Bộ tranh dễ thương giải nghĩa những từ không có trong từ điển
Bộ tranh minh họa những từ không có nghĩa trong từ điển của một nghệ sĩ người Anh đã gây thích thú cho cộng đồng mạng.
Trong tiếng Anh có khoảng một triệu hai mươi lăm nghìn một trăm lẻ chín từ. Tuy nhiên, có một số từ ở ngôn ngữ khác không có nghĩa trong tiếng Anh, dùng để miêu tả lại cảm xúc hay những tình huống ngẫu nhiên.
Một nghệ sĩ người Anh, Marija Tiurina, đã tạo ra một bộ tranh với tên gọi “những từ ngữ không thể giải nghĩa”. Bộ tranh gồm 14 bức hình với 14 từ minh họa và truyền đạt chi tiết ý nghĩa của những từ trên mà không có bất cứ từ tiếng Anh nào có thể diễn tả được.
Cafuné là một từ trong ngôn ngữ Brazil – Bồ Đào Nha, có nghĩa là hành động luồn những ngón tay nhẹ nhàng vào mái tóc của một người con gái.
Tất cả những gì bạn có thể dùng để trét lên một miếng bánh mì từ dưa chua, ô liu, cà chua, pho mát, bơ, thịt gà, rau xanh, khoai tây và hàng tỉ tỉ thứ khác đều được gọi chung là “Palegg”. Từ này có xuất xứ từ Na Uy.
Từ Gufra có xuất xứ từ Ả Rập ám chỉ đến lượng nước bạn có thể giữ trong đôi tay mình.
Có những cô gái khi nhìn phía sau thì trông rất đẹp nhưng ngay khi nhìn thấy gương mặt họ thì tất cả mọi ấn tượng về vẻ đẹp trước đó của bạn đều tan biến. Và ở trong tiếng Nhật, người ta dùng từ Baku-Shan để chỉ những cô gái xinh đẹp khi nhìn từ sau và có nhan sắc khiêm tốn khi nhìn trực diện.
Một sáng thức dậy, bạn loạng choạng chưa tỉnh ngủ làm vỡ chiếc ly ở đầu giường, vào nhà tắm lại bị trượt chân té, khi đi ra ngoài thì trời đang nắng bỗng mưa ầm ầm. Bạn luôn luôn phải chịu đựng hàng tá thứ không may mắn nối tiếp nhau. Vậy thì chắc chắn bạn là một "Schlimazl", một từ mà những người Do Thái ở miền Trung và miền Đông Châu Âu dùng để nói về những người luôn luôn kém may mắn.
Trong tiếng Tây Ban Nha, từ Duende dùng để diễn tả một cảm giác bí ẩn mà nghệ thuật mang đến cho bạn khi bạn cảm thấy tim đập nhanh hơn vì một bản nhạc nào đó hoặc bất chợt bạn cảm nhận được ý nghĩa sâu xa trong một bức tranh vẽ. Khoảnh khắc đó được gọi là "Duende".
Thêm một từ trong tiếng Nhật không được giải nghĩa trong từ điển tiếng Anh. Ắt hẳn là bất cứ ai cũng phải trải qua chuyện này một lần trong đời, khi chúng ta hăm hở đi cắt tóc với ước mơ sẽ có được một quả đầu đẹp nhưng sau khi cắt tóc xong thì ôi thôi, chỉ muốn giấu mặt đi mà thôi. Và trong trường hợp đó, người Nhật sẽ dùng từ "Age-Otori" (người trông xấu hơn sau khi cắt tóc để gọi bạn).
Có vẻ như người Nhật có khá nhiều từ không được giải nghĩa trong tiếng Anh. Họ thường dùng từ "Kyoikumama" để chỉ những người mẹ không ngừng đốc thúc, bắt ép con mình học hành cả ngày lẫn đêm.
"L’appel Duvide" trong tiếng Pháp có nghĩa đen là tiếng gọi từ khoảng không nhưng nó cũng được sử dụng để miêu tả khoảnh khắc một người nào đó bất chợt muốn nhảy xuống từ một nơi thật cao theo bản năng của mình.
Lại một từ không giải nghĩa được của người Do Thái ở miền Trung và miền Đông Châu Âu, "Luftmensch", chỉ những cô gái luôn luôn mơ mộng với tâm hồn treo lửng lơ ở tận chân trời.
Trong tiếng Thụy Điển, “tar” có nghĩa là một cốc cà phê còn “patar” có nghĩa là thêm cà phê. Vậy nên bạn có thể hiểu "TreTar" có nghĩa là châm đầy cà phê lần thứ 2 hoặc châm đầy cà phê lần thứ 3.
Torschlusspanki trong tiếng Đức còn có thể hiểu là “nỗi sợ mất cơ hội”, là một nỗi lo sợ khi bạn đánh mất những cơ hội và sợ hãi sẽ hoàn toàn mất đi những cơ hội trong cuộc sống.
Có bao giờ bạn cảm thấy vui vẻ trước những những nỗi bất hạnh của người khác? Cảm giác tội lỗi này trong tiếng Đức được gọi là "Schadenfreude".
Bạn muốn đem hết những món đồ bạn yêu thích ở nhà một người bạn về nhà của mình. Bạn hỏi mượn chúng và cố tình quên mất phải trả lại cho bạn mình. Hành động này trong tiếng địa phương của những người dân sinh sống ở đảo Easter được gọi là “Tingo”.
Video được xem nhiều nhất