Chọn trường nghề, không theo đại học
Đại học có thể là mơ ước của rất nhiều người nhưng chưa hẳn là sự lựa chọn của nhiều học sinh có kết quả điểm cao.
Ba trường hợp vừa nộp hồ sơ vào CĐ nghề Việt Đức (Hà Tĩnh) khiến nhiều người bất ngờ.
Quan trọng là trong tay có nghề gì
Có điểm thi 20,25 điểm khối A nhưng Vũ Văn Việt (ở xóm 3, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm thủ tục nhập học vào CĐ nghề Việt Đức.
Việt điềm tĩnh: “Thầy cô và bạn bè đã tư vấn nên nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Huế, Đà Nẵng, khả năng đậu rất cao nhưng theo em, quan trọng là trong tay mình có nghề gì để người ta nhận vào làm. Mình nghĩ hiện nay xã hội chúng ta đang thừa thầy thiếu thợ, sao mình không đi học nghề mà cứ lao vào đại học”.
Nam và Việt (từ phải qua) nộp hồ sơ vào CĐ nghề Việt Đức. |
Ở quê bố mẹ Việt làm nông. Trao đổi qua điện thoại, ông Vũ Văn Chím, bố Việt, cho biết cuộc sống gia đình ông trông chờ vào mấy sào ruộng luôn thiếu trước hụt sau. Khi biết con nộp hồ sơ đi học nghề, vợ chồng ông Chím luôn ủng hộ, động viên con chăm chỉ học hành để ra trường có nghề nghiệp lập thân.
“Tương lai là do con chọn, còn bố mẹ chỉ động viên tinh thần. Thời buổi này nhiều gia đình có con đi học đại học về mà giờ chưa xin được việc nên lo lắm. Nếu con đi học nghề mà ra trường có việc làm thì những người làm bố như tôi vui lắm” - ông Chím tâm sự.
Học nghề thêm nhiều lựa chọn
Với 23 điểm, Trần Ngọc Nam tin chắc mình nộp hồ sơ xét vào đại học sẽ đậu nhưng bạn lại nộp hồ sơ vào trường CĐ nghề Việt Đức. Nam tự tin: “Mình không hối tiếc về lựa chọn này. Bố mẹ ủng hộ và tin tưởng quyết định của mình”.
Quê của Nam ở xã Sơn Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh), ngoài làm ruộng bố Nam còn làm thêm nghề thợ xây. Ông nói nhà không mấy khá giả nhưng nếu Nam đi học đại học thì bố mẹ cũng xoay xở được.
Theo cô Hồ Thị Hồng Thái, giáo viên chủ nhiệm ba năm liền của Nam ở trường THPT Vũ Quang, Nam là một học sinh luôn nỗ lực học tập, có những môn tổng kết điểm cao như Toán 9,1, Lý 8,2, Hóa 8,0...
“Hiện nay, có nhiều người luôn xem đại học là ngưỡng cửa để lập thân lập nghiệp. Mình thì khác, học ra trường mà không xin được việc là làm khổ cha mẹ, thêm gánh nặng gia đình. Theo ngành cơ khí hóa khi ra trường mà không có việc thì vẫn tự mở xưởng làm ăn” - Nam nói.
Tự tin quyết định đúng
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, Nguyễn Trọng Đình (học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đạt 22,25 điểm khối A là những học sinh có kết quả cao của trường và được kỳ vọng sẽ trúng tuyển đại học.
Sáng 19/8, biết Đình đi xe máy đến CĐ nghề Việt Đức nộp hồ sơ để học ngành công nghệ ô tô, nhiều người lấy làm ngạc nhiên. Còn Đình xem quyết định đó vì một mong muốn ra trường có việc làm, không phải lo lắng việc làm như một số anh chị ở quê đi học đại học.
“Mình thấy anh trai đi học nghề ra trường có việc, còn bạn anh trai học đại học lại nhọc nhằn đi xin việc. Mình tin lựa chọn của mình sẽ đúng” - Đình chia sẻ.
Video được xem nhiều nhất