4 căn bệnh khiến bạn khó có thể được đi máy bay
Kênh 14 -
02/10/2015, 14:45
Cùng tìm hiểu những chứng bệnh mà người mắc không nên di chuyển bằng đường hàng không để cân nhắc phù hợp trong việc lựa chọn phương tiện đi lại nhé!
Đi máy bay có nghĩa là chúng ta sẽ ở độ cao hàng nghìn mét và di chuyển với vận tốc hàng trăm km/h. Thời gian dài và ngồi yên một vị trí trên độ cao và tốc độ khác thường như vậy sẽ khiến cơ thể phải gánh chịu những áp lực không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người. Do đó, đối với một số trường hợp bệnh, bạn cần phải cân nhắc rõ ràng trước khi đi máy bay nhé!
Bệnh tim mạch
Mặc dù ngày nay, hầu hết các máy bay hiện đại đều có trang bị hệ thồng điều áp, nhưng khi đạt độ cao trên 2000m thì các bệnh nhân tim mạch vẫn có thể bị những tổn thương như giãn mạch não hay co thắt động mạch.
Ngoài ra, ở độ cao với áp lực không khí bất thường, máu từ chân về tim không được sự co rút trợ giúp sẽ bị sức hút trái đất kéo xuống. Tế bào máu bị kéo giãn ra và kết lại thành những sợi máu đông dài, theo mạch máu chạy lên tới phổi, tim hoặc não bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí có thể gây hại đến tính mạng. Cục máu đông này có thể làm nghẽn mạch máu tim sẽ gây nên chứng trụy tim.
Bên cạnh các bệnh về tim mạch thì nhồi máu phổi, tắc động mạch phổi, các bệnh về hầu họng, hen phế quản… đều có nguy cơ trở nên nặng hơn và khiến người bệnh gặp nguy hiểm trên những chuyến bay. Nguyên nhân là do áp suất cao, các bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp có nguy cơ khó thở hay vỡ các cơ nang (kén khí) bẩm sinh trong phổi. Thêm vào đó, những bệnh nhân lao phổi tuyệt đối không nên đi máy bay do có khả năng lây nhiễm cho người xung quanh cũng như gây ra biến chứng tràn khí màng phổi.
Bệnh thần kinh
Sự lo lắng khi máy bay cất cánh và hạ cánh cũng có thể gây ra các tác động xấu đối với bệnh nhân mắc các chứng bệnh về thần kinh. Những người bị rối loạn thần kinh nặng, hoặc trong trạng thái kích động, loạn trí không được đi máy bay kể cả khi không có bác sĩ đi kèm. Bệnh nhân hoảng loạn hay sợ hãi vẫn có thể đi máy bay nhưng cần phải uống thuốc an thần trấn tĩnh trước và trong khi bay.
Thiếu máu
Trường hợp thiếu máu, hemoglobin dưới 8,5g/dl hoặc số lượng hồng cầu dưới 3 triệu/ml không được đi máy bay cho đến khi bệnh nhân được điều trị. Nếu hemoglobin dưới 8,5 - 9g/dl thì cần chuẩn bị sẵn ôxy. Đối với bệnh nhân bị bệnh tế bào hình liềm rất dễ bị rối loạn khi đi máy bay nên cần phải hạn chế độ cao và quãng đường bay.
Những người vừa trải qua phẫu thuật
Bệnh nhân mới phẫu thuật vùng ổ bụng hoặc lồng ngực không nên đi máy bay trong ít nhất 10-20 ngày sau ca mổ. Nếu bắt buộc phải di chuyện bằng máy bay, nên sử dụng khoang y tế cũng như cần có các dụng cụ hỗ trợ cần thiết và bác sĩ đi kèm.
Đối với bệnh nhân phẫu thuật mắt cần lưu ý ngồi ở khoang có điều hòa ổn áp và oxy hỗ trợ để tránh làm võng mạc bị tổn thương do thiếu oxy hoặc do tăng áp lực trong hốc mắt.
Nhìn chung, các trường hợp vừa trải qua phẫu thuật, trước khi bay cần được các bác sĩ chuyên khoa khám và đánh giá tình hình bệnh tránh xảy ra những tình huống xẩu.
Video được xem nhiều nhất
Bình luận