9X giơ bảng xin việc giữa đường: Đáng thương hay đáng trách?

Zing - 19/08/2015, 14:08

Hành động đứng ngoài đường giơ tấm bảng xin việc để mua sữa cho con của tân cử nhân đại học P.H.N không nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận.

Hành động ăn vạ xã hội?

Ngày 17/8, ông bố 9X tên là P.H.N (sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh, tân cử nhân Đại học Điện lực) cầm tấm bảng đứng giữa đường ở gần ngã tư đường Láng, Hà Nội xin việc để mua sữa cho con. 

Tấm biển ghi: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. Liên hệ: ...”.

Tấm biển xin việc của tân cử nhân P.H.N.

Hành động này nhận được nhiều phản hồi của độc giả. Phần lớn ý kiến bình luận chỉ trích cho rằng một thanh niên học đại học và đã làm chồng, làm bố thì không nên có hành động như vậy. Nhiều ý kiến còn cho rằng, đây không chỉ là hành vi cá nhân mà còn là sản phẩm của một nền giáo dục yếu kém.

Có thông tin cho rằng, chỉ sau một ngày ra đường xin việc và trở nên "nổi tiếng" trên mạng, N. đã bị sức ép dư luận cũng như gia đình, bố của N. đã bắt cậu về quê, không cho lên Hà Nội làm dù sau đó đã có 2 nơi có ý định nhận N. vào làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, về hành động xin việc này của "ông bố 9X này", GS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng: “Tôi thấy đây là một cách xin việc của cậu thanh niên, nhưng tôi đang tự hỏi sao chưa có việc làm, chưa có thu nhập mà lại quyết định lấy vợ, sinh con?  Theo tôi, người ta chỉ nên làm bố, làm mẹ khi đã có điều kiện nuôi dạy con. Nếu chưa thể nuôi con thì sinh con ra sẽ rất có lỗi với chúng".

“Công việc hiện nay không phải dễ kiếm nhưng cũng có những việc làm phổ thông, làm công nhân mà mình có thể tự xin việc được. Hơn nữa, tìm việc là một việc làm thường xuyên, chưa có việc mình thích, phù hợp với ngành học thì cũng phải có việc gì đó để kiếm sống” - Gs. Văn Như Cương chia sẻ.

Trước cách xin việc của anh sinh viên mới ra trường, TS Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (nguyên giảng viên Đại học Sư phạm I) cho rằng, hành động của cậu thanh niên này chẳng khác nào hành vi ăn vạ xã hội. Sinh viên ra trường rồi nhưng vẫn hành động rất thiếu hiểu biết.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Quý, hành động của cậu thanh niên thể hiện con người thiếu bản lĩnh ở lứa tuổi đó. Theo luật pháp, 20 tuổi là có quyền lấy vợ sinh con nhưng nhìn về bản lĩnh và độ trưởng thành ở người thanh niên này thì chưa đủ. 

“Anh phải hiểu rằng nếu điều kiện kinh tế bố mẹ có đảm bảo, mình có là trụ cột được không thì anh mới nên có con. Cứ sống theo bản năng thế, khi đẻ con ra không có một đồng để mua sữa thì lại có hành vi như vậy.

Nếu rơi vào hoàn cảnh bi đát, cậu ta có thể đi bán hàng rong, có thể làm bất cứ việc gì để nuôi sống bản thân anh và gia đình. Khi tấm bằng không giúp anh xin được việc thì anh có thể làm bất cứ việc gì. Như thế mới thể hiện bản lĩnh sống của một người trưởng thành” - TS Nguyễn Thị Kim Quý chia sẻ.

Nhiều quan niệm về học của người Việt còn lạc hậu

Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc của ông bố 9X ra đường trưng biển xin việc cho con không chỉ nói lên hành vi cá nhân mà còn thể hiện được một phần nào đó về chất lượng đào tạo đại học hiện nay.

GS. Văn Như Cương: "Nhiều quan niệm về chuyện học còn lạc hậu".

GS. Văn Như Cương cho rằng: “Quan niệm của phần lớn người dân mình về sự học rất lạc hậu. Nhiều phụ huynh đều quan niệm phải cho con đi học đại học, không thì cũng phải học cao đẳng. Khi nhận được giấy báo thì bố mẹ mổ bò, mổ lợn ăn mừng, có người vay ngân hàng cho con đi học nhưng ra trường con lại thất nghiệp”.

Đồng quan điểm với GS. Văn Như Cương, TS. Nguyễn Thị Kim Quý cũng cho rằng, đào tạo đại học hiện nay rất bừa bãi, nặng kiến thức, trong khi để có cách sống tốt thì sinh viên cần được học kỹ năng sống. Sinh viên phải được đào tạo toàn diện để khi ra trường anh trở thành người trưởng thành. Trường hợp của ông bố ra đường trưng biển tìm việc mua sữa cho con cũng là biểu hiện của một sản phẩm giáo dục yếu kém.

“Xã hội tôn vinh ông bố sống ở vỉa hè, ống cống, những bà mẹ với gánh hàng rong hay đi làm ô sin để nuôi con học đại học ở thành phố. Đúng là các ông bố bà mẹ Việt Nam có cái đức hy sinh đó. Nhưng theo tôi vẫn có điều gì đó chưa ổn. Vì thanh niên cần phải được định hướng nghề nghiệp, cách kiếm sống hay lựa chọn công việc gì đó để bố mẹ đỡ phải lo cho mình chứ không nhất thiết phải vào đại học mà để bố mẹ phải hy sinh quá nhiều” - GS. Văn Như Cương phân tích thêm.

Theo GS. Văn Như Cương, mục đích của cuộc sống này không phải là đại học, cao học, hay giáo sư, tiến sỹ mà là chất lượng sống. Nhiều nông dân hiện nay họ có thể có thu nhập vài trăm triệu đến cả tỷ đồng một năm. Trong khi nhiều sinh viên tiêu tiền bố mẹ hay vay ngân hàng để đi học, ra trường vẫn không kiếm nổi một việc để làm nuôi thân.

“Giáo dục Đại học hiện nay của chúng ta cũng có nhiều bất hợp lý. Đào tạo tràn lan, không có tính toán. Trước khi tuyển Bộ Giáo dục phải làm việc với các bộ ngành về nhu cầu tuyển dụng ngành nghề đó sau 4 năm nữa sẽ như thế nào để có những cân đối hợp lý.

Nông nghiệp vẫn phát triển ở các đất nước phát triển như Israel, Nhật Bản. Những sản phẩm từ nông nghiệp họ làm ra có thể xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tại sao nhiều thanh niên Việt Nam cứ nghĩ thành đạt là phải học đại học trong khi học tập là công việc của cả đời?” - GS. Văn Như Cương cho biết.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất