Chẩn đoán những "chứng bệnh lạ" khi yêu của tuổi học trò 

Yan - 18/05/2015, 09:57

Thích chỉ vì thích, chẳng cần lý do, chẳng cần toan tính. Hầu như ai trải qua tuổi học trò cũng đều từng là những “bệnh nhân” đau tim, đau đầu vì một ai đó. Hãy để bác sĩ thử “bắt mạch” xem bạn trót rơi vào kiểu bệnh nào nhé!

Bệnh “tim thủy tinh” của “fan girl”

 

Không ít bạn nam đến ngày cuối cùng đi học, khi được “tỉnh tò” lại… giật mình té ngửa, trong đầu rối mù không hiểu sao lại thích mình, thích mình từ khi nào,… Dĩ nhiên thôi, những cô nàng thích yêu ai đó theo kiểu “fangirl” lúc nào mà chả có “hành tung” theo kiểu… ninja.

 

 

Triệu chứng 1: Cứ thích đứng “chôn chân” ở một góc nào đó rất lâu hoặc “căng mắt” nhìn giữa đám lố nhố dưới sân trường, trong canteen cốt chỉ để được trông thấy một nụ cười. Lâu lâu được người đó chào một tiếng thì về nhà vui khỏi ăn cơm.

 

Triệu chứng 2: Thỉnh thoảng khi có kiểu tóc mới hoặc màu son mới, thường “vô tình” “lượn qua lượn lại” ở khu vực chỗ ngồi nào đó, lớp nào đó hoặc đi chung đường, vào chung quán, lén lén nhìn cho “mòn mắt” xong thì… đi về.

 

Triệu chứng 3: Thường có những cô bạn ngồi gần, học chung với “đối tượng” có nhiệm vụ “nghe lén” và “cập nhật thông tin”: hôm nay bạn đó ăn sáng với món gì, chiều hôm qua đi đá bóng thắng hay thua, chó con nhà bạn ấy đã hết bệnh chưa,… Thỉnh thoảng “gián điệp” cũng được giao trọng trách “mượn” tập, đồ dùng của người ấy cho “fangirl” để… cầm chơi cho đỡ nhớ.

 

Cấp cứu: Thấy người đó đứng nói chuyện, ngồi ăn chung hay chở bạn nữ xinh đẹp nào đó là “fan girl” rơi xuống 9 tầng mây, mất ăn mất ngủ mà cũng không biết phải làm gì.

 

Bệnh “thích thể hiện” vì sợ người ta… không thấy

 

Kiểu bệnh này thì gặp nhiều ở những bạn nam đó nhé!

 

Triệu chứng 1: Trong giờ thể dục, đang chạy bền lạch bạch với lớp thấy có ai đi ngang thì dốc hết “công lực” tăng tốc chạy lên đầu hàng, sau đó thì bị… vọp bẻ, thở không ra hơi.

 

 

Triệu chứng 2: Bình thường ít nói, lười nói hoặc e dè nhưng hể nhìn thấy “ai đó” trong bán kính 10m là bỗng nhiên thành… hoạt náo viên của nhóm, cười đùa “hết ga” để “báo động” cho người ta thấy sự hiện diện của mình.

 

Triệu chứng 3: Thấy người kia đang luyện môn nào sẽ lập tức “chong đèn” học ngày học đêm để không bị thua kém và có cơ may giải được một “bài toán để đời” cho người ấy chú ý tới mình.

 

Cấp cứu: Khi “đối tượng” vượt quá phạm vi 10m mà đến ngay trước mặt thì anh chàng/ cô nàng “thể hiện” bỗng nhiên… “hóa đá” đứng ngay đơ, nói năng lắp bắp như robot.

 

Bệnh lỡ thích đứa “cạ cứng”

 

Một ngày trời quang mây tạnh, “đùng” một cái giật mình nhận ra mình đang nhớ nhớ thương thương một đứa bạn thân.

 

Triệu chứng 1: Nhiệt tình chối bỏ với bản thân mình, tự tát vô mặt 3, 4 cái cho nhớ ra nó là đứa nằm top trong danh sách “yêu thương nhất” và cũng top trong danh sách “khinh bỉ nhất”.

 

Triệu chứng 2: Quằn quại đau khổ khi nhớ lại những trò thô thiển, ở dơ, những mặt xấu mà mình đã “phô” ra hết với nó, à nhầm, người ấy.

 

 

Triệu chứng 3: Hạnh phúc tột độ mỗi lần bị người ấy “bộp” vào đầu, giật tập, xô đẩy chen lấn,… thay vì bực mình “choảng” lại như mọi khi. Miễn có đụng chạm, dù đau, vẫn thích.

 

Cấp cứu: Kéo dài một thời gian vẫn không biết cách nào tỏ tình mà người ấy không… té xỉu.

 

Bệnh của “thánh làm quen”

 

Bằng trí tưởng tượng, óc sáng tạo và kinh nghiệm đúc kết từ… phim Hàn Quốc, nhiều bạn đã nghĩ ra những cách làm quen vô cùng “khó đỡ”.

 

Triệu chứng 1: Giờ thể dục cố gắng “lỡ tay” mà đá bóng, đá cầu, ném bóng rổ, bóng chuyền,… vào bạn nữ. Chỉ cần người ấy ngã, khóc, bị thương,… là có thể có cơ hội đến gần, làm quen, thậm chí giao cả “tấm thân” mình để chuộc lỗi. Tuy nhiên xác suất thành công dường như không vượt quá 2 chữ số.

 

 

Triệu chứng 2: Nhiều bạn thích ra vẻ bí ẩn và bất ngờ bằng cách làm quen rất “phá hoại của công”: dùng bút xóa viết lên bàn học, vách tường nơi người ấy ngồi xin làm quen. Hoặc “lành mạnh” hơn, nhiều bạn thích lén lén gửi giấy qua hộc bàn, nhét vào cặp, vào xe đạp,…  Xác suất thành công của “chiêu” này cũng không tệ, nhưng cũng ngang ngửa với xác suất người ấy sẽ “hoảng hồn” vì mình bị theo dõi.

 

Bệnh “đồn tùm lum, trúng tùm la”

 

Không ít bạn đã từng “đau khổ” khi bị bạn bè “hành hạ” với những trò ghép đôi, ghép cặp với một “đứa” nào “không liên quan”. Qua thời gian, một vài “nạn nhân” bỗng nhiên thấy được “hành hạ”… cũng vui.

 

Triệu chứng 1: Suốt ngày nghĩ tới người kia vì… phiền quá, lỡ người khác tưởng thật thì sao, lại cứ bị tụi bạn xô đẩy, chọc ghẹo suốt.

 

Triệu chứng 2: Tò mò tìm hiểu nhiều hơn coi người kia như thế nào, nhà ở đâu, thích nhạc gì, thần tượng ai, có chơi game không,…

 

 

Triệu chứng 3: Bỗng dưng “tha thứ” cho những đứa bạn từng làm mình phát bực vì trò ghép đôi. Bạn bè mà, đùa giỡn một chút mới có kỷ niệm chứ.

 

Cấp cứu: Thấy buồn chán vì không được chọc ghẹo nữa và dễ rơi vào “tuyệt vọng” vì không biết cách tự mình “tấn công” như thế nào.

 

Tạm kết

 

Tình cảm trong sáng của tuổi học trò luôn đáng quý và sẽ là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Nếu bạn đã từng "điêu đứng" vì một ai đó khi đi học, hãy thấy hạnh phúc đi, vì bạn đã có thứ tình cảm đẹp nhất trong quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất