Những sinh vật khiến bạn "đứng hình" khi vô tình bắt gặp

Kênh 14 - 17/06/2015, 10:19

Không ít người sẽ "há hốc miệng" và tự hỏi tại sao trên Trái đất lại tồn tại những loài sinh vật mang dáng vẻ kỳ dị, lạ đời đến thế.

Trên Trái đất xinh đẹp của chúng ta tồn tại không ít những loài vật kỳ dị với dáng vẻ ngoại hình độc nhất vô nhị, khiến nhiều người phải “đứng hình” khi nhìn thấy chúng. 

Cùng điểm lại một vài sinh vật kỳ lạ như thế qua tổng hợp của trang Telegraph dưới đây.

1. Sâu Nemertea xanh lục

Vừa qua, một người đàn ông tại cảng Penghu ở Đài Loan đã bắt gặp một loài sinh vật kỳ dị có màu sắc y như cục thạch Jelly.

Các chuyên gia sinh vật học cho rằng, chúng là những con sâu băng hay sâu Nemertean (tên thường gọi Ribbon Worm). Thông thường, Ribbon Worm chỉ dài vài mm nhưng cũng có phân loài phát triển mạnh, dài tới 10 - 30m.

Loài sâu Nemertea thường sống dưới nước trong vùng nhiệt đới, nhưng chúng cũng được tìm thấy tại một vài vùng đất ẩm.

Ribbon Worm có nhiều sắc thái màu khác nhau như xanh lục, đỏ, vàng, da cam. Chúng sở hữu một chiếc vòi săn mồi, có thể phóng ra tới độ dài gần bằng độ dài cơ thể. Các vòi này sau đó sẽ tiết ra một chất nhầy làm tê liệt con mồi. 

Không những thế, loài sinh vật này còn sở hữu khả năng "tuyệt đỉnh" là giãn cơ thể lên tới gấp 10 lần rồi nhanh co ngắn lại khi gặp nguy hiểm.

2. Khỉ lùn Tarsier

Hẳn các fans của serie "Chúa tể những chiếc nhẫn" còn nhớ đến nhân vật yêu tinh Gollum có cặp mắt to và dị thường đáng sợ. Nếu so với loài khỉ lùn Tarsier - loài khỉ từng bị nghi ngờ tuyệt chủng - thì Gollum còn đáng yêu hơn nhiều. 

Khỉ lùn Tarsier có cặp mắt lớn hơn cả kích thước não bộ, cặp mắt này được mệnh danh là những thấu kính ban đêm tốt nhất trong thế giới tự nhiên. 

Chính bởi chỉ cao khoảng 85 - 160mm, nặng 600gr, loài khỉ lùn này được mệnh danh là loài khỉ nhỏ bé nhất trên thế giới.

Thực ra trông khuôn mặt khỉ Tarsier khá giống một chú dơi lai cú mèo bởi đôi tai nhỏ và vểnh. Khỉ Tarsier thích ăn côn trùng và sâu bọ nhỏ ẩn nấp trong thân cây. Bộ móng vuốt là trợ thủ đắc lực giúp khỉ lùn Tarsier tách lớp vỏ cây để tìm mồi.

3. Rùa gai Mata Mata

Được tìm thấy tại khu vực sông Amazon và Orinoco, rùa gai Mata Mata được biết đến là một trong những loài rùa có hình dạng kỳ dị và là bậc thầy ngụy trang. 

Khi nhỏ, Mata Mata trông như một chiếc lá khô nhưng khi lớn lên, trông chúng giống một tảng đá hay khúc gỗ vô tri, bất động.

Chiếc mũi dạng ống dài và nằm hướng lên trên là một lợi thế giúp rùa Mata Mata khó bị phát hiện bởi chúng có thể nằm hoàn toàn trong nước mà vẫn hô hấp chỉ với một phần rất nhỏ nhô lên ở lỗ mũi.

Rùa Mata ăn các loài cá nhỏ, côn trùng và sinh vật nhỏ sống trong nước. Khi một con mồi vô tình đến gần, rùa Mata sẽ đẩy nhanh cái đầu của mình ra phía trước và há rộng miệng tối đa. 

Miệng của Mata có thể mở rộng và nhanh đến nỗi làm áp suất nước trong khoang miệng tụt giảm đột ngột và cuốn theo con mồi vào miệng. Đây cũng là cách săn mồi mà loài cá voi khổng lồ thực hiện. 
 

Ngoài lớp gai nhọn bao phủ toàn thân, rùa gai Mata còn sở hữu cặp hàm cực khỏe. Nếu cố tình trêu chọc, chúng có thể đớp thẳng vào tay kẻ quấy rối với lực cắn lên tới 18kg.

4. Lợn lòi Babirusa

Có nguồn gốc từ đảo Sulawesi của Indonesia, Babirusa trông khá đặc biệt bởi chúng có chiếc răng nanh hàm trên phát triển, đâm xuyên vòm miệng, cong vòng gần đến mắt, gần giống ngà voi.

Những chiếc răng cong vút này không chỉ khiến Babirusa trông kỳ dị mà còn gây nguy hiểm cho sự sinh tồn của chúng. 

Nếu những chiếc răng tiếp tục phát triển, chúng có thể uốn cong thêm và đôi khi đâm thẳng vào hộp sọ. Babirusa có chế độ ăn khá đa dạng, bao gồm lá, củ, quả và chất thải động vật. 
 


Các nhà khoa học cho rằng, chiếc hàm khỏe cùng chiếc răng độc đáo không chỉ giúp loài Babirusa tách hạt cứng dễ dàng hơn mà đó còn là vũ khí phòng vệ của con đực trưởng thành khi phải chiến đấu với đồng loại giành bạn tình. 

5. Nhím sọc có gai
 

Loài nhím đáng yêu này phân bố ở vùng Madagascar. Mặc dù có vẻ ngoài “gai góc" nhưng sự thật là chúng rất hiền lành và chỉ ăn côn trùng, sâu bọ gây hại và các loài lưỡng cư nhỏ. 

Vì thế, chúng được xem như loài động vật kiểm soát dịch bệnh của các khu vườn tự nhiên.

Nhím sọc gai là loài hoạt động về đêm, chúng dành 3 - 4 tiếng đồng hồ để kiếm ăn và thời gian còn lại chúng dùng để ngủ. Chiều dài tối đa mà nhím sọc có thể đạt đến là khoảng 23 - 27cm. 

6. Sâu bướm Puss Moth

Loài sâu có màu sắc tươi tắn này là con mồi béo bở của hầu hết các loài chim trong khu rừng. Nhưng để bảo vệ mình trước mối nguy hiểm đó, chúng lựa chọn cách bắt chước, hình thành “gương mặt” trông kì dị giống gương mặt của loài có xương sống đủ để hù dọa, khiến kẻ thù tò mò nhất cũng phải tránh xa.

Thoạt nhìn có vẻ hung dữ với đôi mắt giả màu đen trước trán, hàng ngày chúng phải dùng nhiều mưu kế như bắt chước khuôn mặt của động vật xương sống ăn thịt. 

Nếu bị chạm vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể, nó sẽ ngay lập tức quay “gương mặt” của nó về hướng của kẻ tấn công và tặng kẻ đó màn sương axit formic từ hai chiếc sừng kì lạ để đối phó với kẻ thù. 

Nguồn: Telegraph, Wikipedia

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất