9 lỗi viết đơn xin việc làm khiến nhà tuyển dụng khó chịu
Đơn xin việc làm là một phần không thể thiếu trong mỗi bộ hồ sơ xin việc mà ứng viên gửi đến nhà tuyển dụng. Một bộ hồ sơ chưa được gọi là hoàn chỉnh nếu chỉ có CV mà thiếu đi đơn xin việc.
Vai trò của đơn xin việc làm
Đơn xin việc làm có vai trò quan trọng dù bạn tham gia ứng tuyển nhân viên biết tiếng Trung hay tiếng Hàn… Điều đó được thể hiện ở những điểm sau:
- Đơn xin việc làm là nơi tốt nhất để ứng viên thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy trình độ văn hóa và cá tính riêng biệt của mình so với ứng viên khác;
- Đơn xin việc làm là cổng kết nối tốt nhất giữa ứng viên và nhà tuyển dụng bằng cách chia sẻ các thông tin về năng lực, sở thích, hoài bão…;
- Đơn xin việc làm là tài liệu chứng minh khả năng của ứng viên thông qua các
số liệu chi tiết và xác thực về thành tích;
- Đơn xin việc làm là căn cứ dành cho nhà tuyển dụng xem xét mức độ phù hợp của ứng viên với môi trường làm việc tại công ty.
9 lỗi trong đơn xin việc làm khiến nhà tuyển dụng khó chịu
Đầu tư thời gian và công sức để tạo đơn xin việc làm chỉn chu là điều mọi ứng viên nên làm. Để đơn xin việc làm đạt hiệu quả cao nhất, hãy tránh 9 lỗi khiến nhà tuyển dụng khó chịu dưới đây:
Lỗi trình bày văn bản và lỗi chính tả
Luôn luôn được xếp đầu trong các lỗi thường gặp nhất, vậy nhưng, rất nhiều ứng viên vẫn mắc phải lỗi này. Để hạn chế lỗi trình bày văn bản và lỗi chính tả, hãy đọc thật kỹ đơn xin việc làm trước khi gửi tới nhà tuyển dụng.
Ghi quá nhiều thông tin
Một lá đơn xin việc làm không nên quá dài. Thực tế, để chọn lựa ứng viên phù hợp cho vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng phải dành nhiều thời gian để đọc và đánh giá từng CV được gửi tới. Do vậy, họ có khuynh hướng chọn lựa các CV có độ dài vừa phải, thông tin được truyền tải một cách cô đọng và trong khoảng 150 đến 200 từ.
Thể hiện sự khiêm tốn
Tính cách khiêm tốn được thể hiện đúng chỗ sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng việc biểu hiện tính cách này trong đơn xin việc làm vì nhà tuyển dụng có thể nhận thấy sự tự ti và yếu kém khi thể hiện bản sắc cá nhân của bạn.
Thái độ quá tự tin
Cũng giống như tính cách khiêm tốn, thái độ tự tin vào những gì đã làm được và khả năng phát triển trong tương lai của ứng viên là điều cần thiết nhưng nên được tiết chế sao cho không tạo cảm giác bạn đang quá tự cao tự đại.
Sự tự tin không nên được chia sẻ bằng ngôn từ khoe mẽ, thiếu dẫn chứng thực tế, mà thay vào đó, hãy thể hiện bằng các thành tích hoặc danh hiệu đã được xác nhận của bạn. Từ những số liệu có thật trên, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nhận biết sự thông minh, tài năng và phong thái tự tin của bạn.
Quá bận tâm tới những thiếu sót
Không có ứng viên nào hoàn hảo toàn diện cho một vị trí làm việc, tất nhiên, việc trung thực thừa nhận những thiếu sót của bản thân giúp nhà tuyển dụng có thêm cơ sở đánh giá tổng quát năng lực của bạn.
Tuy nhiên, bạn không nên quá bận tâm tới những thiếu sót này. Thay vào đó, hãy chú trọng tới những kinh nghiệm và kỹ năng mà bạn sở hữu. Bằng cách này, nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về giá trị của bạn và gia tăng cơ hội mời bạn đến phỏng vấn trực tiếp.
Bào chữa
Những lời bào chữa cho các thiếu sót của bản thân là điều nhiều ứng viên mắc phải khi viết đơn xin việc làm. Vậy nhưng, rất ít nhà tuyển dụng muốn đọc lời bào chữa trong trường hợp này. Thế chỗ cho các lời bào chữa, hãy thêm các thông tin về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích vào đơn xin việc vì đây đích thực là các thông tin mà nhà tuyển dụng cần.
Đề cập tới lương thưởng
Đơn xin việc làm không phải là nơi phù hợp để bạn nhắc tới lương thưởng hay các quyền lợi mà bản thân mong muốn được đãi ngộ khi vào công ty làm việc. Không một nhà tuyển dụng nào mong muốn đọc đơn xin việc có trọng tâm chính là vấn đề tiền bạc.
Thông tin người tham chiếu
Trong khuôn khổ có hạn của đơn xin việc, ứng viên không cần thiết phải liệt kê thông tin người tham chiếu. Nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu thông tin này sau khi CV của bạn vượt qua vòng loại hồ sơ và trong các bước tiếp theo của quá trình phỏng vấn.
Cẩn thận với lời khen ngợi
Ứng tuyển vào công ty mà bản thân hằng ao ước khiến ứng viên dễ dàng dành nhiều lời khen ngợi có cánh dành cho công ty trong đơn xin việc làm. Nhưng bạn nên cẩn thận khi đưa ra những lời khen ngợi này bởi nhà tuyển dụng có thể cảm thấy bạn quá phô trương và không chân thật. Lời khen sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi được bạn đưa ra đúng chỗ và đúng thời điểm, cụ thể ở các giải thưởng hoặc danh hiệu danh giá mà công ty đã đạt được. Và đừng quên, hãy bày tỏ mong muốn được góp sức trong những thành công mới của công ty nếu trúng tuyển.
Hà Phương
Video được xem nhiều nhất