"Người phán xử": Có lúc, tôi chỉ nhíu mày, cát-xê đã tăng
Là một trong những diễn viên xuất sắc nhất của màn ảnh phía Bắc, nhưng NSND Hoàng Dũng cho biết anh không bao giờ đặt giá cát-xê cho mình.
- "Người phán xử" tối nay: Anh em Tuấn Tú lại bị phán xử!
- VTV thu gần 3 tỷ đồng mỗi tập ‘Người phán xử’ phát sóng
- Hôn nhân lên bờ xuống ruộng vì bạn diễn nữ của Việt Anh "Người phán xử"
- Bật mí lý do vì sao "Mẹ chồng" và "Người phán xử" phải quay thêm đoạn kết
- Người phán xử tập 28: Ông trùm ủ mưu làm gỏi Thiên Long
Không phải đến Người phán xử, Hoàng Dũng mới nổi tiếng. Từ khi phim truyền hình mới manh nha phôi thai, anh cùng với Hoàng Cúc đã là cặp đôi vàng của màn ảnh nhỏ.
Từ những năm 90 thế kỷ trước đến nay, cùng với những vai diễn chắt lọc, NSND Hoàng Dũng đã trở thành một trong những gương mặt đắt giá bậc nhất của màn ảnh phía Bắc.
Khi xem “Người phán xử”, không ít người nhận xét vai diễn ông trùm Phan Quân được xây dựng như để “đo ni đóng giầy” dành cho anh. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với nhân vật này, để rồi gây bão màn ảnh?
- Tôi vốn thích những vai gai góc, diễn biến tâm lý phức tạp thay vì những vai đơn giản. Kể từ năm 2012, tôi ít xuất hiện trên màn ảnh. Có những phim mời tha thiết, riêng về vấn đề kinh tế, họ còn nói tôi muốn thế nào thì thành như thế, nhưng tôi cũng từ chối vì không thu xếp được.
Đến Người phán xử, đạo diễn nhắn tôi cố gắng tham gia. Tôi bảo cứ gửi kịch bản trước. Khi đọc kịch bản, tôi đồng ý ngay mà không cần ai phải thuyết phục. Tôi chỉ đề nghị với đoàn làm phim là chiều thời gian của tôi một chút vì tôi rất bận.
Phim này quay đúng lúc tôi chuẩn bị về hưu, có rất nhiều vấn đề phải giải quyết như kiểm kê tài sản, bàn giao từng cái kim, sợi chỉ cho người kế nhiệm. Trong suốt thời gian quay phim, nhiều hôm 11h đêm, từ Đồng Mô về, nhưng tôi vẫn phải qua nhà hát để ký giấy tờ rồi mới được về nhà.
Khi phim vừa quay xong cũng đúng lúc tôi nhận quyết định nghỉ hưu.
Nhiều lần đắn đo trước lời mời gọi của các đoàn làm phim nhưng với “Người phán xử”, anh lại nhận lời ngay, trùm Phan Quân hẳn là một nhân vật có sức hấp dẫn ngay từ trên kịch bản?
- Ở tuổi của tôi mà có được một vai chính là rất khó, huống hồ đây lại là một vai rất thú vị. Khi đọc xong kịch bản, tôi thấy ông trùm Phan Quân có nhiều đức tính mà chính tôi cũng muốn hướng đến. Ví như sự thông minh, tính quyết đoán, sự điềm tĩnh… Phan Quân là mẫu người mà không phải ai cũng đạt tới được.
Tôi và nhân vật “Người phán xử” ít nhiều có những điểm tương đồng về tính cách. Ở cơ quan, tôi cũng là một người quyết đoán, mọi vấn đề tôi đều giải quyết rất nhanh và cương quyết. Tôi cũng có sự điềm tĩnh cần có. Tôi đã mang tính cách này vào phim bằng chứng là những tình huống gay cấn, nhưng tôi không chọn cách nói to.
Tôi chỉ quát tháo với Phan Hải vì đây là một nhân vật mà những câu nói cần phải được “găm” vào đầu, do vậy, không thể nói nhỏ. Nói to cũng thể hiện việc Phan Quân đang bất lực vì không biết tìm cách nào để trị đứa con này.
Không chỉ khán giả, mà nhiều đồng nghiệp không ngại công khai khen anh là một diễn viên giỏi khi vào vai trùm Phan Quân. Bằng cách nào, anh đã dàn dựng nhân vật này một cách sinh động trên màn ảnh?
- Trong nhân vật Phan Quân có nhiều cung bậc cảm xúc, một ông trùm xã hội đen nhưng cũng rất con người. Sau này, khán giả sẽ thấy phân đoạn Phan Quân khóc. Một người lạnh lùng, quyết đoán nhưng khi khóc vẫn sẽ lấy được sự đồng cảm. Diễn được cảnh này phải là một người có kinh nghiệm diễn xuất.
Khi diễn đừng để mình khóc trước khán giả, mình phải kìm nén cảm xúc và chỉ trực trào khi người xem đã đồng cảm. Tôi chủ ý xây dựng Phan Quân là một nhân vật nhiều màu sắc, sự buồn bã mang nhiều màu sắc, sự nóng giận cũng vậy.
Khi nào cần buồn ít, khi nào cần buồn nhiều, khi nào cần giận ít, khi nào cần giận nhiều… Tất cả đều phải đong đếm, phân chia và định lượng cảm xúc cụ thể.
Khi diễn xuất, tôi không động đến nhiều kỹ thuật, chỉ tập vào hai thứ là: ánh mắt và tiếng nói. Một kịch bản tốt, dàn diễn viên làm cùng hiểu nhau nên tôi không phải mất nhiều sức.
Xung quanh anh là một dàn diễn viên nhận được nhiều khen ngợi như NSƯT Trung Anh (Lương Bổng), Việt Anh (Phan Hải), NSƯT Thanh Quý (Hồ Thu), Anh Đức (Khải Sở Khanh)… Anh đánh giá cao bạn diễn nào hơn cả?
- Tôi phải công nhận Anh Đức rất duyên, nếu cũng câu thoại ấy mà đưa vào miệng của người khác chưa chắc đã thể hiện được như thế. Quốc Đam đóng vai Trần Tú cũng làm rất tốt, tôi chỉ không thích có một cảnh là khi Thế “Chột” bảo Phan Quân còn sống, cảnh sợ hãi mà Đam đóng hơi giả.
Nhưng vai thành công, theo tôi là Trung Anh. Trung Anh vào vai một người đi theo Phan Quân, rất ít lời, để diễn ra được chất giang hồ không hề dễ. Thế nhưng, Trung Anh đã xác định được nhân vật, khiến ngay cả những cảnh mà Lương Bổng chỉ đứng sau, không nói gì mà đạo diễn, quay phim vẫn phải để mắt tới. Đó là tài năng.
NSƯT Trung Anh là diễn viên kỳ cựu của sân khấu miền Bắc. Đóng một vai phải phục tùng, trung thành với vai diễn của anh. Khi nhìn vào mắt bạn diễn, anh có nhìn thấy sự quy phục trong đó?
Ngoài đời, tôi và Trung Anh như anh em ruột. Thế nên khi Trung Anh diễn sự phục tùng đến tối đa, gần như không phải diễn. Tôi nhìn vào mắt Trung Anh cũng như vậy, rất tự nhiên. Chúng tôi yêu quý, trân trọng nhau như thế nào, lên phim y như vậy.
Việt Anh, Hồng Đăng, Phan Hương ngoài đời cũng xưng con và gọi tôi bằng bố. Về mặt tình cảm, chúng tôi không cần phải diễn.
Khi lên phim, những diễn viên không ưa nhau dù đóng vai yêu nhau vẫn bị lộ. Ôm nhau đấy, hôn nhau đấy, nhưng vẫn là cái ôm hôn của những người không thích nhau. Người trong nghề nhìn thoáng qua là nhận ra ngay.
Còn khi đã yêu quý nhau, chúng tôi lên phim có quát nhau, mắng nhau, vẫn đầy tình cảm.
NSND Hoàng Dũng khi còn trẻ đã tung hoành màn ảnh. Khi anh nổi tiếng, dư luận chưa biết đến sự cuồng nhiệt. Khi công chúng cuồng nhiệt, báo chí tung hô, anh đã về già. Số phận hình như đã khiến anh lỡ nhịp với danh tiếng, tiền tài…?
- Thời ấy không được sướng như bây giờ. Ngày ấy báo chí ít lắm, những công nghệ lăng-xê, thổi phồng tuyệt nhiên không có. Những bộ phim đầu tiên tôi đóng trên truyền hình, tôi còn phải đi xem nhờ vì không có tivi.
Xem nhờ thì 8h bắt đầu, 8h kém 5 mới dám vào. Hôm nào người ta cười vui vẻ còn xem được hết, chứ người ta bực bội mình phải chuồn về sớm.
Lần đầu tiên tôi được lên báo là vào năm 1981, chỉ một mẩu nhỏ trên tờ Đại Đoàn Kết. Hãnh diện nhưng vẫn phải giấu đi vì sợ mọi người đọc sẽ phản ứng trái chiều. Nói vậy nhưng tôi không có ý so sánh. Tôi rất ưu ái các bạn trẻ, đó chỉ là câu chuyện của thời cuộc.
Khi có tuổi rồi, thế hệ chúng tôi chỉ được mời vào các vai phụ, vai những ông bố bà mẹ xuất hiện làm nền cho các diễn viên trẻ.
Vậy, vai “Người phán xử” có thể xem là sự bù đắp, là cơ hội để anh tìm lại hào quang cho mình?
- Tôi xác định từ trước rằng nghề này hào quang cũng có mà thị phi cũng nhiều. Thời gian gần đây, cuộc sống của tôi đúng là xáo động. Ra ngoài, nhiều người cứ vỗ cái “đốp” vào người rồi cười, họ cảm thấy mình như một thế giới khác, còn Phan Quân là một thế giới khác.
Nhiều hôm đi ăn, chủ ăn nhất định không lấy tiền. Đi gửi xe, người trông xe không những không lấy tiền mà còn cảm ơn. Hôm trước, tôi đi mua mấy bộ để mặc, chủ cửa hàng cũng không lấy tiền.
Lúc ấy lại đông người, cố trả tiền cũng dở mà vui vẻ về ngay cũng không hay. Đó là những tình huống rất khó xử.
Dư luận còn đồn đoán, với vai ông trùm Phan Quân, hẳn anh đã nhận được mức cát-xê khủng?
- Tôi thường không đặt nặng vấn đề cát-xê với đơn vị sản xuất. Tôi chưa bao giờ ra giá, hay kỳ kèo chuyện tiền bạc. Họ thông báo như thế nào thì tôi biết vậy. Giá phim truyền hình ở miền Bắc nhìn chung là thấp. Nhưng đoàn làm phim bao giờ cũng nói tôi là người được trả cao nhất đoàn.
Đó là phim của đơn vị nhà nước, còn tư nhân sẽ khác. Khi tôi làm phim Cuồng phong, nhìn vào con số, tôi mới chỉ hơi nhíu mày, vậy mà cát-xê đã thay đổi luôn, chủ đầu tư đưa tôi thêm một khoản riêng ngay lập tức.
Còn với Người phán xử, phía nhà sản xuất có nói là tôi nhận mức cát-xê cao nhất vì tôi đóng vai chính và cũng vì vị trí của tôi. Tôi tin là các em nói thật.
“Người phán xử” nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả truyền hình. Vợ con anh phản hồi như thế nào về bộ phim và vai diễn nổi tiếng của anh?
- Gia đình tôi chỉ mỗi cậu út, sinh năm 1999 là bàn luận với bố, còn con trai lớn, con dâu và vợ thì không bao giờ bộc lộ. Bà xã vẫn xem, cứ 9h15 chuẩn bị nước, kẹo để ngồi trên giường xem phim.
Thế nhưng cô ấy cũng chỉ thường khen ví dụ như “Trung Anh diễn hay”, “Thanh Quý vai này cũng được nhỉ” và không nói gì về vai của chồng.
Kết hôn với nhau gần 30 năm, nếu chia sẻ về người phụ nữ gắn bó với cuộc đời mình, anh sẽ nói điều gì?
- Có lẽ, vợ tôi yêu tôi nhiều hơn. Người đàn bà mà yêu nhiều hơn, bao giờ cũng thiệt thòi. Tôi lại không phải mẫu người hay nói những từ như “Anh yêu em” trong đời sống.
Với chúng tôi, tất cả yêu thương thể hiện bằng sự quan tâm, chăm sóc. Khi ốm đau thì săn sóc hoặc là nấu cho nhau những món ăn ngon. Cô ấy thích nấu ăn, nhiều hôm mà khen món nào ngon thì cô ấy nấu cho ăn mấy ngày trời.
Bà xã cũng là người rất tiết kiệm. Tôi đi công tác ở đâu, điện về hỏi muốn mua quà gì thì vợ từ chối ngay, nôm na là rất sợ tốn tiền. Cuộc sống hai vợ chồng ở tuổi này chủ yếu là tình thương.
Tôi mong mọi thứ cứ lặng lẽ như thế, mình có thời gian đi làm phim, hoàn thành những hợp đồng với nhà hát và luôn có gia đình bên cạnh.
Theo Hiền Hương/Quang Đức
Video được xem nhiều nhất
- • 5 cặp đôi được yêu thích nhất trên màn ảnh Hoa ngữ nửa đầu năm 2020
- • Sao nào cũng sở hữu ít nhất một bản 'photocopy' - món đặc sản chỉ có ở phim Hoa ngữ
- • Top 3 'chị đẹp' U40 có số đào hoa, được trai đẹp theo đuổi nhiều nhất trên màn ảnh Hàn nửa đầu năm 2020
- • Điểm chung của 3 'soái ca' nổi nhất màn ảnh Việt hiện nay: đẹp trai, giàu có, tài giỏi nhưng bị mẹ quản lý chặt đến 'ngộp thở'
- • Liệu có tồn tại 'lời nguyền Glee' khi nhiều thành viên của đoàn làm phim lần lượt qua đời?
- • Cục điện ảnh Trung Quốc: Phim ngôn tình không được quá ngọt, cấm yêu sớm, tình yêu đam mỹ phải chuyển sang... tình đồng chí, bạn bè