Cậu bé 20 tháng tuổi cùng bố mẹ đi phượt khắp nơi
4 tháng tuổi, bé đã được bố mẹ cho ngụp lặn biển Nha Trang. 15 tháng tuổi em cũng được sự hỗ trợ của bố mẹ để chinh phục nóc nhà Đông Dương.
Xuất phát từ tinh thần yêu phượt, mê phượt của bố mẹ, Quang Anh đã được bố mẹ cho đi du lịch từ rất sớm. Đến nay, bé đã theo chân cha mẹ đi khắp Việt Nam và một loạt địa danh nổi tiếng của Malaysia như Penang, Langkawi, Kuala Lumpur. Chuyến đi gần đây nhất của em là đặt chân đến cột cờ Lũng Cú - Hà Giang. Tháng 11 tới, bé sẽ có chuyến phượt tiếp theo tại nước Lào.
Hình ảnh quen thuộc của Quang Anh trong những chuyến đi cùng bố mẹ.
Chuyến phượt đầu tiên tại Nha Trang khi bé 4 tháng tuổi.
Chàng trai 20 tháng tuổi trong chuyến đi cùng bố mẹ đến Malaysia.
15 tháng tuổi đã chinh phục đỉnh Fanxipan
10 ngày tuổi, Quang Anh không nằm trên nôi trong 4 bức tường kín mít như nhiều đứa trẻ khác. Bé được bố mẹ cho đi siêu thị như bao đứa trẻ đã lớn, có thể nô đùa, cười nói nhanh nhẹn. 2 tháng tuổi, bố mẹ cho bé tập bơi. Đến khi lên 4 tháng tuổi, bé đã có chuyến du lịch bụi đầu tiên. Ngay trong chuyến du lịch bụi ấy, bé cũng đã được lặn ngụp dưới biển Nha Trang cùng bố Nguyễn Quốc Anh.
Đây quả là một chuyện phi thường nếu xét về hình ảnh của Quang Anh khi mới chào đời. Ngày chào đón con đến thế giới, bố mẹ bao bọc, ôm ấp Quang Anh khi em chỉ nặng vỏn vẹn 2,5kg do sinh non.
Mẹ bé, chị Nguyễn Thủy Tiên (SN 1983) bị u xơ tử cung ở tuần thứ 37 nên gia đình không còn sự lựa chọn nào khác là phải sinh mổ. Tuy vậy, bố mẹ bé vẫn quyết định nuôi con không quá bao bọc như nhiều cha mẹ Việt. Hiện tại Quang Anh tròn 20 tháng tuổi, cao 90 cm, nặng 15,1 kg.
Quang Anh cùng bố mẹ chinh phục đỉnh Fanxipan lúc 15 tháng tuổi.
Đến bây giờ, khi nhớ lại những kỷ niệm cùng con yêu đi phượt, bố mẹ Quang Anh vẫn không khỏi xúc động khi nhắc tới kỉ niệm chuyến đi phượt chinh phục đỉnh Fanxipan vào thời điểm Quang Anh mới 15 tháng tuổi. 'Đó là ngày chở bé bằng xe máy khi đi vào bản Cát Cát ở Sapa.
Lần đầu bé thấy được cảnh thung lũng, mây trời núi non bao la, bé cất tiếng hú lên như như một chú sói đầy thích thú. Cảm giác con yêu được hòa mình vào thiên nhiên khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc', bố bé, anh Nguyễn Quốc Anh (SN 1980) chia sẻ với niềm vui rạng ngời trong đôi mắt.
Phượt thủ nhí luôn vô cùng háo hức trong mỗi chuyến đi.
Đi phượt, lại đi cùng với con nhỏ, bố mẹ Quang Anh lường trước được rằng có rất nhiều chuyện khó khăn, nguy hiểm sẽ xảy ra. Anh Quốc Anh nhớ lại: 'Khi đưa bé lên đỉnh Fanxipan, ngoài chuyện tã sữa bình thường thì chúng tôi phải đối mặt với không khí loãng và gió lạnh ở trên cao có thể gây ảnh hưởng sức khỏe của bé'. Thật may mắn là bố đã có kinh nghiệm leo núi và biết được những điều sẽ xảy ra nên đã ủ ấm cho bé đúng cách và giảm áp cho bé hợp lý nên chuyến đi đã có trải nghiệm đáng nhớ.
Anh cũng cho rằng, trẻ nhỏ sẽ không biết phản ứng thay đổi môi trường nên cha mẹ phải dự đoán và hiểu cuộc hành trình đó như thế nào để biết đi biển cần gì, đi núi cần gì… Ngoài ra, anh Quốc Anh còn hay nghiên cứu về cách để có sức khoẻ tự nhiên, chữa bệnh không dùng thuốc, sống điều hòa âm dương để áp dụng vào nuôi con.
Quang Anh vừa trở về sau chuyến phượt ở Hà Giang.
Cách nuôi dạy con theo 'kiểu tự nhiên' của cha mẹ phượt thủ
Hai vợ chồng tâm sự, do cả hai đều là dân mê phượt, ba Burin vốn là dân leo núi và lặn biển cùng với nhiều trò mạo hiểm khác, nên thích cách nuôi dạy con theo kiểu tự nhiên, sớm cho bé tiếp xúc môi trường bên ngoài để bé cứng cáp. Bố Quốc Anh hay đi phượt ở trong nước cũng như ngoài nước, anh được chứng kiến cách nuôi dưỡng con của những người bạn đồng hành khác nên cũng muốn con trải nghiệm và lớn lên theo cách này.
'Về tự nhiên khi cho trẻ đi ra ngoài sớm, bé sẽ hình thành được ngôn ngữ tư duy hình ảnh giúp kích thích trí não phát triển, mặt khác bé tiếp xúc nhiều môi trường không khí khác nhau nên sức đề kháng tự nhiên sớm được hình thành', bố bé Quang Anh khẳng định. Thêm nữa, bé trải nghiệm các luồng không khí sống khác nhau của các cộng đồng khác nhau như tiếng ồn ào của đám đông lễ hội, không gian tù túng trên xe buýt, máy bay… sẽ giúp bé thích nghi và trưởng thành nhanh hơn.
Điều mà bố mẹ Quang Anh vô cùng tự hào là kháng thể tự nhiên bé rất tốt với mức tăng trưởng chiều cao cân nặng đều hơn mức bình thường của người Việt. Bé cũng được các thầy cô ở trường đánh giá là trưởng thành về trí tuệ sớm hơn những bạn cùng lứa, đặc biệt rất tự tin giao tiếp ở nơi công cộng. Trải qua những chuyến đi này cũng giúp bố mẹ Quang Anh dày dạn kinh nghiệm trong chăm sóc, nuôi dạy con hơn.
Nói về cách nuôi dạy con, bố mẹ Burin cùng cho rằng, mỗi thế hệ có cách nuôi dưỡng khác nhau, không thể nói cái nào đúng và cái nào sai. Mục đích cho bé ra ngoài sớm là để cho bé có cách sống tự nhiên và tự lập từ bé. 'Có rất nhiều bạn bè trên facebook cũng như ngoài đời bày tỏ e ngại việc mình cho con đi phượt quá sớm nhưng với kinh nghiệm đi phượt bao năm, mình vẫn cho rằng đây là cách giúp con mình phát triển đầy đủ nhất', anh Quốc Anh chia sẻ.
Bố mẹ Quang Anh cho rằng đi phượt là cách giúp con phát triển đầy đủ nhất.
Từ chuyện đi lang thang đất người cho đến chuyện đi lặn, chui vào rừng ở lều, hai vợ chồng anh Quốc Anh tin rằng đây chính là cách hiệu quả nhất giúp bé Burin trang bị kiến thức sống độc lập tốt nhất. Nhớ lại chuyện rèn tính tự lập cho con, bố bé Burin không thể quên được lần thấy con ngã ở sân bay Cam Ranh nhưng không hề đỡ con dậy mà để bé tự đứng lên.
'Do tự té nên bé phải tự đứng dậy và mình không hề giúp đỡ. Nhiều người Việt Nam ở đó nói là bố ác nhưng mình không trách họ vì giữa anh và họ khác nhau quan điểm nuôi con thôi', anh Quốc Anh cười nói.
Bố mẹ Burin cùng có suy nghĩ rằng, giai đoạn bé 6 tháng đến 5 tuổi là giai đoạn vàng hình thành ngôn ngữ tượng hình cho bé. Anh chị cho bé đi nhiều để bé hiểu thế nào là núi là cây. Nhiều người nói rằng trẻ còn bé quá sẽ không biết nhưng thực tế bé sẽ hình thành các khối tư duy trong đó và nó sẽ lợi ích rất lớn cho phát triển trí tuệ sau này.
Hơn nữa, điều này thúc đẩy bé phát triển tốt hơn. 20 tháng tuổi, Burin đã mặc đồ của trẻ 3 tuổi, cân nặng chiều cao của bé 2,5 tuổi, khả năng nhận thức được thầy cô đánh giá cao hơn những bé đang học trong trường. Bé đã có thói quen ngủ sớm, dậy đúng giờ, đi bộ, đánh răng, tự ngủ, ăn bình thường như người lớn, kể cả lẩu cay...
Video được xem nhiều nhất