Cảm phục chuyện cậu bé sửa giày dép miễn phí cho người nghèo ở Sài Gòn
Afamily -
03/09/2015, 09:19
Những ngày qua, câu chuyện về cậu bé sửa giày với chiếc bảng “Sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác, người khiếm thị” đang làm rung động cộng đồng mạng.
Câu chuyện về cậu bé sửa giày treo tấm bảng "Sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị" do anh Đan Nam chia sẻ đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ của cư dân mạng. Một hình ảnh đẹp về sự tử tế, tấm lòng bao dung của người Sài Gòn, khiến nhiều người thích thú. Cậu bé này sửa giày trên hẻm 49, Nguyễn Đình Chiểu, đối diện với chợ Bàn Cờ.
Cậu bé ấy tên Nguyễn Bá Cường, tên thường gọi là Beo. Nước da đen nhẻm, dáng người nhỏ thó khiến nhiều người gọi nhầm Cường là cậu bé. Nhưng thực ra, năm nay Beo vừa tròn 18 tuổi, ngụ quận 3 (TP.HCM). Cậu vào nghề sửa giày từ 2 năm nay, hiện tại vẫn vừa học nghề vừa sửa. "Nghề này trông đơn giản nhưng khó học lắm. Chỉ riêng công đoạn mài, dán đế giày đã cần nhiều kĩ thuật, sự tỉ mỉ rồi", Beo chia sẻ.
Trước khi đến với nghề này, Bá Cường theo dì phụ bán đồ điện tử ở chợ Nhật Tảo (quận 10). Nghỉ học sớm từ năm lớp 6 vì "em không học được nhà cũng không khá giả", nên sau một thời gian ở nhà chơi thì Cường đi phụ dì. "Nhưng gần nhà em có tiệm sửa giày của thầy Tuần, mở hàng chục năm này nên em hay ghé xem. Nghề này hay nên em thích thú. Thấy vậy, thầy Tuấn mới đồng ý dạy nghề cho em", cậu bé chia sẻ lý do đến với nghề.
Hai năm học và làm nghề, thì khoảng nửa năm nay Beo được người thầy cho dọn ra một vị trí khác để phụ làm việc. Cũng từ đó, cậu bé treo lên sạp mình tấm bảng chữa giày miễn phí. Beo giải thích: "Bảng này là thầy và em cùng làm. Thầy dặn em giúp đỡ những người mưu sinh trên đường phố vì nhiều khi họ không đủ tiền để mua lại một đôi giày đã rách, sửa đôi giày thôi cũng phải suy nghĩ, không đủ tự tin để bước vào sửa giày”.
Ngoài ra, người thầy của Beo còn viết lên dòng chữ "Sống là phải biết lao động mới thành công. Trong cuộc sống, sống thật thà mới thành người được quý trọng". Đó là lời nhắn nhủ, răn dạy của anh Huỳnh Anh Tuấn (40 tuổi) với học trò của mình.
Anh Huỳnh Anh Tuấn và cậu học trò của mình. Chăm chỉ, nhanh nhẹn là những nhận xét về Cường của anh Tuấn.
Từ 8h sáng, Cường bắt đầu một ngày làm việc. Chiếc thùng chứa đồ nghề được cậu gửi nhà người quen được Cường đẩy ra đầu hẻm. Thường, cậu làm việc đến khoảng 4 giờ chiều.
Hình ảnh chàng trai 18 tuổi nhỏ thó sửa giày ở đầu con hẻm 549 đã quá quen thuộc với người dân trong khu vực, nhất là khi có tấm bảng sửa giày miễn phí. Beo cho biết, không phải lúc nào cũng có người khó khăn đến sửa giày dép. Cậu hy vọng, sắp tới sẽ có nhiều người nghèo đến nhờ sửa giày. "Thường họ sửa các lỗi như sứt chỉ, đứt quai, nong đế... Những lỗi nay, giá tiền công khoảng 40 - 80 ngàn. Khi thấy mình miễn phí, họ vui lắm khiến em cũng vui lây".
Mỗi một ngày, Beo sửa được khoảng 7 đôi giày, trong đó có nhiều khách quen. Từ khi câu chuyện về lòng nhân hậu của cậu được đăng tải, số người sửa giày tăng hơn. Cô Phạm Ngọc Thanh (chạy xe ôm) cho biết: "Cả khu này ai cũng quý mến nó. Không chỉ sửa giày mà nhiều khi nó còn cho người ăn xin tiền, dắt người già qua đường, kiếm khách đi xe ôm cho tôi". Còn chú Hiền (người dân trong hẻm) chia sẻ thêm: "Tôi tin tưởng nên hay nhờ nó trông đồ giùm. Lần nào ăn gì, thăng bé cũng gọi mời tôi ăn".
Ông Hứa Cường có dép bị sứt quai nên mang đến nhờ Cường sửa. Sau khi làm xong, Cường nhất định không nhận tiền. "Có những lỗi mình chỉ mất có tí công sức sửa thì có đáng bao nhiêu mà tính tiền chi", cậu nói.
Dù chưa hoàn toàn ra nghề nhưng những chiếc giày Cường đều làm tỉ mỉ và luôn đúng hẹn với khách.
Mỗi tháng được khoảng 3 triệu tiền lương thì cậu đều gửi phần lớn cho cha mẹ, số còn lại chi tiêu tiết kiệm và bỏ ống. "Ba em là nhạc công, thường đi hát cho những đám tiệc, còn mẹ ở nhà lo cho ngoại thôi, ngoại bệnh mấy năm rồi. Em có đứa em trai, nó vẫn còn được đi học. Vì thế, em cũng phải biết tự lập để không phụ thuộc vào gia đình".
Nhiều khi, công việc ở tiệm của anh Tuấn nhiều thì Beo ở lại làm việc đến tối để kịp giao giày cho khách. Bản thân anh Tuấn cũng treo bảng sửa giày miễn phí từ khi mới vào nghề cách đây 22 năm. Nhiều đệ tử cũng học được ở anh tấm lòng thơm thảo.
Xong xuôi đâu đó, cậu lại dọn dẹp gọn gàng nơi làm việc của anh Tuấn trước khi về nhà. Sau giờ làm, Beo cho biết thường ở nhà với gia đình thay vì đi chơi bời. "Buổi tối em hay coi ti vi, lâu lâu thì đi chơi điện tử hoặc phụ việc nhà cho mẹ", cậu cho biết.
Hỏi về dự định, Bá Cường nói chỉ mong sớm ra nghề để làm việc. Mong ước của Cường là gia đình vui vẻ và cậu em trai sớm trưởng thành.
Video được xem nhiều nhất
Bình luận