5 kỹ năng nghề nghiệp không thể thiếu của một chuyên viên nhân sự
Dưới đây là 5 kỹ năng nghề nghiệp quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công của các nhà quản trị nhân sự giỏi trên thế giới.
Theo đuổi ngành nhân sự không dành cho những người “yếu tim” và thiếu các kỹ năng nghề nghiệp quan trọng. Nếu bạn cảm thấy mình sẵn sàng cho thử thách này, trước hết bạn cần biết nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một ứng viên nhân sự với chân dung như thế nào.
Dưới đây là 5 kỹ năng nghề nghiệp quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công của các nhà quản trị nhân sự giỏi trên thế giới.
Kỹ năng giao tiếp
Lướt nhanh qua các tin đăng tuyển dụng việc làm 24h tại Bắc Ninh, Hà Nội hay Hải Phòng, bạn có thể thấy giao tiếp là kỹ năng nghề nghiệp quan trọng trong mọi ngành nghề và đặc biệt là chuyên viên về nhân sự. Bộ phận nhân sự là mắt xích liên kết giữa doanh nghiệp và nhân viên. Một mặt, bạn là tiếng nói của người lao động, mặt khác, bạn đại diện cho người sử dụng lao động. Do đó, việc giao tiếp hiệu quả với tất cả mọi người trong một tổ chức, từ nhân viên mới đến Giám đốc điều hành, là vô cùng cần thiết.
Giao tiếp tốt không chỉ dừng lại ở việc ăn nói giỏi, mà còn bao hàm rất nhiều khả năng khác như diễn đạt bằng văn bản, lắng nghe, truyền đạt thông suốt thông tin giữa các phòng ban, huấn luyện nhân viên mới, truyền cảm hứng cho tập thể... Thông thường, những người trong bộ phận nhân sự phải phụ trách phỏng vấn ứng viên, cung cấp thông tin về công ty, đưa ra lời khuyên cho nhân viên và dẫn dắt giải quyết xung đột. Tất cả những điều này đều đòi hỏi kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ.
Kỹ năng tổ chức sắp xếp
Hầu hết các nhân viên phòng nhân sự phải theo dõi rất nhiều hồ sơ của ứng viên và cả hồ sơ liên quan đến từng nhân viên trong công ty. Họ phụ trách xử lý rất nhiều thủ tục giấy tờ liên quan đến tuyển dụng, sa thải, bảng lương và các phúc lợi nhân viên khác nhau. Vì vậy, bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực nhân sự đều phải có đầu óc tổ chức tốt, có khả năng quản lý thời gian chặt chẽ và hiệu quả, lưu giữ các thông tin quan trọng có trật tự, an toàn và có thể truy cập được khi cần.
Một kỹ năng nghề nghiệp quan trọng bậc nhất trong nhóm kỹ năng về tổ chức là khả năng đa nhiệm. Như đã đề cập, phòng nhân sự luôn đối mặt với rất nhiều vấn đề, câu hỏi và yêu cầu hàng ngày từ hàng tá người khác nhau. Các nhà quản lý và nhân viên nhân sự phải biết cách thích ứng với sự thay đổi trong văn phòng, xử lý đồng thời các nhiệm vụ mà không bị rối hay bỏ quên nhiệm vụ nào.
Giải quyết vấn đề
Các doanh nghiệp thành công phát triển mạnh mẽ nhờ các mối quan hệ lành mạnh giữa sếp với nhân viên, giữa nhân viên với nhân viên, và các chuyên gia nhân sự là đội ngũ sẽ đảm bảo sự kết nối đó. Xác định và giải quyết các mối quan tâm của nhân viên giúp tạo ra một môi trường làm việc thỏa mãn hơn cho toàn thể doanh nghiệp. Để làm được điều đó, nhân viên nhân sự cần có kỹ năng thương lượng và hòa giải. Họ cần kiên nhẫn lắng nghe cả hai bên để giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất.
Làm việc nhóm tốt cũng là một yếu tố trong nhóm kỹ năng về giải quyết vấn đề vì nó tác động trực tiếp tới khả năng gắn kết tập thể của một người làm nhân sự. Hợp tác tốt với các phòng ban khác sẽ giúp bạn nhận định được các vấn đề sâu sắc hơn, và đề ra được giải pháp phù hợp nhất. Một yếu tố quan trọng khác để giải quyết được vấn đề có thể kể đến trí tuệ cảm xúc cao và khả năng đồng cảm với hoàn cảnh của người khác.
Kỹ năng đưa ra quyết định
Các nhân viên nhân sự phải đưa ra rất nhiều quyết định cho một công ty, từ việc tuyển dụng ai cho đến giải quyết tranh chấp giữa các nhân viên như thế nào. Vì vậy, họ phải là những người có tư duy phản biện, có thể cân nhắc những ưu và khuyết điểm của một sự kiện và sau đó đưa ra quyết định.
Tìm kiếm những ứng viên đủ tiêu chuẩn và chọn những người giỏi nhất, phù hợp nhất với văn hóa công ty được coi là một trong những nhiệm vụ nhân sự quan trọng nhất. Con mắt nhìn người tinh tế, kỹ năng kiểm tra lý lịch, xây dựng tiêu chí đánh giá, sàng lọc ứng viên chắc chắn là cần thiết để nâng cao khả năng đưa ra quyết định cho cả công ty của một chuyên gia nhân sự.
Đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức trong nhân sự đảm bảo rằng: với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và nỗ lực duy trì phúc lợi toàn tập thể, một doanh nghiệp sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhân viên. Trách nhiệm của một chuyên gia nhân sự là duy trì sự liêm chính về đạo đức khi hỗ trợ các nhà lãnh đạo với bất kỳ quyết định kinh doanh nào ảnh hưởng đến mọi người.
Vì phải xử lý rất nhiều thông tin cá nhân, nhạy cảm về công ty và nhân viên của công ty, chuyên viên nhân sự cần biết rạch ròi, chỉ chia sẻ thông tin với mọi người khi thấy thích hợp. Bạn cũng cần đảm bảo rằng cả người sử dụng lao động và nhân viên đều tuân thủ theo quy chuẩn đạo đức của công ty. Khi phát hiện ra một trong hai bên vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức, bạn sẽ có trách nhiệm xác định hành vi vi phạm và thực hiện nhiệm vụ được giao để tiến hành xử lý vi phạm đó. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ về đạo đức công ty, người làm nhân sự cần nắm rõ các chiến lược, thủ tục chính sách của công ty về quyền lợi - nghĩa vũ của nhân viên cũng như có kiến thức về Luật lao động.
Như bạn có thể thấy, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết trong lĩnh vực nhân sự vô cùng bao la. Nếu bạn thấy mình có thể đạt được một số kỹ năng này và muốn mang lại tác động tích cực cho tập thể, hãy cân nhắc theo đuổi lĩnh vực nhân sự nhé. Chúc các bạn thành công!
Hà Phương
Video được xem nhiều nhất