Cận cảnh tiêu hóa mì ăn liền trong dạ dày khiến bạn buồn nôn ngay lập tức
Kênh 14 -
07/08/2015, 13:50
Bạn có tin, sau 2h mà những sợi mì ăn liền vẫn còn nguyên sợi trong dạ dày của chúng ta?
Mì ăn liền là thực phẩm quen thuộc với nhiều người trong chúng ta. Do quá bận rộn, cùng tính tiện lợi nên nhiều người lựa chọn mì ăn liền như người đồng hành trong bữa sáng, trưa, tối.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn mì ăn liền nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe như suy dinh dưỡng, gây bệnh tim mạch... nhưng cụ thể, mức độ gây hại của thực phẩm này như thế nào thì không phải ai trong chúng ta cũng biết.
Với mong muốn giúp mọi người hiểu hơn về tác hại của mì ăn liền đến cơ thể, bác sĩ Braden Kuo - thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã tiến hành cuộc thí nghiệm cho thấy quá trình tiêu hóa phức tạp của mì ăn liền trong dạ dày. Với kết quả thu được, hẳn không ít bạn sẽ loại bỏ ngay món mì ăn liền ra thực đơn hàng ngày của mình hoặc suy nghĩ kĩ hơn trước khi lựa chọn loại thực phẩm đó.
Để thực hiện nghiên cứu này, bác sĩ Kuo đã sử dụng một chiếc máy quay có kích cỡ chỉ bằng viên thuốc để tìm hiểu những gì đang thực sự diễn ra bên trong dạ dày của người sau khi ăn mì.
Trong thí nghiệm này, một người sẽ ăn mì ăn liền và người còn lại ăn mì tươi - một loại mì được làm từ bột và trứng, không sử dụng chất phụ gia.
Không phải đợi đến khi thực phẩm xuống tới dạ dày mà quá trình tiêu hóa được bắt đầu ngay khi bạn ngửi thấy mùi thức ăn hoặc thậm chí khi bạn nghĩ tới thực phẩm.
Theo đó, các tuyến trong miệng bạn nhanh chóng tiết ra nước bọt. Trong nước bọt có nước, điện giải, chất nhầy và một số enzym, bao gồm amylase... Các chất nhầy trong nước bọt giúp bôi trơn thực phẩm và làm cho chúng dính vào nhau. Các enzym bắt đầu để phá vỡ các thức ăn để đưa xuống dưới.
Nhưng sau khoảng 20 phút, sợi mì ăn liền vẫn còn gần như nguyên vẹn trong bộ máy tiêu hóa của chúng ta. Hình dáng sợi mì ăn liền nguyên sợi (bên trái) trong khi phần sợi mì tươi bắt đầu có dấu hiệu tan rã.
Thực phẩm khi qua miệng, thực quản tới dạ dày sẽ được "nhào nặn" với axit chlohydrit và enzym do niêm mạc dạ dày tiết ra, giúp phân giải protein.
Chúng sẽ được nghiền nát thành các hạt nhỏ với sự trợ giúp của axit dạ dày, với tốc độ khoảng 3 – 4 calo/phút và dần di chuyển xuống ruột non - nơi thức ăn được nghiền nhỏ hơn nữa và chất dinh dưỡng được hấp thu vào máu, trước khi xuống ruột già.
Tuy nhiên, điểm bất ngờ là sau khoảng 2 giờ đồng hồ, những sợi mì ăn liền vẫn nguyên sợi (hình trái) trong bộ máy tiêu hóa. Điều đó cho thấy, mì ăn liền thực sự khó tiêu và ảnh hưởng lớn tới sự hấp thu dinh dưỡng của chúng ta.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, mì ăn liền còn chứa phụ gia chống oxy hóa tổng hợp TBHQ (tertiary-butyl hydroquinone). Đây là hỗn hợp gồm Mono - tert - butylhydroquinone, t-butylhydroquinone, 2 - (1,1 - dimethylethy) - 1,4 - benzenediol, có công thức phân tử là C10H14O2.
TBHQ được sử dụng rộng rãi trong công nghệ chế biến thực phẩm đặc biệt là những sản phẩm chiên rán như khoai tây chiên, ngũ cốc khô, mỳ ăn liền… Theo đó, loại chất này giúp cho nhà sản xuất bảo quản thực phẩm được lâu hơn.
Khi tiêu thụ thực phẩm chứa TBHQ - chúng sẽ hấp thụ qua đường tiêu hóa và tồn tại trong mô bào - tham gia vào quá trình trao đổi chất và được thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra, việc tiêu thụ quá nhiều TBHQ sẽ gây ra chứng rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp, béo phì, tăng đường huyết... nặng có thể gây chết người.
Việc sợi mì ăn liền dường như vẫn còn nguyên vẹn trong dạ dày sau 2h - khoảng thời gian đủ để TBHQ ngấm vào cơ thể - hẳn sẽ khiến không ít người cảm thấy e dè hơn khi sử dụng loại thực phẩm này.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia khuyến cáo người sử dụng nên cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng thực phẩm nào để tránh việc gây hại cho sức khỏe.
Video dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn cận cảnh hơn về quá trình tiêu hóa mì ăn liền trong dạ dày chúng ta:
Nguồn: Mercola, Youtube, Wikipedia
Video được xem nhiều nhất
Bình luận