Cầu Ghềnh trong kí ức của con trai người thợ xây cầu: "Sừng sững cả thế kỉ, vậy mà giờ nó ngã thật rồi"
Lớn lên cùng cây cầu, cả tuổi thơ ông Chín gắn liền với những câu chuyện của cha về ngày tháng xây cầu gian nan. Hôm nay, nghe tin cây cầu trăm tuổi sập, lòng ông bà Chín đau thắt tựa như vừa mất đi một người thân.
Vào lúc 11h45 ngày 20/3, sau khi nghe một tiếng nổ lớn phát ra từ phía cầu Ghềnh, ông Lê Văn Chín (81 tuổi) bàng hoàng không biết chuyện gì xảy ra thì được người hàng xóm thông báo cầu Ghềnh đã bị sập. Ông Chín và vợ vội vàng chạy ra phía bờ sông mà lòng đau thắt.
"Tôi đang nằm trên võng thì nghe một tiếng nổ lớn chấn động cả một khu vực. Đèn điện trong nhà tắt hết, tôi cứ tưởng là bình điện hạ thế bị nổ vì hôm trước bị một lần rồi. Đang loay hoay thì người chủ quán nước kế bên nhà chạy qua báo: Ông Chín ơi! Cây cầu bị sà lan đụng sập rồi. Tôi chạy ra đứng nhìn cây cầu mà không nói nên lời" - ông Chín bàng hoàng kể lại.
Trưa ngày 20/3, cây cầu Ghềnh bề thế đã sập sau cú va chạm với một sà lan lưu thông trên sông Đồng Nai - Ảnh: Bạch Dương.
Ký ức của gia đình người thợ xây cầu Ghềnh trăm tuổi
81 năm sống trên cuộc đời là 81 năm ông Chín gắn bó với cây cầu như người bạn tri kỷ. Ông Lê Văn Thình (1985) - cha của ông Chín là một trong những người thợ sắt đã góp phần xây dựng nên cây cầu tuyệt đẹp này, chính vì thế tuổi thơ của người đàn ông này luôn đầy ấp những câu chuyện của cha mình về những ngày tháng xây dựng cầu gian nan.
Ông Chín bồi hồi nhớ lại: "Cha tôi kể cây cầu này được xây dựng vào năm 1903, là một trong 3 cây cầu ở Việt Nam do kiến trúc sư Eiffel thiết kế, gồm có cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Ghềnh (Đồng Nai). Để xây dựng được cây cầu này tốn không biết bao nhiều là tiền của và con người, vì nó được khởi công cách đây hơn 100 năm mà".
Ảnh tư liệu về cây cầu trăm tuổi gắn liền với người dân Biên Hòa - Ảnh: ST.
Thời bấy giờ, toàn bộ những vật liệu để xây dựng nên cầu Ghềnh đều được vận chuyển từ Pháp sang nhằm đảm bảo chất lượng cho công trình. Nhân công người Việt Nam được thuê để trực tiếp thực hiện cây cầu. "Không biết bao nhiêu người Việt Nam đã chết dưới con sông này để có cây cầu ngày hôm nay đó cậu" - bà Trần Thị Hùm (vợ ông Chín) tâm sự. Quả thật vậy, ở thế kỷ trước, khi máy móc chưa hiện đại, con người phải làm mọi việc một cách thủ công, để có thể xây dựng một cây cầu bề thế như vậy, thì những người thợ đã phải hi sinh cả tính mạng của mình.
Những câu chuyện của người cha cứ thế theo ông Chín lớn lên từng ngày, để rồi không biết từ lúc nào ông đã xem cây cầu như một người bạn tri kỷ. "Cả tôi lẫn anh trai tôi, đều đi ngang qua cây cầu này để đến trường. Tôi còn nhớ thời kỳ chiến tranh Pháp - Nhật, có lần Pháp thả bom xuống cầu nhưng không trúng, tay vịn cầu bị va chạm nên còn dấu tích, mỗi lần đi học tôi lại men theo vết cong của tay vịn như một cách vuốt ve người bạn nhỏ, thói quen đó tôi luôn giữ cho đến tận bây giờ" - những vết nhăn như hằn sâu hơn khi ông Chín nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ.
Hỗn hợp vôi và mật ong hóa thạch là kỷ vật mà cha của ông Chín để lại sau khi hoàn thành cây cầu. Ông Chín luôn đặt khối hóa thạch này trước sân như một cách để nhắc nhớ lại những kỷ niệm về cha và cây cầu thân yêu.
Ông kể tiếp: "Ngày nào mẹ tôi cũng chạy xe qua cầu để sang chợ Đồn buôn bán, những ngày không đi học, tôi lại cùng mẹ đi sang chợ để ngắm từng đoàn tàu lửa đi ngang qua cầu Ghềnh. Cây cầu này từ xưa đến nay luôn là tuyến đường huyết mạch của tỉnh, vì thế hôm nay bị sự cố chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân".
Ông bà Chín đau lòng không biết số phận cây cầu sẽ đi về đâu.
Hơn 100 năm, trải qua bao cuộc bể dâu, qua tàn phá của chiến tranh, cây cầu vẫn sừng sững với thời gian, chẳng người dân nào ở đất cù lao Phố này nghĩ rằng sẽ có ngày cây cầu sẽ ngã xuống. "Vậy mà nó ngã thật, tôi vẫn tin là cây cầu chưa già đâu, chỉ là do mấy ông lái sà lan chạy ẩu thôi" - ông Chín lắc đầu nuối tiếc. Bỗng có tiếng điện thoại vang lên, con trai ông Chín gọi về hỏi thăm, tôi nghe giọng ông thật buồn: "Con ơi! Cầu Ghềnh sập rồi!".
Người đàn ông trông đền và cây cầu lịch sử
Ông Nguyễn Trung Chánh (1961) ngồi trầm ngâm nhìn ra phía cây cầu sập, ông tâm sự: "Mấy hôm nay tôi cứ lo lo trong bụng, mỗi lần có sà lan chở cát đi qua cầu là lại nghe tiếng cọ sát giữa sà la và cầu. Tôi nóng ruột lắm! Không ngờ điều tôi lo lại xảy ra thật".
Ông Chánh là người trông coi đền thờ cụ Nguyễn Hữu Cảnh, khu đền thờ này ngay dưới chân cầu Ghềnh, vì vậy mỗi khi nhắc đến đền Nguyễn Hữu Cảnh người ta lại nhớ ngay đến cầu Ghềnh và ngược lại. Mỗi ngày đều đặn hai lần, ông Chánh qua đền thờ để chăm lo nhang đèn, quản lý khuôn viên, vì vậy có thể nói ông là một trong những người ngắm nhìn cây cầu này nhiều nhất.
Ông Chánh trầm ngâm nhìn về phía cây cầu lịch sử.
Mấy mươi năm chăm lo cho ngôi đền là bấy nhiêu năm ông Chánh gắn bó với cây cầu. Bao nhiêu hồi ức chợt ùa về khi ông nhìn dòng người ồ ạt đổ về sân đền để xem cầu sập. "Mọi người ra xem vì hiếu kỳ. Nhưng mấy ai hiểu được sự đau lòng của những lớp người như tôi. Tôi đau lòng lắm! Không chỉ tiếc vì mất đi một cảnh quan đẹp, mà tiếc như vừa mất đi một thứ gì đó quan trọng trong cuộc đời. Mỗi sáng tôi mở cửa đền là lại ngó sang cây cầu gật đầu chào như chào một ông bạn già vậy".
Ngôi đền hơn 300 tuổi vẫn âm thầm đứng đó, ông lặng lẽ nhìn theo: "Chào anh bạn! Bình an nhé!".
"Mẹ ơi! Con đau!"
Không chỉ có những bậc tiền bối đi trước mới thương tiếc về sự cố của cây cầu. Những bạn trẻ sống ở mảnh đất cù lao Phố cũng thẫn thờ khi nghe tin chiếc cầu thân thương ngày nào nay đã ngã.
Bạn Bùi Huỳnh Minh Phong (1991) bàng hoàng khi nghe mẹ gọi điện báo rằng cây cầu trước nhà đã sập. "Mỗi sáng mở cửa ra là thấy cây cầu, tối đóng cửa đi ngủ cũng thấy. Lâu dần cây cầu trở thành một người bạn, một người thân không thể thiếu trong cuộc sống. Giờ nhìn cảnh tượng hoang tàn, trong lòng có chút bất an và hụt hẫng" - Phong tâm sự.
Nhà của Phong đối diện cây cầu nên anh chàng có rất nhiều kỷ niệm với nó.
Với Phong, cầu Ghềnh từ lâu là niềm tự hào của bản thân cậu và người dân Biên Hòa. Cứ mỗi dịp có bạn bè đến chơi là Phong lại giới thiệu với họ về cầu Ghềnh một cách đầy hãnh diện rằng đây là cây cầu do kiến trúc sư nổi tiếng Eiffel thiết kế. "Cảm giác mất đi một người thân như thế nào thì cảm xúc của tôi hiện tại cũng tựa như vậy. Thế là từ nay tôi mất đi một điểm tựa mỗi khi buồn và mất đi một phần của tuổi thơ".
Trên trang cá nhân của mình cậu viết: "Hơn một nửa số công ty từng làm bị phá sản, bán đi hay kiện tụng... con mất việc, thất vọng, con buồn lắm, con chạy rề rề sang cầu. Con khóc, cái cầu thấy gớm cả trăm năm vậy còn có việc để làm, huống gì thằng trẻ trâu như mày... Con nhìn cây cầu con lấy động lực, rồi con lại có việc tốt hơn. Quá nhiều chuyện vui buồn về chiếc cầu, quá nhiều kỷ niệm. Bởi thế con đau, con rùng mình trước từng đợt gió nhẹ trên sân thượng, Cây cầu của con đâu rồi? chắc từ sau đám tang bà nội, con chưa bao giờ khóc nhiều đến thế!".
Sau hôm nay, người Biên Hòa nói riêng và người Việt Nam nói chung sẽ không còn cơ hội ngắm nhìn quan cảnh tuyệt đẹp này nữa.
Cầu Ghềnh, dẫu không còn nguyên vẹn, nhưng nó cũng đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong hơn 100 năm qua. Cầu Ghềnh sẽ được chính quyền khắc phục và hơn hết, dù thời gian có qua đi thì trong tim những người con cù lao Phố vẫn sẽ luôn nhớ đến cầu Ghềnh như một hồi ức đẹp nhất, một niềm tự hào, hãnh diện nhất.
Cầu Ghềnh dài 223,3m, có kiểu kiến trúc Gothic trang nhã bằng thép rất kiên cố. Trên cây cầu ngoài tuyến đường bộ, đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Nhiều tư liệu nói rằng kiến trúc sư Eiffel có 3 công trình kiến trúc cầu ở Việt Nam: Cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Ghềnh (Biên Hòa). Cầu Ghềnh được xây dựng vào năm 1903, cây cầu đã tạo thành dấu ấn đặc biệt cho mảnh đất lịch sử Biên Hòa, Đồng Nai.
Từ khi cầu Ghềnh đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đã được thông tuyến với tuyến Sài Gòn - Nha Trang .
Video được xem nhiều nhất