9X quyết làm lính cứu hỏa đến hơi thở cuối cùng
Bị lửa thiêu, nhiễm khói độc, ho ra đờm đen... là những tai nạn thường gặp của lính cứu hỏa. Mặc dù vậy, tình yêu với nghề vẫn giúp các chiến sĩ trẻ vững vàng vượt qua.
Công việc thầm lặng, ít người biết đến
“Mặc bộ trang phục của lính cứu hỏa, nhiều người không biết tưởng nhầm mình là công nhân vệ sinh môi trường. Hơi chạnh lòng nhưng mình tự hào về công việc thầm lặng này ” - Minh Tuấn (sinh năm 1993, công tác tại đội 3 phòng cảnh sát PCCC số 2) tâm sự.
Anh cho hay, nghề phòng cháy chữa cháy được người dân quen gọi là lính cứu hỏa hay lính 114. Để đứng trong hàng ngũ của người công an nhân dân, người lính PCCC phải trải qua những ngày tháng rèn luyện gắt gao.
Minh Tuấn cho biết: "Mình từng vượt qua các khóa huấn luyện, kiểm tra mới có mặt trong hàng ghế dự bị của đội PCCC. Ngoài kiến thức về sơ cứu, trấn tĩnh tâm lý cho người bị nạn, chúng mình còn thực hành nhiều giờ liền ở thao trường nắng gắt. Có đêm đang ngủ cũng phải bật dậy vì có lệnh báo cháy”.
Những người lính cứu hỏa không quản ngày đêm lao vào biển lửa cứu người. Ảnh: Anh Tuấn |
Rèn luyện gian khổ, nhưng khi trực tiếp bước vào cuộc chiến với lửa, nhiều bạn trẻ mới thấy được sự vất vả của nghề.
“Ngày đầu đi làm nhiệm vụ, mình hào hứng lắm, song không ngờ ngọn lửa nguy hiểm thế. Trận cháy lớn, sức nóng của lửa mạnh đến mức rát cả người, dù đứng cách xa hàng chục mét. Càng vào trong, mình càng cảm nhận được khí nóng, khói mù mịt. Mình cũng như rất nhiều anh em khác đều bị lửa thiêu bỏng da, cháy mặt…” - Tuấn nói.
Trong đợt bão lũ vừa qua, chàng trai sinh năm 1993 cùng đồng đội phải túc trực 24/24, sẵn sàng chiến đấu trước mọi tình huống. Có ngày, các anh phải ứng cứu 6 ca cháy nổ, kiêm luôn công tác cứu hộ cứu nạn, đưa người dân vượt qua vùng nguy hiểm.
Sẵn sàng chiến đấu ngay cả khi ngủ
Nghề lính cứu hỏa đòi hỏi các chiến sĩ trang bị cho mình cái đầu lạnh, biết xử lý nhanh nhạy trong mọi tình huống.
Minh Tuấn cho hay, chỉ cần có lệnh báo động, tất cả anh em phải tập hợp sau một phút và sẵn sàng lên đường. Sự khẩn trương trong công việc là điều tất cả lính cứu hỏa đều ghi nhớ.
Tuấn kể, chuyện dở khóc dở cười khi làm lính cứu hỏa "nhiều như cơm bữa". "Có lần, mình vừa dập xong một đám cháy, quần áo lấm lem, vừa vào tắm, gội thì nhận được lệnh báo. Mình nhanh chóng lao ra xe, tiếp tục ứng cứu người dân. Khi làm xong nhiệm vụ, mình mở mũ, thấy đầu trắng xóa bọt xà bông. Còn cậu bạn đang đi chơi, nhận được lệnh cũng bỏ người yêu giữa đường...”.
Công việc gian khổ nhưng Minh Tuấn (ngoài cùng bên phải) và đồng đội luôn vui vẻ, lạc quan. Ảnh: NVCC. |
Giống như Tuấn, chàng trai có nick name N.H.C (đội PCCC Thanh Trì, Hà Nội) và nhiều đồng nghiệp khác cũng lên đường khi bữa cơm, giấc ngủ còn dang dở.
9X tâm sự: “Hôm nào may mắn ăn cơm xong mới có kẻng báo động, không thì anh em đi chữa cháy với cái bụng rỗng tuếch”.
Những người lính cứu hỏa phải trực chiến 24/24, cả 7 ngày một tuần, 12 tháng trong năm. Mùng 1 Tết năm ngoái, Minh Tuấn đang quây quần bên bạn bè, người thân nhận được lệnh triệu tập. Anh nhanh chóng lên đường đến hiện trường.
“Chứng kiến cảnh người dân thoát chết trong gang tấc ngay ngày đầu năm, mình thấy sự sống này ý nghĩa lắm” - chàng trai sinh năm 1993 chia sẻ.
Với một người lính PCCC, tình đồng đội, đồng chí là điều luôn được đề cao. Ngoài ra, sức khoẻ dẻo dai, tinh thần thép là những yếu tố quyết định thành công trong nghề.
Cái chết luôn được báo trước
Hầu hết các chiến sĩ trẻ đều thừa nhận, công việc họ đang làm rất nguy hiểm. Việc chữa cháy trong những công trình sắp sập, tầng hầm, có chất nổ hoặc mạng lưới dây điện không an toàn… đồng nghĩa đối mặt với cái chết.
Đức Anh (sinh năm 1995, công tác ở phòng cảnh sát PCCC số 2) chia sẻ: “Trong một lần chữa cháy tại ngôi nhà cổ, mình bị mái tôn sập đè trúng chân sau. Ngay sau khi dập tắt cháy, đồng đội hỗ trợ đưa mình đến bệnh viện điều trị”.
May mắn hơn Đức Anh, suốt 2 năm bám trụ với nghề, Minh Tuấn chưa gặp tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, chàng trai sinh năm 1993 buồn bã bày tỏ: “Mình từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ. Hình ảnh ấy là nỗi đau âm ỉ mình không bao giờ quên”.
Đức Anh khống chế lửa dưới tầng hầm trong trận cháy khu đô thị Xa La vừa qua. Ảnh: Huy Toàn. |
Ngoài việc bị lửa thiêu, cháy da, bỏng người… nhiều chiến sĩ PCCC còn bị khói độc tràn vào phổi làm nước mũi đen sì, ho ra đờm đen, máu tươi.
Khó khăn là thế nhưng các chiến sĩ PCCC trẻ chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. “Từ nhỏ, mình đã mơ ước trở thành lính cứu hỏa. Mình luôn tâm niệm, sống chết có số. Bởi vậy trong những trận chiến với lửa, mình vẫn sẵn sàng đối mặt với tử thần” - Đức Anh nói.
Minh Tuấn cho hay: “Anh em chúng mình luôn trêu nhau sau này không kết hôn để đỡ làm khổ vợ, khổ con. Nghề này vất vả, nhưng mình đã dành trọn tình yêu cho nó nên sẽ theo đuổi và gắn bó đến hơi thở cuối cùng".
Một trong những động lực lớn nhất giúp các chàng trai vượt qua mọi khó khăn là nụ cười hạnh phúc của những người dân được cứu sống từ biển lửa.
Đức Anh nhớ mãi lần chữa cháy ở khu Thái Hà vào mùa đông năm ngoái: "Khi mình đến hiện trường, lửa bốc cao dữ dội, trong nhà chỉ có hai mẹ con. Để bảo vệ con mình, người mẹ đã lấy thân che chở và bị bỏng rất nặng.
Sau khi phá được cửa sổ, mình và đồng đội đưa bé lên sân thượng, sau đó quay trở lại khiêng người mẹ ra ngoài. Rất may, hai mẹ con đều bảo toàn được tính mạng".
Video được xem nhiều nhất