Chàng trai biến muối thành "vàng"
Sinh ra tại xã Giao Thủy, tỉnh Nam Định - vựa muối lớn nhất miền Bắc nhưng tính trung bình mỗi tháng, người nông dân làm muối chỉ thu được vẻn vẹn 400.000-600.000 đồng.
Tuy vậy, người dân ở đây vẫn chọn muối là nghề chính, có lẽ một phần bởi nghề muối là nghề truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm ở vùng đất này và nhiều người vẫn cố gắng giữ gìn như một nghề chân truyền.
Năm 2011 là thời điểm khó khăn nhất của nghành muối Việt Nam, bán 10 kg muối không mua nổi 1 kg thóc. Trở về nhà, cầm trên tay tấm bằng cử nhân ngành Quản trị doanh nghiệp, bất lực nhìn những cánh đồng muối không bán được, Phạm Văn Cương đã cháy lên quyết tâm phải thay đổi.
Anh Cương bên sản phẩm của mình. |
Tìm hiểu và có cơ hội gặp gỡ, Phạm Văn Cương rất thích mô hình làm muối sạch của thạc sĩ Bùi Sơn Long - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ muối biển. Sau một thời gian dài quan sát,học hỏi, Phạm Văn Cương bắt tay vào thực hiện quyết tâm của mình. Có máy móc, có công nghệ nhưng để triển khai được cần phải có 4.000 m2 đất, gần vùng nguyên liệu và đảm bảo môi trường.
Để xin được đất làm dự án thì lại phải lo chi phí xây dựng cầu, đường, suy đi tính lại, anh liều thuê một khu đất ngoài bờ sông đang bị ngập trong nước khoảng 2 m, mỗi ngày mua mấy thuyền cát về để san lấp tạo nền đất.
Phải mất 8 tháng đêm ngày để san lấp, mất hơn một vạn khối cát để tạo bãi nền vững chắc rộng 4.000 m2. Khó khăn nối tiếp khó khăn, sau khi san lấp được mặt bằng, tiến hành xây xưởng lại gặp khó về kỹ thuật.
Vốn không phải dân kỹ thuật, sau khi có bản thiết kế vì không biết đọc bản vẽ nên thi công chậm tiến độ mà thuê kiến trúc sư thì không đáp ứng được thời gian, tiền bạc, vừa nhờ bạn bè giúp đỡ kết hợp với lên mạng tìm hiểu, trong hơn một năm, anh Cương mới xây xong xưởng và lắp đặt thiết bị kỹ thuật.
Tháng 8/2013, cơ sở sản xuất muối sạch của anh bắt đầu đi vào hoạt động. Phải mất thêm 6 tháng nữa vừa học vừa làm vừa sửa để vận hành trơn tru.
Thành công đến không phụ lòng người
Hiện nay cơ sở sản xuất muối của Phạm Văn Cương không chỉ giúp anh sinh lời mà còn biến muối thành “ vàng”. Anh có một xưởng chế biến muối tinh 22.000 tấn/năm (4 tấn/giờ); một xưởng chế biến muối tinh sấy 10.000 tấn/năm (3 tấn/giờ), sản lượng muối lên đến 22.000 tấn/năm, có chất lượng cao, giá muối sạch cao gấp 1,4 lần so với muối thường, giá trị sản xuất muối tăng bình quân từ 7-8 triệu đồng/ha, đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của nghề muối tại 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Không những thế, anh Cương còn tổ chức tập huấn và bao tiêu sản phẩm cho bà con địa phương để xây dựng vùng muối Giao Thủy thành một trong số ít vùng sản xuất muối sạch của cả nước. Lợi nhuận từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương.
Năm 2014, Phạm Văn Cương vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2014 và nhiều khen thưởng cao quý khác.
Video được xem nhiều nhất