Xét xử Minh Béo: Luật sư được hoãn bao nhiêu lần?
"Với việc xin lùi phiên xét xử hai lần, chắc chắn lần tới luật sư biện hộ và Minh Béo phải tham gia phiên tòa để làm rõ những cáo buộc từ phía cơ quan công tố".
Sáng 27/5 (giờ California, Mỹ), diễn viên Minh Béo có mặt ở phiên xét xử thứ ba tại Tòa thượng thẩm quận Cam, chi nhánh Westminster.
Mở đầu phiên tòa, luật sư Mỹ gốc Nhật bà Mia Yamamoto có cuộc trao đổi nhanh với chủ tọa và đại diện công tố. Sau đó, bà Mia cũng dành thời gian trò chuyện ngắn với Minh Béo thông qua một phiên dịch.
Ít phút sau, tòa ra thông báo phiên điều trần của vụ án Minh Béo được dời sang ngày 29/6 và chưa đề cập đến ngày xử sơ thẩm. Trước đây, ngày xử sơ thẩm được ấn định là 10/6.
Luật sư Mia Yamamoto (tóc trắng trong ảnh)
Trước đó, tại phiên xử ngày 13/5, bà Mia Yamamoto cũng đã đề nghị tòa lùi phiên điều đình để bà có thêm thời gian thu thập chứng cứ quanh vụ án cũng như trao đổi với thân chủ.
Như vậy, sau hai lần lùi phiên xét xử, Minh Béo vẫn phải quay lại trại giam, số tiền tại ngoại vẫn giữ nguyên và chưa có bằng chứng nào được đưa ra chứng minh cáo buộc của cơ quan công tố là không có căn cứ.
Vụ việc Minh Béo bị bắt đã gây ồn ào dư luận hơn hai tháng qua. Rất nhiều người muốn biết kết quả của phiên tòa xét xử Minh Béo sẽ như thế nào? Liệu những cáo buộc dành cho nghệ sĩ này có đủ căn cứ hay không? Và cũng kể từ khi xuất hiện luật sư Mia Yamamoto, nhiều người còn tin tưởng vào một cục diện thay đổi. Bởi lẽ luật sư Mia Yamamoto là một luật sư có tiếng là rất giỏi về biện hộ.
Nói về việc lùi thời gian xét xử vụ án Minh Béo, thạc sĩ luật chuyên ngành hình sự Nguyễn Thị Hằng cho hay: Việc luật sư biện hộ cho bị cáo có đề nghị lùi phiên xét xử do cần có thời gian thu thập chứng cứ, tài liệu là điều khá bình thường trong hoạt động tố tụng.
Tuy nhiên, việc trì hoãn này cũng có những giới hạn nhất định và giới hạn đó được quy định trong luật hình sự Mỹ. Với việc xin lùi phiên xét xử hai lần, chắc chắn lần tới luật sư biện hộ và Minh Béo phải tham gia phiên tòa để làm rõ những cáo buộc từ phía cơ quan công tố.
Thạc sĩ Hằng cũng cho biết: 'Ở Việt Nam, trong hoạt động tố tụng hình sự thì Tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa khi cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa'.
Video được xem nhiều nhất