6 cây cầu gắn liền với lịch sử hơn 300 năm ở Sài Gòn

Kênh 14 - 10/11/2015, 13:52

Sài Gòn có tổng số 200 cây cầu lớn nhỏ đã gắn với vùng đất này từ thuở mới khai hoang, trong đó có 6 cây cầu gắn liền với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của thành phố.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đề xuất phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường 1 khiến nhiều người Sài Gòn tiếc nuối. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất này có nhiều cây cầu gắn liền với lịch sử, ký ức sâu đậm của người dân.

Cầu Bông

 
Cầu còn có tên gọi khác là cầu Cao Miên, mang đậm dấu ấn của người Sài Gòn xưa, đã đi vào lịch sử và thơ ca như 1 địa danh nổi tiếng. Cùng với cầu Thị Nghè, cầu Bông cũng bắc qua kênh Nhiêu Lộc, nối quận 1 và quận Bình Thạnh. 
 
Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi chính xác là xây dựng vào năm 1771. Lúc mới xây cất, cây cầu này mang tên cầu Cao Miên, vì do một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắt qua sông để tiện việc đi lại.
 
19314182446_a175cf5beb_b-8e2ff
Trước 1975, cầu Bông được xem là trọng yếu nhất nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định - (Ảnh: Internet).
 
Ban đầu cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn. Cái tên cầu Bông được nhiều nhà nghiên cứu vùng đất Sài Gòn nói đến nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng 1 vườn hoa xinh đẹp gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng). Sau này, người dân Sài Gòn tự đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là từ địa phương của miền Nam) cho đến nay.
 
3-3e773
Diện mạo mới của cầu Bông ở thời điểm hiện tại.
 
Trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, cầu Bông là 1 trong những chiến lũy vững chắc để bao vây quân Pháp trong nội đô Sài Gòn. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, cầu Bông là nơi diễn ra nhiều nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch.
 
Hiện tại cầu Bông đã được xây mới với dài 84,2 m gồm 3 nhịp, kết cấu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng 21 m. Trên mặt cầu được thiết kế lối riêng có dải phân cách, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
 
Cầu Móng
 
Được xem là cây cầu cổ xưa nhất ở Sài Gòn do do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes (Pháp) xây dựng từ năm 1893 và hoàn thành vào năm 1894. Cầu Móng bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4, có chiều dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, được xây dựng bằng thép rất kiên cố.
 
caumong2-3e773
Cầu Móng ngày xưa có ô tô lưu thông - (Ảnh: Internet).
 
5-3e773
Cầu Móng thời điểm hiện giờ ngắn hơn nhưng đẹp hơn với hệ thống đèn trang trí bắt mắt.
 
Cầu được thiết kế theo kiểu hình vòng móng, vì thế tên cầu Móng cũng được hình thành từ thời đó đến nay. Thành cầu uốn cong có những khoảng trống, ban đầu cầu có nước sơn màu đen tuy nhiên sau này lại sơn màu xanh đem lại cảm giác tươi mới hơn. 
 
Năm 2005, cầu Móng được tiến hành tháo dỡ để phục vụ cho công tác đào hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Do tính chất lịch sử của cây cầu nên sau khi hoàn tất việc làm hầm Thủ Thiêm thì cầu Móng được trả lại đúng nguyên trạng ban đầu. Sau khi trả lại đúng nguyên bản, cầu còn được gia cố thêm phần trụ móng cùng trang bị chiếu sáng mỹ thuật để người dân ra đây tản bộ ngắm thành phố. 
 
Cầu Thị Nghè
 
Cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu Thị Nghè có chiều dài 105,2 mét, rộng 17,6 mét với 4 làn xe. 
 
Nói về lịch sử, hình thành cây cầu này là do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà làm chức thư ký, đương thời gọi là ông Nghè (vì thời đó đỗ Tiến sĩ), vì thế nhân dân cũng gọi là Bà Nghè. Vào năm 1867, cầu được làm lại bằng cầu sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bê tông cốt thép.​ ​Tên gọi cầu Thị Nghè được đặt từ giữa thế kỷ 19, cho đến nay tên này vẫn được giữ nguyên.
 
cauthinghe2-3e773
Cầu Thị Nghè năm xưa - (Ảnh: Internet).
 
4-3e773
Cầu Thị Nghè hiện tại được xây dựng rộng hơn với 4 làn xe.
 
Ngoài ra, cầu Thị Nghè cũng đã chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và quân thực dân Pháp khi họ trở lại có ý định đánh chiếm Sài Gòn. Nhiều trận giao tranh đã nổ ra trên cầu Thị Nghè đã gây thiệt hại nặng nề cho quân địch.
 
Theo một số tài liệu ghi chép lại, vùng Thị Nghè xưa kia là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông, miếu Văn Thánh.
 
Cầu sắt Bình Lợi
 
Cầu Bình Lợi được xây dựng vào tháng 2/1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang. Cầu được thiết kế kiểu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ, có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay, do nhà thầu Levallois Perret thi công với chiều dài 276m gồm 6 nhịp
 
Hiện nay, cầu đường sắt Bình Lợi là phần lưu thông chính cho tuyến đường sắt Việt Nam, bên cạnh đó còn có đường phụ dành cho xe 2 bánh, di chuyển theo 2 chiều. Sau 113 năm khai thác, cầu sắt này đã bị xuống cấp ở một số nhịp, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m vì vậy mỗi khi có thủy triều lên, nhiều tàu không chú ý đã va chạm và mắt kẹt, càng làm cho cầu thêm phần hư hại. 
 
binhlo1934-3e773
Cầu Bình Lợi thời kì năm đầu thế kỉ 19- (Ảnh: Internet).
 
1-3e773
Cầu Bình Lợi hiện tại vẫn giữ nguyên nét hoang sơ như thuở ban đầu.
 
Cây cầu đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của thành phố qua các thời kì nên việc bảo tồn những "nhân chứng" này cũng là điều cần phải tính đến. Theo thông tin từ Bộ GTVT, đơn vị này cũng đang lên phương án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới để thay thế cầu cũ. Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy, vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi mới ước tính đạt 100 km/h. 
 
Tháng 6/2014, cầu Bình Lợi 2 đã được khánh thành có chiều dài 975 m, với 8 làn xe mang kiểu dáng kiến trúc cầu vòm Nielsen do Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc) đầu tư.
 
Cầu Nhị Thiên Đường
 
Cầu Nhị Thiên Đường là 1 cây cầu lớn bắc qua Kênh Đôi, quận 8 của vùng Chợ Lớn. Đây là một trong những cây cầu có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Sài Gòn, nối liền Chợ Lớn với các tỉnh miền tây, qua quốc lộ 50. Cầu dài khoảng 1km, và có 2 nhánh bắc song song, gồm cầu Nhị Thiên Đường 1 (cầu cũ) và Nhị Thiên Đường 2 (cầu mới, xây năm 2005).
 
7-3e773
Cây cầu ở hiện tại vẫn còn giữ nét cổ kính vốn có, tuy nhiên một số hạng mục đã xuống cấp.
 
Cầu do Pháp xây dựng năm 1925, trong thời đại hoàng kim của cầu sắt. Được thiết kế với vẻ kì lạ toát lên từ hàng cột xanh rêu trên cầu, cho đến các mái vòm cong cong dưới chân cầu. Trước khi 1 loạt cầu mới ra đời từ việc khởi công đại lộ Đông Tây, thì Cầu Nhị Thiên Đường là cây cầu cao nhất ở vùng chợ Lớn.
 
Nói về tên gọi, Nhị Thiên Đường vốn là tên 1 hãng dầu lừng lẫy trong chợ Lớn thời giữa thế kỉ 20. Hãng dầu này cũng kinh doanh cả in sách và buôn bán gạo. Lúc đó, cạnh chân cầu có 1 kho gạo rất lớn của ông chủ này, nên dân gian lấy luôn tên Nhị Thiên Đường để gọi cho cây cầu. Hiện tại, Nhị Thiên Đường là tên chính thức cho cây cầu cổ này và sắp tới Sở GTVT sẽ có phương án phá bỏ.
 
Cầu Chữ Y
 
Cầu do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941.​ Cầu nối liền quận 5 và quận 8 (TP. HCM) có 3 nhánh tạo thành hình chữ Y, trong đó có 2 nhánh về hướng đông (thuộc quận 8). Cầu chữ Y bắt đầu từ đường Nguyễn Biểu, bắc qua 2 con kênh là kênh Bến Nghé và kênh Tẻ, đến vùng chợ Rạch Ông và vùng cù lao Chánh Hưng.
 
chuY-3e773
Cầu chữ Y năm xưa - - (Ảnh: Internet).
 
6-3e773
Cây cầu góp phần thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của 3 vùng.
 
Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3 m (bao gồm đoạn cầu dẫn dài 913 m), trong đó nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m, nhánh Hưng Phú dài 137 m. Khu vực ngã ba của cầu rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Độ cao tĩnh không cách mặt nước là 6,3 m. Được biết, toàn bộ công trình khi xây dựng đã ngốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bêtông.
 
Cầu đã qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Nói về tên gọi, cầu có 3 nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này, và trở thành tên chính thức. Đứng trên cầu, ta có thể nhìn thấy được toàn bộ quang cảnh cảng Sài Gòn và một phần thành phố với bán kính dưới 3 km.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất