Bất ngờ thú vị khi trải nghiệm "Ngày độc thân" 11-11 ở Trung Quốc
Ngoài khoản mạnh tay chi tiền mua sắm, Ngày độc thân ở Trung Quốc còn có rất nhiều hoạt động thú vị bất ngờ khác nữa dành cho những người chưa có đôi có cặp.
Những ngày gần đây, truyền thông thế giới đã thực sự choáng váng trước công tác chuẩn bị hàng hóa cũng như sức mua khủng khiếp trong ngày Ngày độc thân (11/11) của người Trung Quốc. Vào ngày này, mọi người thường đổ xô đi mua sắm và ăn chơi thả ga cùng bạn bè với ý nghĩ rằng: coi như đó là ngày chưa có đôi có lứa cuối cùng của mình.
Ngày độc thân do những sinh viên đại học cao đẳng Trung Quốc khởi xướng từ những năm 1990. Ngày này là một phiên bản của ngày Valentine dành cho những người chưa có người yêu. Tuy nhiên, cho đến năm 2009, nhờ sự ra tay của tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng Alibaba thì nó đã gần như được đổi tên thành ngày hội mua sắm trong lòng những người dân nước này.
Vậy ngày "song thập nhất" thực sự có ý nghĩa như thế nào và ngoài mua đồ thì các bạn trẻ còn làm gì thêm nữa?
Ăn 4 chiếc quẩy nóng lúc vừa thức dậy ngày 11/11
Khi vừa mới tỉnh giấc vào buổi sáng ngày độc thân, các bạn trẻ sẽ ăn 4 chiếc quẩy nóng tượng trưng cho 4 số 1 để cầu mong năm nay mình sẽ không còn cô đơn nữa. Sau đó, họ sẽ ăn món bánh hấp thập cẩm cũng chẳng vì điều gì mà chỉ đơn giản là nó biểu trưng cho một ngày đặc biệt.
Đi hẹn hò
Có hai cách để một người độc thân đi hẹn hò. Một là cùng bạn bè đi ăn uống và coi như đây là dịp kỷ niệm ngày còn một mình cuối cùng trong đời dù không biết sang năm có rơi vào tình trạng vẫn y nguyên hay không. Hoặc hai là đi xem mắt nhờ các công ty hay cơ sở mai mối.
Trung Quốc từng là một xã hội không có văn hóa hẹn hò. Không có chuyện từ hẹn hò chuyển thành một mối quan hệ. Bạn sẽ gặp gỡ người bạn có thể kết hôn, hoặc bạn sẽ không bao giờ gặp họ nữa. Đó là sự lựa chọn giữa không có gì hoặc là tất cả. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của văn hóa và nhận thức thì giới trẻ ngày nay coi chuyện hẹn hò là điều hết sức bình thường thậm chí trở thành một dịch vụ nóng hôi hổi.
Để mong rằng sang năm mình sẽ có đôi có cặp thực sự.
Gây gổ với tình địch
Nếu không đi hẹn hò, một số chàng trai có việc khác để làm ví như việc tìm đến người mới của bạn gái đã chia tay để gây chuyện.
Đây có thể không được coi là nét văn hóa đẹp nhưng theo trang Baidu Baike, một số bạn trẻ Trung Quốc còn sùng con số song thập nhất này đến nỗi lên xe buýt số 11 cùng với người yêu mới của bạn gái cũ và gây gổ với anh ta để kỷ niệm một ngày đẹp trời. Không có nhiều người ủng hộ cách hành xử này bởi cho rằng nó quá bạo lực và không được đàn ông cho lắm.
Chuẩn bị tiêu tiền mỏi tay
Single Day ở Trung Quốc thực sự đã mạnh thành cơn bão thổi bay cả Black Friday hay Cyber Monday ở Mỹ về độ chịu chi. Các bạn trẻ trong ngày này sẽ tha hồ vung tiền mua sắm, ăn uống, vui chơi ở các tụ điểm công cộng. Nhiều nhà hàng tại thời điểm này đã phải treo biển hết chỗ từ lúc còn rất sớm do lượng khách ùa về quá đông.
Ước tính, mỗi người sẽ tiêu hết tối thiểu là khoảng 277 đô la (khoảng gần 6 triệu đồng) cho dịch vụ ăn uống trong ngày này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng con số đó còn là quá ít bởi để chúc mừng cho bản thân và những người bạn của mình thì phải chi mạnh tay hơn nữa mới xứng đáng.
Ngày hôm nay, trên khắp các trang mạng đều đăng tải thông tin về hãng thương mại điện tử Alibaba thu về bộn tiền khi chỉ trong 8 phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày 11-11, người tiêu dùng đã chi ra 1 tỉ USD mua sắm trực tuyến. Một số hãng thương mại điện tử khác cũng có doanh thu cao không kém với những chương trình khuyến mại vô cùng hấp dẫn.
Người nước ngoài ở Trung Quốc thì cho rằng, Single Day chính là ngày để đi shopping đến khi nào không xách được túi nữa thì thôi và họ cũng cảm thấy khá vui về điều này.
Nguồn: TH
Video được xem nhiều nhất