Ái ngại đi họp lớp vì bạn thích khoe mẽ
Họp lớp là dịp để một số người được khoe mẽ về nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con ngoan...
Tuy nhiên, bên trong buổi gặp gỡ đồng môn ấy cũng có những câu chuyện cá nhân khiến không ít người ngán ngẩm. Nhiều người cho rằng, trong thời buổi chất lượng cuộc sống đi lên thì “văn hóa họp lớp” lại ngày càng đi xuống với những trò khoe mẽ, “nổ dài” cùng hàng loạt các sắc thái như: e dè, ganh tị, xỏ xiên…
Họp lớp là dịp khoe chồng giỏi con khôn…
Và đó còn là cơ hội cho các “thánh nổ” khoe nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con ngoan. Chính bởi vậy, những người có sự nghiệp và cuộc sống không như ý muốn thường e dè với những buổi họp lớp cuối năm. Chị Phạm Thị Trang (Hải Dương, hiện đang là tế toán xây dựng tại Hà Nội) là một trong những trường hợp như thế.
Nhiều người không muốn tham gia họp lớp vì sợ phải... chạnh lòng (ảnh minh họa)
Lớp đại học của chị Trang thường tổ chức họp mặt vào đầu tháng 12 hàng năm bởi, đó là thời điểm mọi người chưa quá bận rộn với những buổi tất niên, tổng kết cá nhân nên dễ dàng sắp xếp thời gian đến dự họp lớp.
Vốn là lớp trưởng, lại là người năng động, nhiệt tình trong các hoạt động chung nên 5 năm ra trường cũng là 5 lần, chị đứng lên kêu gọi mọi người gặp gỡ để hàn huyên, ôn lại chuyện xưa.
Tuy nhiên, những lần họp lớp gần đây, chị không còn sự hào hứng, mong đợi như trước kia bởi những câu chuyện được kể càng ngày càng nhạt.
“Các bà mẹ trẻ cứ hễ gặp nhau là sà vào “khoe” chuyện chồng, con, của cải. Nào là chồng đẹp, chồng giỏi, con ngoan, nhà chồng tâm lý, được chiều chuộng, được đi du lịch, nghỉ dưỡng sang trọng… Người này chưa kịp nói xong, người kia đã hùa vào kể như sợ hết giờ. Cuối cùng, chỉ có người nói chứ chẳng có mấy người nghe”, chị Trang ngán ngẩm.
Là lớp trưởng, chị tự ý thức rằng, phải gạt bỏ cái tôi để tạo không khí vui vẻ cho mọi người, dù cũng không ít lần chạnh lòng vì hoàn cảnh bản thân. Cả hai vợ chồng chị đều làm kế toán, vừa ổn định công việc nên chưa có điều kiện mua nhà, đi du lịch… cố gắng lắm cuộc sống mới bớt phần chật vật. Nghe các bạn nữ khác nhộn nhịp “khoe mẽ”, chị cũng vài phần tủi lòng.
Thay vì hàn huyên, tâm sự, lắng nghe, chia sẻ, nhiều người lại coi họp lớp là dịp để "nổ" (ảnh minh họa)
“Phụ nữ lấy chồng may hơn khôn, không ai nói trước được điều gì. Cái phút chạnh lòng ấy với tôi cũng thoáng qua thôi nhưng tôi thấy rõ được điều này trong mắt nhiều bạn nữ khác nữa. Họ không bằng bạn bằng bè, đã không được hỏi han, chia sẻ lại còn phải ngồi nghe cả tràng khoe mẽ, có ai mà không khó chịu. Nhiều người chỉ dự họp lớp năm nhất, năm hai rồi sau này không bao giờ thấy có mặt nữa. Có người chia sẻ với tôi: “Mang tiếng là họp lớp mà giống như buổi khoe của của mấy người nhà giàu, cậu bảo những người nghèo như tớ đi làm gì, có nói được câu nào đâu”. Tôi nghe xong mà thấy bất lực, chẳng lẽ trong khi kêu gọi hợp lớp phải đề ra quy định “cấm khoe””, chị Trang giãi bày.
Không chỉ phái nữ vốn mang tiếng lắm lời mà ngay cả cánh đàn ông cũng tranh thủ vài tiếng họp lớp để khoe cái vai trò “trụ cột” gia đình, xã hội của mình.
Anh Trần Văn Tuấn (Hà Nội) đã quá quen thuộc với cảnh tâng bốc lẫn nhau của một vài “vị” lắm tiền nhiều của, chức cao trong buổi họp lớp. Anh chia sẻ, luôn muốn mọi người gặp gỡ nhau theo cách bình dị nhất nhưng chưa bao giờ được như ý.
“Người thì nói về căn hộ sang trọng mới mua, người thì kể về dự án tiền tỷ. Họ chia sẻ niềm vui với mọi người cũng dễ hiểu thôi nhưng đôi khi cốc bia, chén rượu vào lại cứ bốc quá lên khiến người nghe rất khó chịu”, anh chia sẻ.
Họp lớp cũng cần bản lĩnh
“Nghe có vẻ hơi “nâng cao quan điểm” nhưng đây là sự thật. Ngay bản thân tôi, nếu không nghĩ thoáng và bản lĩnh một chút thì có lẽ, cũng thôi kêu gọi họp lớp từ lâu rồi. Chẳng dại gì mà tự nhiên, đang yên đang lành lại đi gặp mấy bà nhiều tiền của khoe mẽ rồi lại thấy chạnh lòng, trống trải”, chị Trang tâm sự.
Để họp lớp được vui vẻ cũng cần có... bản lĩnh (ảnh minh họa)
Nhưng so với chút cảm giác tủi thân và khó chịu thoáng qua đó, chị Trang lại cảm thấy, tình cảm bạn bè là điều quan trọng hơn. Ngoài một nhóm người mải mê khoe khoang vẫn còn nhiều thành viên thực sự muốn quan tâm và chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống. Sau một vài phút bỡ ngỡ, chị nhanh chóng lấy lại sự thăng bằng, hòa vào niềm vui chung, mà để làm được điều đó thì cần có bản lĩnh.
“Mỗi người có một giá trị riêng, một nỗi niềm riêng, nhìn vào vẻ bề ngoài, nghe vài câu nói không thể đánh giá hết được. Nhiều người hồi đi học giỏi lắm, thành tích cao lắm nhưng giờ cũng chỉ đủ sống. Nhiều bạn khi xưa chơi nhiều hơn học giờ lại giàu có, nhà lầu, xe hơi. Cuộc sống mà, đôi khi may hơn khôn. Sinh ra cái buổi họp lớp là để mọi người có cơ hội chia sẻ với nhau những điều đó, tuy nhiên, chỉ nên chia sẻ thật ôn hòa, bình dị thôi thì mới thấm được”, chị Trang tâm sự.
Rào cản của mỗi người đối với chuyện họp lớp đôi khi không phải là tiền nong, khoảng cách xa xôi mà chính là tâm lý e ngại. Buổi gặp gỡ đồng môn chỉ thực sự ý nghĩa khi mỗi người đến dự bằng sự chân thành, lắng nghe và sẻ chia. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.
Video được xem nhiều nhất