13 tuổi nuôi 6 đứa em

Tuổi trẻ - 21/05/2016, 10:09

Dưới chân núi Kong (làng H’De, xã Đắk Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là câu chuyện đầy bi kịch của bảy đứa trẻ mồ côi.

19 tuổi nhưng A Đưng lùn, gầy khô như đứa trẻ - Ảnh: B.D.
19 tuổi nhưng A Đưng lùn, gầy khô như đứa trẻ - Ảnh: B.D.

A Đưng năm nay 19 tuổi nhưng chỉ cao bằng đứa trẻ mới lớn. 13 tuổi, Đưng đã mất cả cha lẫn mẹ, một mình đi mót lúa nuôi sáu đứa em. Nhà A Đưng nằm tuốt sau mấy cái rẫy bời lời của người dân.

7 anh em mồ côi

Đưng kể rằng khi mình đang học lớp 4 thì mẹ Đưng đi làm rẫy về rồi nằm sốt li bì. Đi lấy thuốc uống không khỏi, làng kêu thầy cúng đến nhưng chỉ mấy ngày sau mẹ Đưng bỏ nhà về với atâu (cõi ma). Hai tuần sau khi mẹ Đưng mất, một buổi tối người làng đi rẫy thì phát hiện cha Đưng treo cổ trên cành cây.

Bảy đứa trẻ trong khoảnh khắc bơ vơ giữa cuộc đời. Ngày làng về đưa tang, mấy anh em Đưng cứ lơ ngơ nhìn người lạ. Mãi sau khi thi thể của cha được chôn bên cạnh mộ mẹ, mấy anh em Đưng mới biết mình đã là trẻ mồ côi.

A Đưng kể rằng mấy anh em tự sống với nhau từ ngày mất cha. Sau ngày đưa tang cha, họ hàng nội ngoại đến nhà Đưng phân chia việc nuôi mấy đứa trẻ.

Nghe người ta nói sẽ đưa mấy anh em đi mỗi đứa ở một nơi, Đưng im lặng kéo mấy đứa nhỏ ra khỏi nhà rồi chạy thục mạng ngược lên núi, nói vọng xuống: “Mấy anh em A Đưng tự ở với nhau, không đi đâu cả”.

Trưởng thôn của làng H’De cũng bảo rằng đã có nhiều người đến nhận, nhưng mấy đứa em của A Đưng nhất quyết không chịu đi.

Ngày cha mẹ mất, em út của A Đưng là A Xóa mới 2 tháng tuổi. Đói sữa, thiếu mẹ, Xóa khóc khàn cổ. Một mình Đưng phải bế em trên tay chạy đi xin sữa của người đẻ trong làng. Rồi tự Đưng nấu cơm, chắt nước gạo cho A Xóa uống.

A Xóa lớn lên trong khốn khổ như thế. Khi mấy anh em A Xóa mồ côi, Nhà nước bắt đầu làm thủ tục để trợ cấp. Hôm cán bộ vào vận động đưa vào trại trẻ mồ côi, vừa nghe được mấy câu mấy đứa đã kéo tay nhau chạy thẳng vào rừng. Nhất quyết không cho ai đưa đi khỏi nhà mình.

Bất lực, xã đành hỗ trợ bằng cách cấp gạo, tiền ăn theo tháng dành cho trẻ mồ côi, giúp A Đưng cùng mấy đứa em sống sót qua ngày.

Để tồn tại, cứ tờ mờ sáng là mấy anh em lại dẫn nhau ra rẫy, leo lên đỉnh núi để mót mấy cọng lúa người ta hái chưa hết. Lúa mót được mấy anh em đưa về, tấp vào kho để khi đói thì đưa ra quán nhờ xay ra gạo, về nấu lên ăn với muối trắng, lá mì.

Khi nương rẫy hết lúa để mót thì Đưng lại dẫn các em đi đào củ mì, bắt chuột. Cũng vì bẫy chuột nên A Đét - đứa em thứ ba của Đưng - bị bẫy đâm vào mắt. Không có tiền đi chữa, mắt nhiễm trùng càng nặng khiến A Đét bị mù hẳn con mắt bên trái từ đó.

Không chỉ A Đét mà còn có thêm đứa em cuối của A Đưng là A Xóa cũng bị mù một mắt bẩm sinh. A Xóa còn bị hở hàm ếch nặng, Đưng nói rằng muốn đưa em đi bệnh viện để vá lại, nhưng cái ăn vào bụng còn chưa no nên không thể cho Xóa một khuôn mặt lành lặn được.

Bốn đứa em mồ côi của A Đưng - Ảnh: B.D.
Bốn đứa em mồ côi của A Đưng - Ảnh: B.D.

Chiếc áo sơmi 20.000 đồng

A Đưng đứng bên vách nhà, đưa tay bưng mặt khóc khi nhớ về cha mẹ: “Mình buồn lắm, lúc nào đi rẫy mệt quá là mình lại ngồi khóc thôi. Mỗi ngày mình chỉ được ăn hai bữa, dành cơm cho em”. Thấy A Đưng khóc, mấy đứa em của Đưng cũng khóc theo...

Bảy anh em Đưng sống trong căn nhà được Phòng giáo dục Chư Păh xây tặng từ ngày mất cha mẹ. Nền nhà bằng ximăng xỉ lên, rách tơi tả như chiếc áo mặc lâu năm. Những mảng bêtông nứt nẻ bị xô lệch tràn ra cả lối đi.

Dưới cái nắng oi ả, ngôi nhà xộc mùi hôi hám và nóng hầm hập. A Đưng chỉ vào chiếc chiếu nhựa, đen sì và rách bươm, thò ra những sợi nhựa tua tủa: “Chiếu này của “Ba Than” cho, mấy anh em đêm trải ra nền nằm. Đêm nào cũng ngủ không được, nóng và ngứa lắm”.

Chỗ ngủ của bảy đứa trẻ chỉ là một tấm chiếu mỏng, không có gối, không có màn, cũng không có mền đắp. Vậy mà chúng đã sống như thế suốt sáu năm nay.

Tôi bước vào căn phòng, nơi chứa quần áo của bảy đứa trẻ. Cả căn phòng tối om, bốc mùi hôi hám. Không có một bộ quần áo nào đủ lành lặn, ngoài chiếc áo sơmi trắng được treo cẩn thận trên dây màn và còn mùi thơm nước xả vải.

“Của A Đối - thằng em thứ hai - của mình đó. Nó đi mót mì rồi về bán được 20.000 đồng, lấy tiền mua cái áo đó để đi chơi buổi tối. Đối chỉ có cái áo đó thôi, mặc đi mặc lại miết” - A Đưng nói.

Đưng nói rằng mấy năm nay chưa một ngày bảy anh em được ăn một bữa cơm đầy đủ thịt cá. Thỉnh thoảng Đưng đi làm thuê, bán được mì có tiền ra quán mua ít thịt mỡ, đậu khuôn. Mấy anh em về nhóm lửa lên, lũ trẻ quá thèm thuồng nên bốc hết từ khi nồi còn sôi trên bếp.

Một người dân bán tạp hóa ở làng H’De cho biết nhiều lúc thấy lũ trẻ đói lả, đi gùi mì mà bước chân không vững.

Thiếu ăn, thiếu mặc mấy đứa trẻ cứ gầy nhom, người chỉ da quấn lấy xương. Đưng bảo dù gầy yếu nhưng nhờ Giàng, lũ nhỏ rất ít khi bị đau ốm. Mà lỡ có ốm thì cũng “tự ốm, tự khỏi như con chó, con gà trong vườn chứ làm gì có tiền mua thuốc mà uống”.

“A Đưng cô đơn”

Trên cánh tay phải của Đưng có mấy dòng chữ “A Đưng cô đơn”. Đưng bảo rằng mình khổ quá, buồn quá nên có lần tuyệt vọng, Đưng đã tự lấy kim châm vào tay để... đỡ buồn.

Ở tuổi này, nhiều trai làng ở H’De đã bắt đầu hò hẹn, chuẩn bị bắt vợ nhưng A Đưng thì phải đánh vật với cái ăn hằng ngày cho những đứa em.

Nhắc đến chuyện yêu đương, A Đưng bỗng cúi gằm mặt, bảo: “Em cũng từng thích một cô gái rồi, nó ở Đắk Sơ Mây. Tụi em có gặp gỡ. Nhưng em không dám hỏi. Nó có cha có mẹ, còn em thì không. Em không dám lấy vợ, nếu em bị vợ bắt thì mấy đứa em của em biết sống thế nào?...”.

Đàn gà mà người làm rẫy tốt bụng “Ba Than” đã đem cho mấy anh em để nuôi lấy trứng - Ảnh: B.D.
Đàn gà mà người làm rẫy tốt bụng “Ba Than” đã đem cho mấy anh em để nuôi lấy trứng - Ảnh: B.D.

Đàn gà của “Ba Than”

Tài sản quý giá nhất của mấy anh em Đưng là đàn gà gồm 16 con, mới lớn bằng nắm tay. Cả mấy anh em ngày nào cùng dành cơm, lúa để phần cho gà. Bên ngôi nhà khốn khổ ấy, lũ gà cũng sống lang thang, lăn lóc như số phận của A Đưng và sáu đứa em.

A Đưng kể làm chúng tôi quá bất ngờ: “Mấy con gà này là của “Ba Than” mang tới cho. Bác bảo cho gà ăn cơm, nó lớn rồi nó đẻ trứng cho mà ăn cho có chất”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh em Đưng luôn nhắc về cái tên “Ba Than” bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ. Từ gạo, muối, mắm, chiếu ngủ cho đến thuốc uống lúc ốm đau đều “là của Ba Than mang cho”.

“Ba Than” được dịch ra tiếng Kinh là... Bác Thanh - một người Kinh sống tại Kon Tum, đến làm rẫy ở làng H’De. Chứng kiến mấy đứa trẻ sống như những hòn đá bị bỏ quên giữa làng, “Ba Than” đã khóc và hứa với lương tâm phải cưu mang chúng nó.

“Ba Than” nói với tôi: “Anh có tin được là mấy đứa nhỏ như thế, có thằng đang học lớp 2 mà cõng được mỗi ngày 7-8 tạ mì không? Tôi không cho tụi nó làm nhưng tụi nó cứ năn nỉ bảo cháu đi làm thì mới có tiền mua thức ăn. Thằng A Đưng yếu lắm, lại đang bị hen suyễn nữa, đi làm nặng nhọc là chảy máu mũi...”.

THÁI BÁ DŨNG - KIM SƠN (dungtb@tuoitre.com.vn)

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất