Những bộ phận "biết là thừa" nhưng chẳng thể bỏ trên cơ thể chúng ta

Kênh 14 - 03/07/2015, 08:37

Cùng tìm hiểu một vài những bộ phận bị cho là "vô dụng" trên cơ thể người.

Cơ thể người là một khối thống nhất hoàn hảo. Các bộ phận trong cơ thể đều có sự liên quan và liên kết chặt chẽ với nhau. 
 
Trải qua hàng ngàn năm dưới sự chọn lọc của tự nhiên, con người từ một giống loài nguyên thủy đã dần tiến hóa để trở nên hoàn hảo như ngày hôm nay. Cơ thể đã loại bỏ những đặc điểm dư thừa, giữ lại và phát triển những điểm mạnh. 
 
Tuy vậy, vẫn còn một vài đặc điểm còn tồn tại trên cơ thể nhưng không thực sự cần thiết cho chức năng sinh tồn của chúng ta. Cùng điểm lại một vài bộ phận bị cho là "dư thừa" nhưng khó có thể vứt bỏ trên cơ thể chúng ta. 
 
1. Răng khôn khiến bạn đau nhức đến tận óc
 
Bạn có tin, răng khôn chính là "hậu quả" của việc con người đã tiến hóa. Lý do là cách đây hàng triệu năm, răng khôn giúp tổ tiên chúng ta nhai thịt tốt hơn. 
 

Nhưng khi bộ não phát triển, xương hàm bị thu hẹp lại khiến răng khôn không có chỗ mọc. Thế là chúng phải chen chúc và mọc theo những hướng khác nhau, gây ra nhiều đau đớn và phiền phức. Bởi vậy mà không ít người đã phải đến nha sĩ để "giải quyết" chúng.
 
2. Tai biết ngọ nguậy, vẫy vẫy như Tể tướng Lưu Gù
 
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm cơ tai Auriculares đã quyết định khả năng "ngọ nguậy" tai kỳ lạ của 15% dân số thế giới.  
 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có nhu cầu "vẫy vẫy" chiếc tai của mình. Cơ tai Auriculares chính là phần cơ phía ngoài của tai, có chức năng xoay, điều chỉnh đôi tai để tập trung thính giác về phía những âm thanh đặc biệt. 
 
Đặc điểm này được thể hiện rõ nét ở loài mèo khi chúng đang rình chuột. Lúc này, đôi tai sẽ vểnh lên và hướng về phía con mồi. Theo nhà sinh vật học Lewis Held, xưa kia, để phát hiện con mồi, tổ tiên ta cũng sở hữu nhóm cơ này. Sau một thời gian dài tiến hóa, phần cơ tai này ở loài người chúng ta trở nên yếu và dần biến mất. 
 
3. Lông nách càng rậm rạp càng "bốc mùi"
 
Theo Daniel Lieberman - giáo sư về sinh học tiến hóa người tại ĐH Harvard (Mỹ), có hai loại tuyến mồ hôi trong cơ thể - tuyến eccrine và tuyến apocrine. 
 

Tuyến eccrine (tuyến mồ hôi toàn vẹn) sau khi tiết ra mồ hôi thì cấu tạo tuyến vẫn nguyên vẹn, còn tuyến apocrine (tuyến mồ hôi đầu hủy) sau khi tiết ra thì mất dần đi phần đầu của tuyến.
 
Tuyến mồ hôi toàn vẹn eccrine nằm rải rác khắp nơi trên da, nhiều nhất ở lòng bàn tay, bàn chân. Trong khi đó, tuyến mồ hôi đầu hủy apocrine chỉ có ở nách và vùng sinh dục. Có lẽ bởi vậy mà lông nách vẫn tồn tại đến ngày nay như một cách để tăng thêm mùi hương riêng cho cơ thể, khiến bạn trở nên quyến rũ hơn với "đối tác".
 
4. Núm vú nam giới hoàn toàn vô dụng
 
Theo Lewis Held, núm vú của nam giới hoàn toàn vô dụng. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, núm vú của nam giới được hình thành ngay ở bào thai trong tử cung. 
 

Mọi bào thai đều mang giới tính nữ trong giai đoạn đầu. Sau đó bào thai sẽ dần phát triển thành bé trai hay bé gái phụ thuộc vào lượng testosterone.
 
Núm vú phụ nữ và nam giới giống nhau, nhưng khi thiếu kích thích tố như estrogen ở phụ nữ, bộ phận này chỉ đơn giản như một vật trang trí trên ngực đàn ông mà thôi.
 
5. Có quá nhiều xương ở bàn chân
 
Mỗi bàn chân của chúng ta được cấu thành bởi 26 xương, 2 xương ở mặt sau bàn chân, 5 xương ở phần giữa bàn chân và 19 ở mu bàn chân và các ngón chân. Số xương này chiếm khoảng 1/4 số xương toàn bộ cơ thể bạn. 
 

Theo các chuyên gia, sở dĩ chúng ta có nhiều xương ở bàn chân như vậy là bởi loài vượn cổ - tổ tiên của chúng ta thường phải dùng chân nắm, với cành cây hay sử dụng chân để kiếm mồi. Do đó, phần xương chân đặc biệt phát triển. 
 
Tuy nhiên, trải qua hàng triệu năm tiến hóa, những "thiết kế" trong cấu tạo xương chân có phần lỗi thời và rắc rối. Chúng không những không hữu ích khi con người đi thẳng mà còn khiến chúng ta gặp nhiều vấn đề về chân như gẫy xương chân, vỡ mắt cá chân hay bong gân.
 
Nguồn: BuzzFeed, Wikipedia

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất