Cha mẹ thương con đừng tìm lớp học hè

Người đưa tin - 04/06/2015, 14:57

Cha mẹ đang vô tình tạo áp lực học tập cho con khi sốt sắng tìm lớp học hè từ lúc năm học chưa kết thúc. Các chuyên gia đánh giá, việc làm này rất phản giáo dục.

Vừa kết thúc năm học, nhiều cha mẹ đã sốt sắng tìm lớp cho con đi học hè vì nhiều lý do: Bận đi làm, không có thời gian, không có ai trông con, ô sin về quê… Vô tình, cha mẹ đang “đánh cắp” khoảng thời gian giải trí và phát triển một cách tự nhiên của con trẻ. Chuyên gia cho rằng, việc làm như vậy là rất phản khoa học.

Chị Nguyễn Thị Liên (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa hớt hải bước vào cơ quan vì muộn giờ làm, vừa dắt theo cô con gái nhỏ rất đáng yêu nhễ nhại mồ hôi được nhiều đồng nghiệp cưng nựng hỏi han: Bé đáng yêu thế, năm nay lớn quá rồi con nhỉ, dạo này có vẻ mập hơn nhiều rồi… Trái ngược với sự hồ hởi, thích thú của mọi người xung quanh, chị Liên than thở: “Mấy hôm nay, tôi tranh thủ chạy đôn chạy đáo khắp nơi mà chưa hỏi được lớp học nào cho con nên phải tha lôi cháu như thế này đấy. Trời thì nắng, con thì phải khua dậy từ sớm để kịp giờ mẹ đi làm. Vậy mà có hôm, mẹ muộn giờ điểm danh. Ông bà ở quê có việc bận nên không lên trông cháu được, hai vợ chồng tôi đành phải khắc phục. Cháu chưa nghỉ hè đã phải nhờ bạn bè hỏi các lớp học hè ngay, thế mà vẫn không kịp”.

Còn chị Mai (Bắc Ninh) cũng đau đầu mấy ngày nay vì phải lo tìm chỗ cho con đi học hè. “Bạn bè cháu đi học mà mình không cho cháu đi sợ năm học mới lại không theo kịp chương trình. Kết quả năm học vừa qua, môn tiếng Anh của cháu kém quá. Tôi định tìm lớp cho cháu học hè ngay chứ để cháu rong chơi thì lại mải vui mà ngại học”, chị Mai tâm sự.

 - Ảnh 1

Bơi lội giúp trẻ rèn luyện sức khỏe trong dịp nghỉ hè
 

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia xã hội học Hoàng Thị Nga cho rằng, nghỉ hè là khoảng thời gian để các em học sinh nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống sau một năm học tập vất vả. Việc cho con đi học hè để bổ sung và nâng cao kiến thức là một ý tưởng tốt và cũng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nó không nên chiếm quá nhiều thời gian trong kỳ nghỉ hè của các con. Bởi nếu không, các bậc phụ huynh sẽ vô tình tác động tiêu cực đến tư tưởng của con trẻ và tạo ra những áp lực về bệnh thành tích.

Vị chuyên gia đưa lời khuyên, nghỉ hè, nếu cha mẹ có điều kiện có thể cho con tham gia những môn thể thao yêu thích hoặc đi du lịch cùng gia đình đến một vùng đất mới, khơi gợi khả năng khám phá và trí tưởng tượng cho trẻ. Còn nếu không, phụ huynh cũng có thể để con vui chơi tại nhà, thường xuyên đi thăm người thân, họ hàng để dạy cho trẻ biết quý trọng tình cảm gia đình, trân trọng, yêu thương những người thân xung quanh. Để con không quên kiến thức thì cuối dịp hè, cha mẹ có thể khuyến khích các con ngồi vào bàn học mỗi ngày một vài tiếng đồng hồ. Làm như vậy, trẻ vừa được vui chơi giải trí, vừa thấy mình được tôn trọng và sẽ sẵn sàng học tập với hứng thú mới. Chúng ta không nên ép con đi học hè ngay sau khi kết thúc năm học vì như thế, trẻ sẽ không còn khái niệm thời gian, không biết đến tuổi thơ của chính mình.

 - Ảnh 2

Cha mẹ nên cho trẻ học các môn năng khiếu vào dịp nghỉ hè. Ảnh minh họa
 

Cùng quan điểm, một chuyên gia tâm lý cho rằng, cho con học hè giống như một con dao hai lưỡi. Có thể với phụ huynh, nó là việc làm rất thuận tiện, không phải lo trông nom, dạy dỗ, không vướng bận. Nhưng chính suy nghĩ này có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Nếu chúng ta bắt trẻ học như những cái máy từ ngày này sang ngày khác, từ tháng nọ sang tháng kia, trẻ sẽ không có thời gian để nghĩ đến việc gì khác ngoài học. Sau này lớn lên, tính cách của trẻ có thể cũng bị ảnh hưởng, khó hòa nhập cộng đồng và ích kỷ hơn.

Chia sẻ thêm với PV báo Người Đưa Tin, cô giáo Trần Thị Loan (Bắc Ninh) cho rằng, không nên cố hết sức bắt con phải học văn hóa vào dịp hè. Nếu học cũng chỉ nên tìm đến những lớp năng khiếu như hát, vẽ, múa… cho con giải trí, vừa học vừa chơi để phát triển năng khiếu bản thân và được nghỉ ngơi thực sự. “Chúng ta không nên tìm lớp cho con học hè với mục đích học trước kiến thức. Như thế vừa hại trẻ lại vừa gián tiếp cổ súy cho căn bệnh thành tích của ngành giáo dục”, cô giáo này đưa quan điểm.

Bảo Vy

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất