Chiến sĩ Công an dạy đàn miễn phí cho trẻ em khiếm thị ở Hà Nội
Dù luôn bận rộn với công tác tại trường Đại học phòng cháy chữa cháy, thế nhưng thượng úy Trần Anh Tuấn vẫn luôn dành thời gian để đem đến cho các em khiếm thị niềm vui với âm nhạc.
Đã hơn một năm nay, cứ mỗi chiều thứ 6 hàng tuần, sau khi kết thúc công việc ở cơ quan, anh Tuấn lại vượt hơn chục cây số đến trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) để dạy dàn cho các em nhỏ khiếm thị ở đây. Với anh, con người đối xử với nhau bằng chữ tình và điều ấy đã dẫn lối cho anh đến với những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Nhắm mắt lại để lắng nghe âm thanh nhảy múa
Thượng úy Trần Anh Tuấn (1981) hiện là cán bộ phong trào của nhà trường đại học Phòng cháy chữa cháy, chuyên trách mảng văn hoá, văn nghệ. Tốt nghiệp loại giỏi khoa sư phạm âm nhạc trường đại học sư phạm nghệ thuật trung ương, nhưng Anh Tuấn lại có duyên với màu áo lính. Và công việc dạy đàn guitar cho trẻ em khiếm thị cũng là cả một nhân duyên rất tình cờ.
Thượng úy dạy hát cho trẻ em ở làng trẻ Birla - Ảnh: Nguyễn Xuân Chính.
Trong một lần đến tham gia buổi thiện nguyện tại trường Nguyễn Đình Chiếu, chàng thương úy đã nghĩ ra ý tưởng đem âm nhạc đến với các em khiếm thị.
Dạy đàn cho người bình thường đã khó, dạy cho người khiếm thị còn khó hơn gấp nhiều lần. Khả năng quan sát bị hạn chế, nên các em không quan sát được phím đàn, dây đàn, cũng như những ngón tay của mình như người sáng mắt, dẫn đến việc bấm sai hoặc kỹ thuật chơi đàn sai mà không biết.
Thế nhưng không vì khó mà thấy trò bỏ cuộc, chàng thượng úy chia sẻ: “Khi dạy cho các em, tôi nhắm mắt lại để hiểu được các em đang gặp khó khăn như thế nào? Cố gắng phát huy cao độ khả năng sử dụng thính giác để bắt chước âm thanh với những bài luyện ngón cơ bản và rồi hình thành thế tay một cách khoa học, ngón nào hạ xuống là sẽ biết ngay nốt nhạc đó là nốt gì”.
Thầy trò cùng nhau cố gắng vượt qua những khó khăn tưởng như không thể
Âm nhạc được tạo nên bởi cao độ của những nốt nhạc, người khiếm thị giao tiếp và cảm nhận cuộc sống xung quanh đa phần bằng đôi tai, thế nên khi làm quen với cây đàn các em học sinh ở trường Nguyễn Đình Chiểu đã thích nghi rất nhanh. Bên cạnh đó, tình yêu với âm nhạc đã giúp các em biến cây đàn trở thành người bạn thật sự của mình.
“Nhìn các em bảo ban nhau tập, hậm hực khi không tập được, phấn khích khi chinh phục được kỹ thuật thầy vừa truyền đạt, lại còn hướng dẫn được các bạn khác tập ngon lành, quả thật tôi vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến khoảnh khắc đó. Niềm vui của các em là động lực để tôi tiếp tục thực hiện công việc của mình” – anh Tuấn hào hứng chia sẻ.
Thượng úy Tuấn luôn tận tụy với công việc ý nghĩa của mình.
Còn đó những trăn trở…
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, sự cô độc và khó khăn của người khiếm thị đang phải chịu tựa như cảm giác sợ hãi của cúng ta ngày còn bé, mỗi khi giật mình tỉnh giất trong đêm, bóng tối bao vây và không có ai bên cạnh dỗ dành.
Chàng thượng úy trẻ đem âm nhạc đến với học sinh khiếm thị, giúp các em tự tin hơn, yêu đời hơn, đồng thời làm cầu nối để các em hoà đồng với mọi người xung quanh, xóa đi mặc cảm tự ti trong cuộc sống.
Thượng úy Tuấn luôn cố gắng thấu hiểu những khó khăn của người khiếm thị để giúp đỡ họ hòa nhập hơn với cuộc sống.
Thế nhưng điều mà anh Tuấn luôn trăn trở chính là tương lai của các em học sinh ở đây. “Liệu sau khi rời ghế nhà trường thì học sinh khiếm thị, các em sẽ làm gì, đi đâu về đâu, bởi việc làm không dễ có, mà các em lại bị hạn chế rất nhiều so với bạn bè trang lứa” – chàng thượng úy đau đáu những nỗi niềm về tương lai của các em khiếm thị.
Để các em có được một nghề mưu sinh ổn định, Anh Tuấn hi vọng sẽ phát triển quy mô của lớp học, nhằm giúp thêm nhiều em có cơ hội tiếp xúc với guitar và trở thành những nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp kiếm được tiền, tự nuôi sống bản thân.
Anh tâm sự: “Tôi luôn vận động các em vào lớp học đàn của mình. Thậm chí cả những em khiếm thị không phải là học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, nhưng đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Nếu các em không có người nhà đưa đến lớp học đàn của trường Nguyễn Đình Chiều thì tôi sẵn sàng đến tận nhà để dạy”.
Tin rằng những công việc mà chàng thượng úy trẻ đang làm không những giúp các em học sinh khiếm thị tự tin hơn trước ngưỡng cửa cuộc sống mà còn tô đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng người dân.
Video được xem nhiều nhất