Nguy kịch do uốn ván sau khi giẫm phải tăm xỉa răng
Gần một tuần sau khi giẫm phải cây tăm xỉa răng bằng tre, bé gái 9 tuổi có biểu hiện co gồng toàn thân rồi khó thở.
Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trong tình trạng hàm bị cứng chỉ có thể hé miệng và chỉ vài giờ sau, lưng cổ cũng không thể cử động. Khám tổng trạng cơ thể, các bác sĩ phát hiện dưới bàn chân trái của bé có một vết thương đang ung mủ và có dấu hiệu nhiễm trùng.
"Trong quá trình làm sạch vết thương, chúng tôi lấy ra được một đầu tăm xỉa răng bằng tre. Nghi ngờ bệnh nhi bị uốn ván, các bác sĩ tiếp tục làm xét nghiệm liên quan thì kết quả không ngoài dự đoán", một bác sĩ cho biết.
Bệnh nhân uốn ván điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh tư liệu: Thiên Chương |
Cũng theo các bác sĩ, cây tăm có thể đã mang vi trùng uốn ván nên khi đâm vào chân, vi trùng này ủ bệnh trong nhiều ngày trước khi có triệu chứng co gồng và cứng một số cơ, trong đó điển hình nhất là cơ hàm và cơ cổ. Người bệnh hiện vẫn còn co gồng toàn thân, thanh quản bị co thắt khiến việc thở bị khó khăn nên phải thở máy.
Phụ huynh cho biết, khoảng 7 ngày trước, trong lần tắm mưa, bé có đạp phải cây tăm xỉa răng nhưng giấu không cho người lớn biết, đến khi lên cơn sốt thì bàn chân đã sưng to và mưng mủ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 200 trường hợp mắc bệnh uốn ván, hầu hết bệnh nhân đều phát bệnh sau khi bị rách da chảy máu và nhiều người chưa tiêm phòng.
Uốn ván là chứng bệnh làm co giật căng cứng các bắp thịt trong cơ thể, thường dẫn đến chết người. Nguyên nhân là chất độc neurotoxin bị nhiễm vi trùng Clostridium tetani qua vết thương trên da. Vi trùng uốn ván được tìm thấy trong nước, đất, đặc biệt là đất canh tác, bụi, không khí, phân súc vật và người. Không cần vật dụng gây chảy máu bị gỉ sét, vi trùng uốn ván vẫn có thể thâm nhập vào cơ thể qua vết thương ngoài da. Hầu hết là vết thương nhỏ dễ bị bỏ qua như vết đạp đinh, xóc dầm, viêm móng, vết rách da do tai nạn lao động...
Sau khi vào cơ thể, vi trùng tiết ra độc tố tác động vào hệ thần kinh với các biểu hiện như đột ngột mỏi hàm, nói khó, cứng cổ. Nặng hơn, bệnh nhân bị cong ưỡn người ra sau như cây đòn gánh (nên bệnh uốn ván còn được gọi là phong đòn gánh), thẳng cứng người như tấm ván, co giật, suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn thần kinh thực vật dẫn đến tử vong.
Có nhiều cách để tiêm ngừa bệnh. Với trẻ dưới 7 tuổi, các bé sẽ được tiêm văcxin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các mũi chích gồm tháng thứ hai, tháng thứ ba và thứ tư sau sinh. Mũi thứ tư tiêm khi trẻ đủ 12 tháng đến 23 tháng. Mũi thứ năm lúc trẻ 4-6 tuổi, sau đó chích nhắc 10 mỗi lần. Với trẻ trên 7 tuổi chưa tiêm lần nào và người lớn chưa từng tiêm thì vẫn có loại văcxin phù hợp. Mũi thứ nhất tiêm vào lần khám đầu tiên, mũi thứ hai sau đó 2-4 tuần. Lần tiêm thứ ba sau mũi thứ hai từ 6 đến 12 tháng. Sau đó 10 năm thì tiêm nhắc một lần.
Việc xử lý sau khi bị rách da chảy máu là quan trọng và cần thiết. Đối với vết thương kích thước nhỏ, không dính đất cát, không có mủ, chỉ cần chăm sóc tại chỗ với nước muối sinh lý và nước oxy già. Nếu vết thương rộng, sâu, dính đất cát, có mô dập, có mủ thì phải đến cơ sở y tế trong vòng 24 giờ để được tiêm ngừa.
Thiên Chương
Video được xem nhiều nhất