Thủy triều đỏ - "nghi phạm" thảm sát hàng loạt tôm cá thực chất là gì?
Thủy triều đỏ ghê gớm đến mức nào? Hãy thử tìm hiểu xem.
Trong cuộc họp báo hồi 19h50 ngày 27/4 mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường đã công bố 2 nguyên nhân có thể gây nên hiện tượng thảm sát hàng loạt tôm cá tại các tỉnh miền Trung trong những ngày gần đây. Một trong số đó mang một cái tên khá mỹ miều: Thủy triều đỏ.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: thủy triều đỏ rốt cục là gì? Tại sao thủy triều mà nguy hiểm đến mức khiến cho tôm cá chết hàng loạt với số lượng lên tới hàng chục tấn?
Thủy triều đỏ là một hiện tượng tự nhiên và... không liên quan đến thủy triều
Thủy triều đỏ - hay hồng triều - là một thuật ngữ thông dụng để chỉ hiện tượng tảo biển nở hoa gây hại đến môi trường (tiếng anh là HAB - Harmful Algal Blooms). Thuở ban đầu, thủy triều đỏ được sử dụng để chỉ sự nở hoa của loài tảo Karenia brevis, nhưng sau này cũng được áp dụng chung cho nhiều loại tảo khác.
Thực chất, cái tên thủy triều đỏ ngày nay cũng không thực sự chính xác nữa. Đầu tiên, nó không liên quan đến thủy triều mà thường là hệ quả tự nhiên của sự di chuyển của các dòng hải lưu.
Thứ hai, gọi là thủy triều đỏ, nhưng màu nước không nhất thiết phải là màu đỏ. Các loại tảo khi nở hoa có thể cho ra nước màu xanh, tím, thậm chí 7 sắc cầu vồng cũng có.
Tuy vậy, trong bài viết này chúng ta vẫn sẽ sử dụng cụm từ "thủy triều đỏ", và hãy xem điều gì sẽ xảy ra khi hiện tượng này xuất hiện.
"Kẻ hủy diệt" hàng trăm tấn tôm cá trên thế giới
Thủy triều đỏ khiến nước biển đổi màu tuyệt đẹp. Tuy nhiên, đó lại là vẻ đẹp chết người, cực kỳ nguy hại với tự nhiên.
Khi nở hoa, tảo đơn bào sẽ mang độc tố tự nhiên cực kỳ mạnh - có thể là brevetoxin (một độc chất khá mạnh có trong tự nhiên), khiến những sinh vật biển khi tiếp xúc với nó bị tê liệt tức thì.
Đồng thời, nó làm sụt giảm lượng oxy có trong nước biển, đúng hơn là hút cạn. Thông thường, tảo phát triển rất chậm, nhưng với tốc độ phát triển bùng nổ, chúng buộc phải phân rã oxy trong nước vì lớp tảo đã che khuất ánh Mặt trời, không thể quang hợp nữa.
Và hậu quả nhãn tiền có thể thấy là cá, tôm, giáp xác, thân mềm... tất tần tật các sinh vật trong vùng phủ sóng của tảo đều chết hàng loạt. Như vào cuối năm 2015, một vùng biển tại Hong Kong đã xuất hiện thủy triều đỏ, khiến hơn 36 tấn cá ra đi.
Tất nhiên cá chết thì con người cũng khó mà bình an vô sự. Nếu ăn phải cá nhiễm độc, con người có thể gặp một số triệu chứng dị ứng, gây ảnh hưởng đến đường hô hấp. Thậm chí với những người có tiền sử bệnh hô hấp kéo dài, ảnh hưởng có thể lớn đến mức gây tử vong.
Ví dụ như năm 2013 tại Malaysia, hồng triều đã khiến 2 người thiệt mạng do ăn sinh vật biển bị nhiễm độc từ thủy triều đỏ.
Và nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ là...
Nguyên nhân và cơ chế phản ứng của thủy triều đỏ thực chất vẫn còn đang gây tranh cãi. Nhưng theo như một nghiên cứu của ĐH Columbia từ năm 1985, thủy triều đỏ có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, miễn là gặp điều kiện thuận lợi.
Một số ý kiến cho rằng những hiện tượng gây biến đổi khí hậu - đặc biệt là El Nino trong những năm gần đây khiến nhiệt độ nước biển gia tăng, góp phần tạo cơ hội cho tảo "bung lụa".
Ngoài ra, những tác nhân từ con người làm thay đổi hàm lượng dinh dưỡng trong nước hoặc gây ô nhiễm nguồn nước cũng có thể khiến thủy triều đỏ bùng phát.
Nguồn: NCClean water, National Geographic
Video được xem nhiều nhất