờ cũng phải quen dần với thói quen đó, nhiều khách ngồi hàng giờ nhưng chỉ gọi một ly nước để "lấy chỗ" mà thôi. Những quán chưa thích nghi ngay được sẽ kêu trời vì doanh thu có dấu hiệu giảm sút.
Thói quen ngồi cafe “nghịch” điện thoại
Cơn nghiện smartphone của người Việt ngày càng được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Gờ đây, ngay cả khi đi cafe để tán gẫu với bạn bè, nhiều người vẫn không quên cắm cúi vào điện thoại, hí hoáy cả buổi không chán. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng, những quán cafe có đầy đủ tiện nghi như wifi, điều hòa thì khách kéo đến gần như lúc nào cũng chật kín.
Một hình ảnh rất quen thuộc của thời đại công nghệ, tới quán cafe cùng bạn nhưng "ai làm việc nấy" trong thế giới của chiếc smartphone.
Văn hoá online làm việc ở quán cafe hiện tại cũng rất phổ biến.
Chị Nguyễn Thanh Hoa (chủ một quán cafe trên phố Trần Bình – Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, 3 năm trước, gia đình chị mở một quán cafe nhỏ gần viện 198. Nhờ có địa thế đẹp nên quán khá đông khách, doanh thu cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con đang ăn học.
Khoảng 1-2 năm nay, lượng khách kéo đến nhà chị Hoa ngày một đông hơn nhưng doanh thu của quán lại giảm. “Mãi sau tôi mới nghiệm ra là khách tuy đông nhưng họ ngồi lâu, quay vòng lượt khách giảm đi, việc lời lãi giảm sút cũng là dễ hiểu”.
Thực tế, các chủ quán cafe đều hiểu rằng, thói quen này của khách cũng là một điều tất yếu trong xu thế phát triển hiện nay. Và điều các chủ quán phải lo là làm sao thích nghi với xu thế này, để vừa đáp ứng nhu cầu, sở thích của khach, vừa giữ vững doanh thu.
Theo anh Bùi Ngọc Trung (chủ một quán cafe trên đường Lê Đức Thọ - Cầu Giấy), mùa đông doanh thu của quán anh còn đỡ chứ hè đến là doanh thu giảm 2-3 lần. Trong khi điều hòa hoạt động hết công suất, diện tích quán vẫn chỉ có vậy mà lượng khách thì ít. Nhìn vào thì nhiều ngời ghen tị lắm vì quán lúc nào cũng đông người song thực chất khách đến chỉ gọi một ly nước ngồi tới vài tiếng… chỉ để tìm chỗ mát ngồi chơi với smartphone”.
Chủ quán tìm cách tăng doanh thu
Hiểu được nhu cầu, sở thích của khách hàng đang ngày một thay đổi, các chủ quán cafe phải tìm mọi cách để hạn chế doanh thu sụt giảm.
Anh Lê Đức Toàn (chủ quán cafe trên phố Hàng Tre) tâm sự: “Đất trên phố quý như vàng, diện tích quán cũng vì thế mà hạn hẹp. 4 năm từ ngày mở cửa, vẫn có ngần ấy bộ bàn ghế và không gian y như ngày đầu. Trước đây thu nhập còn ổn định chứ giờ khách vào vẫn thế hoặc có khi còn đông hơn, nhưng vì thói quen của khách đã thay đổi nên mình cũng phải chuyển hướng để thích nghi".
Anh Toàn cho biết, dù đã suy nghĩ nhiều, vợ chồng anh vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu tăng doanh thu cho quán. Thời gian gần đây, gia đình anh Toàn có làm lại menu, tăng giá các loại đồ uống từ 10.000 đến 15.000 đồng/cốc nhưng giá đồ uống tăng cũng không bù lại được tiền điện dùng điều hòa, chi phí thuê nhân viên, mặt bằng…. Nếu tăng giá nhiều quá thì lại không có khách” – anh Toàn giãi bày.
Ngày càng nhiều những vị khách tới quán cafe ngồi một mình và say mê lướt điện thoại (Ảnh minh hoạ)
Anh phân tích, nếu lượt khách tăng lên, bán được nhiều ly nước uống hơn, tiền lãi chắc chắn sẽ tăng nhanh và an toàn. “Khách đến nhiều thì không nói nhưng giá đồ uống mà “vọt xà” lên cao quá thì chắc chả ai thèm ngồi quán mình nữa” – anh Toàn nói thêm.
Theo chị Nguyễn Thanh Hoa, nếu khách ngồi lâu nhưng họ gọi thêm nhiều đồ uống thì doanh thu của quán vẫn có thể giữ ổn định nhưng vấn đề là phải làm sao để người ta dùng nhiều đồ uống hơn, đó thực sự là một bài toán khó. “Nhiều người đến quán chỉ gọi một ly nước loại rẻ nhất và cứ như thế úp mặt vào máy tính hoặc điện thoại. Ngày xưa, người ta đi cafe để tán chuyện nhưng bây giờ tôi thấy lạ lắm. Ngay cả cặp đôi yêu nhau cũng chỉ nói được vài câu rồi ai nấy lại cắm mặt vào điện thoại, ngồi hết cả buổi tối rồi dẫn nhau đi về” - chị Hoa nói thêm.
Đồng tình với quan điểm của chị Hoa, anh Toàn cho biết, ở quán anh, số lượng người đi cafe một mình ngày càng nhiều. “Bây giờ, nhiều bạn trẻ đi cafe một mình chỉ để cập nhật facebook, gọi zalo cho bạn bè, nhiều người sau đó còn lăn ra ghế ngủ”.
Khi đã nghịch điện thoại chán chê, nhiều người còn lăn ra ghế nằm ngủ, tận hưởng điều hòa "chùa" mát rượi. (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, một số người dù nhìn thấy chủ quán phải vất vả từ chối rất nhiều lượt khách vì hết chỗ nhưng vẫn không chịu đứng lên. “Nhiều khách hàng dù đã uống cạn ly nước, đã hết chuyện để tán phét nhưng vẫn chiếm chỗ và cắm mặt vào điện thoại. Lắm lúc tôi cũng tự hỏi, ngồi café chỉ cốt để nghịch điện thoại như thế, có thực sự thú vị” - anh Toàn thắc mắc.
Trong khi đó, anh Trung lại tâm sự: “Khách bây giờ nhiều người hay lắm, đến quán là chụp ảnh check-in đủ kiểu rồi mới bắt đầu gọi đồ uống”.
Theo anh Trung, thói nghiện smartphone khiến anh cùng nhiều bạn bè khác mở quán cafe rơi vào tình cảnh sụt giảm doanh thu. “Khách là thượng đế, tôi và nhân viên dù có lúc khó chịu vẫn phải cố niềm nở. Bản thân tôi đã kinh doanh thêm đồ ăn nhẹ ở quán café để cải thiện doanh thu nhưng vẫn không ăn thua”.
Theo một nghiên cứu gần đây của TechinAsia,Việt Nam có 90 triệu dân song lại đang sử dụng tới 130 triệu chiếc điện thoại di động, trung bình 1,5 chiếc/người. Từ Nam ra Bắc, dù đi đến đâu, người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh mọi người luôn cầm trên tay chiếc điện thoại như một vật bất ly thân.
Với nhiều người, thói quen nghiện smartphone đã len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống. Dù đi đến đâu, nhiều người vẫn luôn cầm theo chiếc điện thoại và sử dụng liên tục như một vật bất ly thân.
Bà Mary Meeker từ Trung tâm Nghiên cứu Xu hướng Internet vừa đưa ra kết quả nghiên cứu vào hồi tháng 5 vừa qua, cho thấy người Việt bỏ ra trung bình 466 phút mỗi ngày trước màn hình, cao hơn cả Mỹ (444 phút). Trong đó, với 4 loại màn hình điện tử được đưa vào khảo sát - bao gồm màn hình ti vi, máy tính bảng, smartphone và máy vi tính - người Việt thích ngồi sử dụng smartphone nhất, trung bình 168 phút (2 giờ 48 phút) mỗi ngày.
(Tổng hợp)
|
(Ảnh: Doãn Tuấn)
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Gửi bình luận, thích và chia sẻ trên
Video được xem nhiều nhất
Bình luận