Bóng hồng gốc Việt quyền lực của Google
Sinh ra và lớn lên tại Pháp, Sophie Trần được tiếp nhận cả nền văn hóa Pháp lẫn Việt, nên ở cô là sự tổng hòa thú vị giữa Âu-Á trong tính cách.
Còn trong công việc, với vai trò Giám đốc Tiếp thị cho thị trường Việt Nam, Sophie mang trong mình tố chất “Googley” chính hiệu, như cách nội bộ Google vẫn dùng để chỉ những người không ngừng sáng tạo, tràn đầy năng lượng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, vui tính và khiêm tốn...
- Ở Google, chị có cơ hội làm những gì cho người Việt Nam?
- Nhiệm vụ của tôi là đánh giá thị trường và hiểu rõ nhu cầu của người Việt, để tạo ra những chương trình, giải pháp tốt nhất cho cuộc sống của họ, thông qua các công cụ của Google.
Tôi luôn đặt ra trách nhiệm phải làm điều gì đó cho Việt Nam. Hơn hai năm qua, cùng với Google, tôi đã thực hiện một vài dự án dành cho Việt Nam, và các dự án này vẫn đang diễn ra khá tốt.
Ví dụ năm ngoái, Google tổ chức chiến dịch "Doodle 4 Google" lần đầu tiên tại Việt Nam, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam vẽ nên ước mơ của mình thông qua hình ảnh doodle, và từ đó khuyến khích các em không ngừng mơ ước.
Hình ảnh đạt giải sẽ xuất hiện trên trang chủ Google để cả thế giới cùng chiêm ngưỡng. Gần đây nhất là chiến dịch “Yêu lắm tiếng Việt ơi!," ra mắt Cộng đồng Google Dịch tại Việt Nam. Để mọi người có thể sử dụng một chức năng mới trong công cụ Google Dịch, cùng đóng góp cải thiện và nâng cao chất lượng của những bản dịch tiếng Việt trực tuyến.
Chiến dịch góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, để mọi người Việt đều có thể dễ dàng tiếp nhận kho kiến thức khổng lồ của thế giới.
- Giải quyết các thử thách khi làm việc ở một tập đoàn tên tuổi với toàn những bộ óc lớn là điều hiển nhiên. Nhưng chị có thấy điều gì là dễ dàng ở đó không?
- Google tuyển dụng những người tài và thông minh bậc nhất thế giới, với cùng một mục tiêu là thực hiện các dự án mang tính thử thách cao, làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Khi thi tuyển vào Google và những ngày đầu làm việc, tôi khá lo lắng và bối rối.
Tuy nhiên, sau khi thật sự bắt tay vào việc, mọi thứ lại khá dễ dàng, nhờ văn hóa và môi trường làm việc vô cùng thoải mái.
Google chấp nhận từng cá nhân với những khác biệt của riêng họ, và ai cũng có được sự tự do để sáng tạo.
Không ai đánh giá hay đòi hỏi bạn phải chỉn chu hay hợp mốt. Thêm một điều là tôi đã có gia đình và hai con nhỏ, làm việc ở Singapore, nhưng lại chịu trách nhiệm thị trường Việt Nam nên phải thường xuyên di chuyển.
Tuy nhiên, mọi thứ đều được cân bằng dễ dàng, nhờ văn hóa của công ty. Bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào.
- Những ý tưởng táo bạo và khả thi cũng là thước đo năng lực, đặc biệt trong môi trường luôn cần sáng tạo. Chị đã từng có quyết định nào được cho là táo bạo?
- Chịu trách nhiệm thị trường Việt Nam là một điều rất thú vị, nhưng cũng đầy thử thách. Bạn có thể thấy tất cả những chương trình mà Google mang đến Việt Nam trong thời gian qua đều là lần đầu tiên.
Vì vậy, có thể nói, mỗi quyết định của tôi đều có sự táo bạo riêng. Táo bạo nhất cho đến lúc này là việc mang sự kiện “Think app with Google" vào Việt Nam, diễn ra vào tháng 12/2014, với sự tham gia của hơn 500 nhà phát triển ứng dụng Việt.
Đây là sự kiện tầm quốc tế, Việt Nam là quốc gia thứ hai, ngay sau Mỹ được Google lựa chọn để tổ chức.
Để mang được chương trình về Việt Nam, tôi phải thuyết phục rất nhiều nhân viên cấp cao tại Google, rằng Việt Nam đã sẵn sàng và có đủ tiềm lực.
Việt Nam có cơ sở hạ tầng Internet phát triển, lượng người sử dụng chiếm hơn 1/3 dân số, lượng sử dụng điện thoại thông minh cao và tăng gần 100% hàng năm…
Sau đó, tôi còn phải làm việc với các chuyên gia hàng đầu của Google từ Mỹ, châu Âu, Úc, và mời họ đến Việt Nam.
Rất vui khi tự họ có thể nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam. Điều quan trọng nhất là sự kiện này giúp các nhà phát triển ứng dụng tại Việt Nam tiếp cận được những nguồn thông tin thú vị, bổ ích, nắm được các kỹ năng cần thiết để phát triển nhiều ứng dụng hay, và mang chúng đến với người dùng Việt Nam cũng như thế giới.
- Chân dung của chị có bao gồm tính từ "tham vọng"?
- Nếu trong công việc là có. Tôi về Việt Nam với nhiệm vụ và cũng là mong ước có thể làm thay đổi cuộc sống của nhiều người theo chiều hướng tốt hơn, nên có thể xem đó là một tham vọng.
- Chị đặt những kỳ vọng gì ở Google tại thị trường Việt Nam trong vài năm tới?
- Xuất phát từ kim chỉ nam của Google là “Sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin này trở nên hữu dụng, có thể truy cập trên toàn cầu”, tôi rất mong tại Việt Nam, ai cũng có thể tiếp cận những nguồn thông tin hữu ích một cách dễ dàng.
Tiếp đến, tôi mong các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam sẽ tạo ra ngày càng nhiều ứng dụng, công cụ hay cho người dùng trong nước và cả thế giới.
Tôi rất muốn được thấy nhiều câu chuyện thành công đến từ Việt Nam, như hiện tượng Flappy Bird.
Thứ ba, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận và tận dụng công nghệ để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển công ty ngày càng lớn mạnh, và tiếp cận với ngày càng nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
- Cho dù thành công đến mấy ngoài xã hội, người phụ nữ trong gia đình cũng chỉ nên “đứng sau” chồng, chị có nghĩ như thế?
- Là người khá mạnh mẽ nhưng tôi nghĩ mình luôn cần cố gắng hỗ trợ chồng hết mình trong công việc cũng như cuộc sống.
Ngược lại, tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ tương tự từ chồng. Khi cần, tôi sẽ lùi bước, sẵn sàng đứng sau anh ấy. Và ngược lại, anh ấy cũng vậy.
May mắn, niềm vui của chồng tôi là nếu thấy vợ vui, anh ấy cũng sẽ vui, như triết lý trong phim "Rio": “Happy wife, happy life."
- Những đứa trẻ của chị được dạy điều gì là quan trọng?
- Trước hết, phải công bằng. Tôi rất sợ sự ích kỷ. Thứ hai là phải tự tin, đừng sợ hãi. Tiếp đến là sự rộng lòng, biết chia sẻ và cho đi.
- Chị đề cao điều gì của một gia đình?
- Chồng tôi là người Việt Nam “chính hiệu." Lúc mới về nhà chồng, tôi là một cá thể với tính cách hoàn toàn khác biệt, vì vốn đã quen với phong cách sống ở Pháp, từ cách chào hỏi cho đến những thói quen hàng ngày.
Tuy nhiên, mọi người đã đón nhận tôi một cách rất nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Đó chính là nhờ sự tôn trọng.
Trong gia đình tôi, từ lớn đến nhỏ đều rất tôn trọng nhau. Chính vì vậy, đối với tôi, điều quan trọng cần được đề cao nhất trong một gia đình là sự tôn trọng.
Điều này giúp mọi người có thể cảm thông, thấu hiểu và hỗ trợ nhau tốt nhất trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.
Video được xem nhiều nhất