Cảnh giác với thủ đoạn giả danh Công an lừa đảo hơn 2 tỷ đồng qua điện thoại

Kênh 14 - 30/06/2015, 22:15

Dù thủ đoạn không mới nhưng vẫn còn nhiều người suýt bị lừa mất hàng tỷ đồng vào tay nhóm tội phạm công nghệ cao. Mới đây, một cô gái ở Hà Nội đã chia sẻ cách thức mà bọn tội phạm dùng để "móc túi" những nạn nhân nhẹ dạ, cả tin.

Tình trạng bọn tội phạm dùng thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan Công an đe dọa để lừa tiền nạn nhân vốn đã xảy ra từ lâu nhưng đến nay vẫn còn nhiều người mắc bẫy. Mới đây, một cô gái tên Ly, sinh sống tại Hà Nội cũng nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là Công an phòng PV 17 Công An TP.HCM, đối tượng này cho rằng cô gái có liên quan đến hoạt động rửa tiền nên đề nghị chuyển tiền vào một tài khoản bí mật để kiểm tra.

Do linh cảm có chuyện xấu nên chị Ly không thực hiện theo yêu cầu mà trình báo cho Công an TP.HCM. Sau đó, chị được biết đây là hình thức lừa đảo của một nhóm tội phạm công nghệ cao. Trước đây, đã có rất nhiều nạn nhân sau khi chuyển tiền mới biết bị lừa.

Chị Ly kể lại sự việc khi nhận cuộc gọi vào ngày 29/6 như sau:

"Mọi người vô cùng cảnh giác vì Ly vừa bị khủng bố điện thoại trong 3 tiếng đồng hồ do một người giả danh công an Phòng PV 17 Công an TP.HCM liên lạc với nội dung:

Ly là chủ sở hữu 2 thẻ tín dụng có giá trị 2 tỷ 560 triệu tại ngân hàng Vietbanks chi nhánh TP.HCM có liên quan đến đường dây rửa tiền cho các họat động buôn bán ma túy, thuốc lắc tại địa bàn thành phố.

Sau đó người này xưng danh: Đại tá Dương Đại Thành trực tiếp hướng dẫn Ly các thủ tục làm ghi âm báo án vì không thể trực tiếp đến gặp Ly tại Hà Nội do hồ sơ thụ án ở TP.HCM. Tên này hướng dẫn phải tắt điện thoại di động, ngồi một mình để đảm bảo ghi âm không bị gián đoạn và tuyệt đối giữ bí mật không để cho người khác biết, sau đó tên này dung thủ đoạn cùng những câu chữ rất "nghiệp vụ" công an để khủng bố tinh thần Ly trong 2 tiếng về số tiền trong tài khoản nghi vấn rửa tiền kia cùng với những câu hỏi về các tài khoản khác hiện nay Ly đang đứng tên, sổ tiết kiệm hay bất cứ bất động sản, tài sản nào khác đứng tên Ly.

Cho đến phút cuối, tên này nói phải chuyển khoản toàn bộ số tiền trong tất cả các thẻ ngân hàng do Ly sở hữu vào một tài khoản giám định sẽ do tổng đoàn thanh tra nhà nước - Bộ Công an điều tra trong 24h".


Chị Ly kể lại sự việc trên trang cá nhân.


Do linh cảm thấy chuyện xấu, chị Ly đã dừng cuộc gọi và ngay lập tức gọi điện cho người thân, tìm hiểu về thông tin, số điện thoại. Sau đó, Công an TP.HCM đã xác nhận với chị rằng đây là đường dây tội phạm công nghệ cao, sử dụng phương thức này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của rất nhiều cá nhân, doanh nghiêp.

Liên lạc với chị Ly để biết rõ hơn thông tin sự việc, chị Ly kể rằng, lúc đó là 7h15 sáng, khi chị vẫn còn ngái ngủ thì điện thoại bàn reo lên. Người đầu dây bên kia nói chị Ly có liên quan đến đường dây rửa tiền và hỏi chị có thấy số điện thoại không. Chị bảo không thì người này nói: "Chúng tôi sẽ gọi vào di động của chị để xác minh". Và khi số điện thoại hiện lên trên màn hình di động, chị Ly không để ý số đầu mà chỉ nhìn dãy số cuối, thấy rất giống số của Cảnh sát hình sự TP.HCM nên chị không nghi ngờ gì. Thật ra người này gọi đến từ số 0083838xxx (dư 1 số 0 so với số điện thoại đúng của Cảnh sát).

 

Chị Ly bảo chị tin rồi thì người này nói sẽ gọi lại vào số điện thoại bàn để đảm bảo cuộc gọi không bị gián đoạn vì gọi di động tín hiệu sóng không được đảm bảo, ảnh hưởng đến cuộc gọi và quá trình xác minh thông tin của chị. Người này gọi lại và nói với chị Ly rằng: "Chúng tôi xác minh thông tin của chị Ly với số CMND là..., địa chỉ như sau..., chúng tôi đang có hồ sơ về tài khoản tính dụng và số CMND nghi là làm giả của chị tại cơ quan điều tra. Chúng tôi đã bắt được 36 đối tượng khai nhận có bằng chứng, vật chứng vô cùng bất lợi cho chị. Tất cả khai rằng được ủy quyền của chị để lập tài khoản và giao dịch tài khoản vào tài khoản rửa tiền..."

Chị Ly một mực chối thì người này tiếp tục nói một cách bài bản và chuyên nghiệp: "Để tôi ví dụ, nếu một người quen hoặc người quen mượn xe của chị đứng tên để chạy trên phố và gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy, thì chúng tôi sẽ làm việc, xác minh cái xe bỏ lại hiện trường để tìm ra chị. Như vậy chị sẽ là đối tượng tình nghi gây tai nạn chết người chứ không phải người bạn của chị, vì chị là chủ phương tiện".

Sau đó, tên này nói rất nhiều về mức độ phức tạp của vụ án và cho biết hiện nay đã bắt khẩn cấp 2 đối tượng nhân viên ngân hàng mang 2.000 bộ hồ sơ khách hàng để làm giả CMND và giả chữ ký để phạm tội chiếm đoạt tài sản, rửa tiền cho tội phạm ma túy.


Nhóm tội phạm lừa đảo có cách nói chuyện rất bài bản và dùng nhiều từ ngữ trong nghiệp vụ điều tra để lừa đảo qua điện thoại.


Tên này nói rằng, trong vòng 24h nếu chị không phối hợp để cung cấp thông tin thì đề nghị chị không được di chuyển mà phải ở tại nhà riêng để Công an đến đọc tráp, tiến hành giám định tài sản cũng như đọc lệnh tạm giam chị để điều tra. Lúc này, chị Ly đã bắt đầu nghi ngờ nhưng vẫn hỏi thêm về thủ tục tiến hành cung cấp thông tin thì bọn chúng bảo chị thực hiện chuyển tiền vào tài khoản giám định để thực hiện giám sát các hoạt động giao dịch, nhằm xác minh chị có liên quan đến đường dây rửa tiền hay không.

"Tôi cảm thấy có gì đó không rõ ràng nên đã từ chối chuyển tiền. Chúng tiếp tục đe dọa và nói rằng "Chúng tôi đang làm mọi cách giúp chị vì chị là nghi can!". Tôi nói sẽ ra Công an phường trình báo và lúc đó các anh muốn bắt, muốn giám định thì mời các anh lên gặp tôi tại phường, vì tôi không làm những việc phi pháp nên không có gì phải che giấu. Thế là chúng hằn học "Nếu chị có thái độ bất hợp tác thế này thì tôi cũng không thể tiếp chuyện chị được nữa và 14h chiều nay chúng tôi sẽ cử người đến nhà chị", chị Ly kể lại.

Sau đó chị tìm hiểu thông tin từ bạn bè thì biết rằng chiêu thức này từng được sử dụng rất nhiều lần trước đây, Công an TP.HCM cũng đã từng triệt phá nhiều đường dây tội phạm công nghệ cao, bắt hàng loạt đối tượng giả danh Công an để lừa đảo. "Vì tôi thường đi du lịch nhiều, lại ít đọc báo, theo dõi tin tức ở Việt Nam nên không biết nhiều người cũng bị lừa như mình. May mắn thay tôi chưa đi chuyển tiền cho bọn tội phạm, nếu không thì hối hận chẳng kịp", chị Ly chia sẻ.


Nhiều người cho biết cũng từng bị kẻ giả danh Công an lừa đảo.


Chiều ngày 29/6, Đại diện Cơ quan Công an TP. HCM xác nhận không có người nào là Đại tá Dương Đại Thành công tác tại PV 17 (CA TP.HCM). Vị đại diện còn cho biết hiện tại không có phòng PV 17 như đối tượng giả danh Công an nêu ra. “Trường hợp này có thể khẳng định là giả. Tại CA TP. HCM không có người nào có tên như trên và cũng không có phòng PV 17. PV17 trước đây là phòng viễn thông tin học, bây giờ phòng này đổi tên là PH41B. Hiện nay trường hợp giả danh Công an để lừa tiền qua điện thoại rất phổ biến, vì thế người dân cần đề cao cảnh giác. Người thuộc cơ quan Công an TP. HCM không bao giờ tiếp dân qua điện thoại như thế", vị đại diện cho biết.

Đây không phải là lần đầu nhóm tội phạm sử dụng chiêu thức lừa đảo này để chiếm đoạt tài sản của người dân. Cũng trong sáng 29/6, TAND TP.HCM đã tuyên phạt các bị cáo trong băng nhóm giả danh công an lừa đảo nhiều tỷ đồng. Thủ đoạn của băng nhóm này là thông báo nợ cước điện. Sau đó, để biết thêm chi tiết thì người bị hại phải liên hệ với một số điện thoại được cung cấp.

Với thủ đoạn trên, băng nhóm này giả danh công an Hà Nội nói với người bị hại có liên quan đến một vụ rửa tiền quốc tế. Yêu cầu người bị hại liệt kê tài sản. Sau đó, để xác minh số tiền trong sạch thì nạn nhân phải gửi tiền đến một tài khoản mà băng nhóm đã cung cấp. Nếu số tiền không phạm pháp thì được hoàn trả trong một giờ.


Một nhóm đối tượng giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại vừa bị tuyên án vào sáng 29/6. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Người bị hại được yêu cầu tìm một phòng trống, không được liên lạc với bất kì ai và liên tục giữ máy. Khi đi chuyển tiền thì không được gọi đầu dây bên kia là đồng chí, công an, trung úy, trung tá. Theo lời người bị hại, băng nhóm nói họ đang bị hệ thống định vị theo dõi qua sóng điện thoại và liên tục đe dọa “nếu không làm theo thì cho người xuống bắt ngay”.

Do hoảng sợ, nhiều người trên đã chuyển vào tài khoản được chỉ định số tiền hơn một tỉ đồng. Các đối tượng trong nhóm tội phạm này đã nhận mức án từ 7 năm đến 17 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất