Cận cảnh đá granite trăm năm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã bị hư hỏng, nứt toác
Mặc dù mới đưa vào sử dụng được hơn 1 năm nhưng đá granite có tuổi thọ trăm năm được lát trên phố đi bộ Nguyễn Huệ đã bị nứt toát, vỡ cạnh, bong tróc ở nhiều địa điểm.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP. HCM) với tổng kinh phí đầu tư 430 tỷ đồng, chính thức đưa vào sử dụng vào cuối tháng 4/2015. Điểm đặc biệt nhất ở con phố đi bộ đầu tiên ở Sài Gòn là phần nền được lát đá granite hiện đại có tuổi thọ khoảng 100 năm.
Tuy nhiên trên thực tế ở nhiều địa điểm tại phố đi bộ, phần đá granite đã bị xuống cấp nghiêm trọng, điều này vô tình làm mất đi cảnh quan của khu phố hiện đại bật nhất Sài Gòn. Trong ảnh một miếng đá bị vỡ và kế bên là miếng đá lắp gần cống thoát nước bị sụp xuống so với mặt nền khoảng 30cm.
Loại đá granite lát trên đường có độ dày 8 cm, trên vỉa hè dày 6 cm đã bị nứt toát sau khi đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay.
Tại khu vực gần các miệng cống thoát nước, vết hở nắp đậy khá lớn và thường nhô lên cao hơn so với bề mặt nền khiến nhiều người đi bộ thường bị vấp.
Phần cạnh đá của một phiến đá granite lát trên phố đã bị vỡ tạo rãnh sâu.
Phần đá bị vỡ một góc tạo rãnh sâu, khi có nước sẽ cuốn rác vào.
Nhiều người dân ra đây dạo chơi thả bộ vào mỗi chiều thắc mắc về tình trạng phố đi bộ xuống cấp khi chưa kịp nghiệm thu. Chị Kim Nhung (quận 1) nói: "Phố đi bộ có xe tải nào vào đâu mà không hiểu sao nắp cống thoát nước bị sụp xuống, đá granite bị vỡ nhiều, bong tróc hết?".
Đá granite vỡ tạo thành một lỗ rộng khoảng 5cm.
Nắp cống trong khu vực đi bộ mặc dù không thường xuyên chống đỡ vật nặng nhưng vẫn xuất hiện nhiều vết nứt bất thường.
Phiến đá bị bong tróc khi không có nhiều tác động từ bên ngoài.
Theo ghi nhận của chúng tôi, có nhiều nắp cống ở khu vực đi bộ và phía phương tiện lưu thông bị nứt nẻ nghiêm trọng.
Hàng loạt đèn led được chôn dưới gốc cây và có rào thép bảo vệ nhưng vẫn bị sụt lún. Kế đó phần cạnh đá granit cũng bị bể, rơi ra ngoài.
Trong khi đó, lớp đá được lát tại phần đường có phương tiện lưu thông cũng bị sụt lún và bong tróc phần cạnh.
Theo nhiều người, có thể lớp đá lát ở đây không chịu được sức ép của nhiều phương tiện lưu thông thường xuyên nên bị sụt lún.
Phần hố ga bị trồi lên giữa con đường đi bộ gây nguy hiểm cho trẻ em nếu không để ý vấp phải.
Sẽ khắc phục tình trạng đá nứt ở phố đi bộ
Trước sự việc đá granite bị hư hỏng xuống cấp, ông Nguyễn Vĩnh Ninh – Giám đốc Khu quản lý đô thị số 1, đơn vị quản lý phố đi bộ Nguyễn Huệ (Sở GTVT TP. HCM) cho biết đã nắm được thông tin trên và thừa nhận đá granite đã bị hư hỏng ở một số vị trí trên phố đi bộ. Khu quản lý đô thị số 1 đã yêu cầu các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát tiến hành kiểm tra đánh giá mức độ hư hỏng của toàn công trình sau đó sữa chữa nhanh chóng và đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu.
Cũng liên quan đến sự việc trên, về phía đơn vị tư vấn thiết kế phố đi bộ, ông Huỳnh Xuân Thu - Giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch (Sở Quy Hoạch - Kiến Trúc TP. HCM) cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đá granite bị bong tróc có thể do đơn vị thi công quá vội để kịp tiến độ bàn giao nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo.
Video được xem nhiều nhất