Tìm ra protein khiến chúng ta có cảm giác "ngứa phát rồ"
Sắp tới, những cơn ngứa ngáy khó chịu khiến chúng ta như muốn hóa điên sẽ chính thức đi vào dĩ vãng.
Bị ngứa - dù là vì nguyên nhân nào - thì cảm giác nó đem lại chỉ có một, đó là vô cùng khó chịu. Lắm lúc, dù có gãi... như điên, gãi đến xước da chảy máu mà vẫn không đỡ chút nào. Thảm cảnh này chắc nhiều người đã từng trải qua.
Ôi ngứa...
Tuy nhiên, các khoa học gia từ ĐH Duck tại Bắc Carolina (Mỹ) tin rằng họ sắp tìm ra phương pháp biến thảm cảnh trên vĩnh viễn đi vào dĩ vãng. Cụ thể, các chuyên gia đã tìm thấy một loại protein trên da được cho là nguyên nhân gây nên cảm giác ngứa ngáy, đồng thời xác định được loại thuốc điều trị tiềm năng.
Theo như nghiên cứu, làn da của chúng ta không chỉ đóng vai trò là lớp bảo vệ cơ thể. Khi tiếp xúc với các hóa chất gây ngứa, da sẽ điều chỉnh độ nhạy cảm của tế bào thần kinh, cho phép chúng chuyển hóa cảm giác này lên não bộ. Và đó chính là lý do khiến đôi lúc chúng ta ngứa đến... phát rồ mà chẳng làm gì được.
Wolgang Liedtke - giáo sư thần kinh học và sinh học thần kinh tại ĐH Duke cho biết: "Nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa trong khoa học, mà còn về y tế nữa. Chúng ta có thể tạo ra những phương pháp trị ngứa và viêm da một cách hiệu quả hơn".
Để có được thành quả này, nhóm nghiên cứu của Liedtke đã sử dụng chuột biến đổi gene, trong đó họ tách gene mang tên TRPV4 có trên da chuột, sau đó cho chúng tiếp xúc với các hóa chất gây ngứa.
Kết quả cho thấy những con chuột được tách gene... gãi ít hơn hẳn so với chuột thường, kể cả khi ngứa vì chấy rận hoặc ngứa vì thuốc.
Các chuyên gia tin rằng TRPV4 trên da có tác dụng xác nhận cơn ngứa, và đây chính là thứ chúng ta cần hướng đến khi phát triển loại thuốc giúp trị ngứa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Biological Chemistry.
Nguồn: Daily Mail
Video được xem nhiều nhất